Thứ 6, 26/04/2024 19:12:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:41, 18/12/2013 GMT+7

Hiệu quả từ những chương trình xóa nghèo ở xã Lộc Hưng

Thứ 4, 18/12/2013 | 09:41:00 1,556 lượt xem

Ông Giang Văn Khoa, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá: Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) đã lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo, tuyên truyền, giáo dục người nghèo không ỷ lại, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. 

NHỮNG DỰ ÁN GIẢM NGHÈO HIỆU QUẢ

Anh Lý Văn Sóc, Phó chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Hội nông dân xã vẫn nhớ năm 2009, Lộc Hưng được Hội nông dân huyện, Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ kinh phí để chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào mô hình sản xuất lúa ngắn ngày, năng suất cao. Nhờ hệ thống thủy lợi, một phần diện tích lúa ở Lộc Hưng đã có nước để sản xuất 3 vụ/năm. Đây cũng là mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật và giống lúa mới cho bà con dân tộc Khơme. Nhờ đó năng suất lúa tăng lên gấp 2 lần (6-7 tấn/ha) so với giống lúa địa phương. Hiệu quả cao nhất của mô hình sản xuất giống lúa mới cho năng suất cao ở Lộc Hưng là làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong chuyên canh cây lúa.


Nhờ học nghề cạo mủ nhiều hộ Khơme ở xã Lộc Hưng đã thoát nghèo

Năm 2010, Hội Nông dân xã Lộc Hưng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện mô hình điểm nuôi bò sinh sản giảm nghèo. Sau khi được phân bổ 200 triệu đồng, hội đã phối hợp với UBND xã rà soát chọn 10 hộ nghèo đủ các tiêu chí: Giống do nông dân tự chọn có sự giám sát nghiệm thu của xã. Sau 3 năm thực hiện dự án, 10 hộ ở Lộc Hưng đều đã trả hết vốn, lãi và có dư 30-50 triệu đồng/hộ. 

Qua mô hình điểm xóa nghèo bền vững từ nuôi bò sinh sản, đàn bò ở Lộc Hưng đã tăng lên 55 con, ước trị giá hơn 600 triệu đồng, gồm 20 con đực và 35 con cái. Từ hiệu quả của dự án, theo đề xuất của xã Lộc Hưng, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai chu kỳ 2 vào tháng 5-2013, với tổng vốn 200 triệu đồng của chu kỳ 1 cho 8 hộ vay mua 8 bò cái và 2 con bê, tổng trị giá 198 triệu đồng. Hiện đã có 6 con đẻ. 

LỒNG GHÉP NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH GIÚP HỘ NGHÈO

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nguyện ở tổ 1, ấp 7 để chia sẻ niềm vui vì căn nhà tình thương do Hội nông dân vận động xây dựng cho chị nay đã được nâng cấp, lát gạch men sáng bóng. Chị Nguyện xúc động: “Tất cả là nhờ tiền bán bò do Hội nông dân hỗ trợ giống”.

Chị Nguyện cho biết, sau gần 4 năm được hỗ trợ vốn mua 2 con bò giống, trừ 7 con bê đã bán trả hết vốn lẫn lãi cho Nhà nước, chị vẫn còn dư 59 triệu đồng và 3 con bò có giá trị 55 triệu đồng. Đây là số tiền mà những hộ nghèo như chị không dám nghĩ tới.

Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Hữu Hạnh ở ấp 1 đã bán để trả vốn vay và còn dư hơn 50 triệu đồng mua chiếc xe ba gác máy chuyển nghề từ làm thuê thủ công qua dịch vụ vận chuyển. Anh Hạnh phấn khởi: “Nhà nước ưu đãi từ vay vốn Ngân hàng chính sách - xã hội đến hỗ trợ bò giống, kỹ thuật chăn nuôi”. Sau 4 năm được hỗ trợ vốn nuôi bò, gia đình anh Hạnh đã tích góp làm được căn nhà nhỏ và thoát nghèo bền vững.

Anh Đinh Văn Sức, Trưởng ấp 7 cho biết: Ấp nghèo nhất xã, đất đai phèn úng, mùa mưa ngập nước, mùa nắng khô hạn. Ấp 7 có 4 hộ được hỗ trợ vốn nuôi bò giai đoạn 1. Ngoài hưởng dự án nuôi bò, các hộ còn được hỗ trợ nhà tình thương, vay vốn ưu đãi ngân hàng làm các công trình vệ sinh, giếng nước... Trừ 1 hộ trả vốn trước để về quê, 3 hộ còn lại đều thoát nghèo bền vững. Dự án nuôi bò đợt 2, ấp có thêm 3 hộ được vay vốn mua bò.

Từ năm 2010 đến nay, Lộc Hưng có 48 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà tình thương từ các chương trình. Đến tháng 12-2013, tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách - xã hội ở Lộc Hưng là 7,655 tỷ đồng, gồm các chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường và làm nhà theo Quyết định 167. Thực hiện Chương trình 134, có 5 hộ được cấp đất sản xuất tại xã Lộc Thành (1 ha/hộ) năm 2008. Năm 2013, có 4 hộ được cấp đất sản xuất tại xã Lộc Hiệp (5 sào/hộ). Qua kiểm tra, Lộc Hưng là xã duy nhất có đông đồng bào dân tộc thiểu số giữ được đất và sản xuất hiệu quả.

Ông Lâm Khon, Trưởng ban mặt trận ấp 4 phấn khởi:  Ấp có 194 hộ dân tộc Khơme, nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo, tỷ lệ 3,8%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của xã (toàn xã là 4,34%), hộ nghèo còn lại là người già neo đơn, không còn khả năng lao động. Người Khơme ấp 4 không trông chờ, ỷ lại, không bán đất sản xuất, kể cả đất được cấp từ Chương trình 134. Mặt trận ấp phối hợp với hội đồng già làng giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo, hộ nào không có đất thì học nghề và nuôi thêm trâu, bò. Năm 2013, hội nông dân mở 2 lớp dạy nghề cạo mủ cao su, có 60/75 học viên là đồng bào dân tộc Khơme theo học, đã có 2 hộ thoát nghèo nhờ cạo mủ thuê cho các trang trại.

Anh Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2011 đến nay, Lộc Hưng không có hộ tái nghèo. Hộ nghèo phát sinh chủ yếu do mất sức lao động hoặc người già neo đơn, bị bệnh hiểm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều hơn so với nghị quyết HĐND xã hàng năm (15%/tổng hộ nghèo). Đến nay, Lộc Hưng cơ bản đã xóa nhà tranh tre dột nát. Đảng ủy giao trách nhiệm cho Hội nông dân xã tham mưu Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phù hợp từng đối tượng.

Giải pháp giảm nghèo bền vững của Lộc Hưng là cả hệ thống chính trị cùng phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vươn lên thoát nghèo. Trong đó các hội, đoàn thể cam kết thực hiện vận động giúp hội viên thoát nghèo; chọn đúng đối tượng và lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để giúp hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững.        

Phương Hà

  • Từ khóa
21850

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu