Thứ 6, 26/04/2024 10:20:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:37, 18/01/2016 GMT+7

KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MTV CAO SU BÌNH LONG

“Gắn bó với cao su là có cơm no, áo ấm”

Thứ 2, 18/01/2016 | 13:37:00 122 lượt xem
BP - “Từ ngày được nhận vào làm ở Nông trường Trà Thanh với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, gia đình tôi không còn phải chạy ăn từng bữa như trước. Có thu nhập ổn định, các con tôi được đi học; làm nhà, sắm xe máy, tivi và nhiều đồ dùng tiện nghi sinh hoạt khác” - anh Điểu Lương, công nhân tổ 2, đội 4, Nông trường Trà Thanh, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long chia sẻ.

>> Cao su Bình Long - 40 năm anh hùng, xây dựng, đổi mới, sáng tạo và phát triển
>> Đáp án cho bài toán nâng cao thu nhập khi giá mủ xuống thấp
 

Công ty TNHH MTV cao su Bình Long có diện tích vườn cây nằm ở 3 huyện, thị thuộc tỉnh Bình Phước. Lực lượng lao động có một bộ phận là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, công ty luôn quan tâm chăm lo các chính sách với người lao động và làm tốt an sinh xã hội.

CƠ HỘI THOÁT NGHÈO

Phương châm của nông trường là phát triển cây cao su đến đâu, tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm công nhân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập đến đó. Vì vậy, số lượng công nhân là người DTTS làm việc trong nông trường tăng từng năm. Nhiều gia đình có 2 thế hệ làm công nhân ở nông trường. Công nhân có thâm niên khai thác hơn 10 năm, tay nghề được nâng lên.

Lãnh đạo nông trường thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân tích cực sản xuấtLãnh đạo nông trường thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân tích cực sản xuất

Ông Trần Bình Kiệm, Giám đốc nông trường cho biết: Vài năm trở lại đây, giá mủ xuống thấp ảnh hưởng đến thu nhập chung của đơn vị. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cũng như nông trường đã cố gắng giảm chi phí để đảm bảo thu nhập của công nhân, đặc biệt là công nhân người DTTS. Các chế độ, lương, thưởng, độc hại, tiền cơm đều đảm bảo. Từ khi vào làm công nhân, đời sống nhiều gia đình đã khá lên. Gia đình nào cũng xây được nhà, sắm tivi, xe máy và con cái đều được đi học. Hằng năm, công đoàn công ty hỗ trợ xây nhà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, công đoàn công ty đã hỗ trợ xây nhà cho 3 hộ, mỗi căn 30 triệu đồng cho các gia đình chị Thị Thanh, Thị Nghé, Thị Hồng gặp khó khăn về nhà ở. Đa số công nhân đồng bào DTTS rất chăm chỉ, nhiệt tình và gắn bó với công việc vì đây là nguồn thu nhập chính của họ.

“Năm 2008, khi mới vào làm công nhân, mình nào dám mơ cuộc sống như vầy. Vậy mà 7 năm qua, từ tiền lương công nhân, mình đủ trang trải cuộc sống. Đầu năm 2015, mình còn được cụm thi đua của công ty hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà! Anh em công nhân trong tổ còn góp tiền giúp mình chữa bệnh. Nếu nghỉ cạo mủ cao su để làm việc khác thì thu nhập cũng không ổn định, vì chỉ có gắn bó với cây cao su mới mang lại cơm no, áo ấm” - chị Thị Vui, công nhân tổ 3, đội 3 phấn khởi nói.

Nhằm giúp công nhân chăm sóc có thêm thu nhập, hằng năm, trên diện tích trồng mới tái canh, nông trường đều tạo điều kiện cho họ trồng xen các loại cây như: lúa, bắp, nghệ. Giám đốc nông trường Trần Bình Kiệm nói vui: “Thu hoạch xong vụ lúa, các hộ đồng bào còn đem biếu cán bộ mỗi người vài ký gạo để cảm ơn. Khi đồng bào có thể sống được nhờ cao su, đó là một phần thắng lợi của nông trường”.

TẠO VIỆC LÀM, ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ

Nông trường cao su Trà Thanh quản lý 1.769,66 ha. Trong đó, 1.349 ha cao su khai thác, 83,06 ha trồng mới - tái canh, 329,21 ha kiến thiết cơ bản. Nông trường hiện có 608 công nhân trực tiếp khai thác, chăm sóc vườn cây, trong đó 98 công nhân đồng bào DTTS. Vườn cây trải dài trên 17 ấp, sóc thuộc 2 xã Thanh An và Tân Hưng (Hớn Quản) nên nông trường luôn quan tâm tuyển dụng lao động là người DTTS tại chỗ vào làm công nhân.

Trước đây an ninh trật tự ở các thôn Phùm Lu, Tư Ly của xã Thanh An rất bất ổn, số thanh niên lêu lổng thường lên lô trộm mủ. Ban giám đốc nông trường đã cùng lãnh đạo xã họp rà soát, sàng lọc các hộ có thanh niên quậy phá, hộ nghèo để động viên vào làm công nhân. Đây là cơ hội để đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Khi có thu nhập ổn định, hầu hết công nhân người DTTS đều có cuộc sống ổn định, tệ nạn xã hội trong thanh niên giảm hẳn. Qua đó còn góp phần cùng xã hoàn thành tiêu chí an ninh trật tự, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc ưu tiên tuyển dụng, nông trường còn tạo mọi điều kiện để công nhân là người DTTS được học bổ túc văn hóa, tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề, bồi dưỡng lý luận chính trị... Chị Thị Nga, công nhân tổ 3, đội 3 là một trong số ít công nhân đồng bào DTTS được kết nạp Đảng ở tuổi 28. Chị làm công nhân Nông trường Trà Thanh từ năm 19 tuổi. Để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chị Thị Nga ý thức được chỉ có hăng say lao động mới giúp mình nhanh trưởng thành.

Ngân Hà

  • Từ khóa
39988

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu