Thứ 6, 26/04/2024 15:28:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:56, 04/04/2013 GMT+7

Hiến định quyền phúc quyết của nhân dân

Thứ 5, 04/04/2013 | 09:56:00 79 lượt xem

Tại Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 3) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như vậy là đúng. Tuy nhiên, cụm từ “ấm no” trong điều này cần được đảo ngữ, tức là đưa từ “no” lên trước từ “ấm”. Vì theo quy luật tự nhiên của con người thì có được ăn no mới nghĩ tới việc mặc ấm và một khi đã được ăn ngon thì chắc chắn sẽ tính đến chuyện mặc đẹp. Từ xưa đến nay không ai bụng đói mà lại tính chuyện mặc sao cho ấm, cho đẹp cả.

Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53) có quy định như sau: Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu quy định như vậy thì chỉ khi nào Nhà nước trưng cầu ý dân thì công dân mới có quyền biểu quyết hay sao. Trong khi đó, Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân và mọi quyền lực thuộc về nhân dân... thì Nhà nước không thể có quyền trên nhân dân được. Vì vậy, trong Hiến pháp cần khẳng định rõ việc Nhà nước phải tổ chức trưng cầu ý dân để dân biểu quyết về Hiến pháp và các vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia chứ không phải chỉ khi nào Nhà nước trưng cầu ý dân thì nhân dân mới có quyền biểu quyết về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Do đó, Điều 30 theo tôi cần sửa đổi, bổ sung lại theo tinh thần nội dung của Điều 32 trong bản Hiến pháp năm 1946, như sau: Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành.

Xuất phát từ quan điểm trên, theo ý kiến của cá nhân tôi thì Khoản 4, Điều 124 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình của đất nước. Tại Khoản 4, Điều 124 (hoàn toàn mới) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là không phù hợp, vì như vậy thì Quốc hội vừa có quyền lập hiến lại vừa có quyền lập pháp. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Hơn nữa, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là một nguyên tắc hiến định là biểu hiện cao nhất của chủ quyền nhân dân Việt Nam trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ lý do trên, theo tôi thì ở Khoản 4, Điều 124 cần được bổ sung và viết lại như sau: Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân để nhân dân biểu quyết về Hiến pháp sau khi dự thảo đã được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. 

Điều 30 của dự thảo quy định, nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, tôi đề nghị sửa lại theo Hiến pháp năm 1946, nhân dân có quyền biểu quyết về Hiến pháp và các việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Như vậy Hiến pháp khẳng định Nhà nước phải tổ chức trưng cầu ý dân để dân biểu quyết về Hiến pháp và các vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia chứ không phải chỉ khi Nhà nước trưng cầu ý dân.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 44 là một trong những điều có nội dung hoàn toàn mới, với nội dung như sau: Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu quy định như vậy tuy là đúng nhưng không đủ. Vì với mỗi công dân, quyền bao giờ cũng gắn liền với nghĩa vụ. Nhưng trong Điều 44 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới chỉ quy định về quyền của công dân là được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa và tiếp cận các giá trị văn hóa, chứ chưa quy định về nghĩa vụ của công dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của các cơ sở, công trình văn hóa.

Từ phân tích trên, theo tôi Điều 44 cần được bổ sung và viết lại như sau: Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa; có nghĩa vụ giữ gìn, phát huy các công trình, thiết chế và giá trị văn hóa.

Luật gia:  Vĩnh Hòa

  • Từ khóa
108195

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu