Thứ 7, 27/04/2024 09:36:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:14, 22/12/2014 GMT+7

Hướng đi nào cho nghề truyền thống ở thôn Phu Mang 2?

Thứ 2, 22/12/2014 | 07:14:00 374 lượt xem
BP - Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xêtiêng ở thôn Phu Mang 2, xã Long Hà (Bù Gia Mập) đã có từ lâu đời, nhưng đang mai một do ảnh hưởng của các sản phẩm công nghiệp và nhu cầu sử dụng của đồng bào ngày càng thu hẹp.

MUỐN BẢO TỒN NHƯNG KHÔNG LỐI RA

Ông Điểu Kia, Phó thôn Phu Mang 2 cho biết: Ngày trước, dệt thổ cẩm là nghề chính của bà con. Gần đây, nhu cầu dùng vải thổ cẩm giảm đi do xu thế hội nhập cuộc sống hiện đại. Mặt khác, nhiều địa phương trong nước xây dựng được làng nghề dệt thổ cẩm, sản xuất với số lượng lớn nên mặt hàng này trở nên bão hòa. Có hộ làm nghề mà không bán được sản phẩm. Trong khi đó, để làm một sản phẩm thổ cẩm mất rất nhiều công sức, có khi cả tháng. Vì vậy nhiều người gác khung dệt, thanh niên trong thôn chuyển sang học nghề khác hay đi làm thuê. Hiện còn rất ít hộ gắn bó với nghề, nếu có cũng chỉ tranh thủ thời gian rảnh.

Bà Thị Liên và ông Điểu Kia giới thiệu các sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Xêtiêng

Chỉ vào chiếc tủ với rất nhiều tấm thổ cẩm các loại, bà Thị Liên cho biết: “Hiện chúng tôi đã dệt được rất nhiều sản phẩm đẹp, nhưng không có người mua. Tôi chỉ sợ đến lúc nào đó, cái nghề của đồng bào mình không còn nữa nên tranh thủ những lúc nông nhàn đem khung ra dệt”. Bà Liên năm nay 65 tuổi và đã có 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Hiện bà đang truyền dạy lại cho cháu gái với mong muốn nét đẹp truyền thống của dân tộc được lưu giữ.

Không chỉ lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, bà con còn rất khéo tay đan lát nhiều sản phẩm độc đáo, nhất là gùi. Ông Điểu Gôn cho hay: Hiện gùi chỉ làm để sử dụng trong nhà, thỉnh thoảng bán cho ai có nhu cầu. Bà con rất mong được giới thiệu sản phẩm của dân tộc mình nhưng không có điều kiện.

Đáng buồn là hiện nay lớp trẻ người DTTS không thích mặc trang phục truyền thống nên dệt và sử dụng chủ yếu là người già. Nếu không có những giải pháp cụ thể, nguy cơ mất nghề rất lớn. Đồng bào mong ngành chức năng và chính quyền các cấp xem xét hỗ trợ đưa sản phẩm của người dân đến các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn... để quảng bá cho du khách, trong và ngoài nước. Nếu tiêu thụ được sản phẩm, bà con có công việc thường xuyên sẽ ổn định đời sống và yên tâm với nghề - ông Điểu Kia cho hay.

GIÁ THÀNH THỔ CẨM QUÁ CAO

Khó khăn đầu ra của hàng thổ cẩm chính là giá thành quá cao và chưa hình thành kênh tiêu thụ. Du lịch ở tỉnh cũng chưa phát triển để quảng bá sản phẩm. Chúng tôi đang có chủ trương giới thiệu thông qua các hội chợ thương mại, phối hợp các công ty du lịch... để tiêu thụ.

Ông La Văn Trường, Phó phòng Chính sách phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Bà Vũ Thị Như Hà, Phó chủ tịch UBND xã Long Hà cho biết: Hiện giá các sản phẩm truyền thống của đồng bào quá cao. Đơn cử như một tấm đắp thổ cẩm có giá 1,5 triệu đồng, một chiếc áo hay gùi có giá từ 500 ngàn đồng trở lên... Muốn hàng thổ cẩm đến tay người tiêu dùng, các mặt hàng của bà con rất cần Nhà nước trợ giá. Trước mắt, để duy trì, chính quyền xã tuyên truyền, vận động bà con trao đổi sản phẩm trong cộng đồng dân tộc mình để giữ gìn truyền thống và quảng bá được vẻ đẹp sản phẩm đó rộng rãi ra xã hội cũng như đối với chính lớp trẻ trong đồng bào. đồng thời chọn những mặt hàng đẹp gửi giới thiệu tại các trung tâm thương mại. UBND xã đã có chủ trương xây dựng website giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương nhưng chưa thực hiện được.

Chia sẻ về khó khăn này, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Tấn Cường bộc bạch: Cấp ủy, chính quyền giới thiệu cho nhân dân thông qua các hoạt động, hội nghị của xã và trưng bày sản phẩm trong các nhà văn hóa. Đồng thời định hướng cho bà con đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã.

Từ thực tế trên, rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, quảng bá và tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho mặt hàng này. Từ đó tạo lợi thế để xây dựng Phu Mang 2 thành làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào và thúc đẩy phát triển đa dạng hàng hóa phục vụ du lịch.    

 Lâm Phương

  • Từ khóa
92532

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu