Thứ 7, 27/04/2024 11:38:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:48, 20/11/2014 GMT+7

Đưa và nhận “hối lộ tình dục” - có phạm tội?

Thứ 5, 20/11/2014 | 15:48:00 3,856 lượt xem
BP - Trong lần trao đổi với giới báo chí gần đây, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương đã đưa ra đề xuất về việc đưa “hối lộ tình dục” vào Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam. Cũng theo ông Khánh, trên quốc tế, quy định này đã có trong luật của nhiều nước và đã từ nhiều năm nay. Cụ thể là trong Công ước quốc tế đã quy định hối lộ tình dục thuộc phạm trù hối lộ phi vật chất. Còn ở Việt Nam thì chưa từng có quy định, cũng chưa từng có ai đề xuất về việc này.

>> “Hối lộ tình dục” phổ biến phải đưa vào luật

Ý kiến trên ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia luật và giới báo chí. Bởi lẽ, làm sao để chứng minh hành vi phạm tội khi không bắt được quả tang và làm sao để phân biệt giữa hối lộ tình dục với chuyện tình cảm nam nữ? Chính vì thế, những người đưa và nhận hối lộ tình dục vẫn còn nhởn nhơ nhoẻn miệng cười đứng ngoài mọi vòng pháp luật? Thậm chí, không ít người thân bại danh liệt và gia đình ly tán vì hành vi này. Nhưng chưa hề có ai phải hầu tòa, vì luật không quy định. Chính vì vậy, dù trên thực tế gọi là “hối lộ tình dục” nhưng hành vi này không cấu thành tội nhận hối lộ tại điều 279 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như không cấu thành bất kỳ tội danh nào khác.

Xét dưới góc độ pháp luật thì việc xảy ra dẫn đến quan hệ nam nữ để đổi lại vật chất hay phi vật chất, như: lên chức, xếp ở vị trí làm việc tốt hơn... thì đó cũng chỉ là sự thỏa thuận dân sự của hai người. Nếu sự việc bị bại lộ thì họ vẫn hoàn toàn có thể nói đó là quan hệ tình cảm. Còn nếu xã hội, dư luận có cho rằng, quan hệ đó không đúng thì cũng chỉ không đúng về đạo đức và hành vi của họ cần được xem xét ở mặt đạo đức chứ không phải góc độ hình sự.

Trong thực tế đã có không ít trường hợp mua nhà, mua xe cho bồ hoặc có người dùng thân xác để làm con đường tiến thân. Tuy nhiên, tất cả những lợi ích xảy ra đồng thời, hoặc sau khi có quan hệ tình cảm đều bị điều chỉnh bởi những phạm trù pháp luật khác. Ví dụ như có chuyện “hối lộ tình dục” để nhận dự án và nếu người nhận hối lộ cố tình làm sai quy trình hoặc vi phạm thì thuộc sự điều chỉnh của Luật đấu thầu; nếu hối lộ để thăng chức thì chịu sự điều chỉnh của Luật Công chức... Và các loại lợi ích khác nếu được nhận sau khi có sự “hối lộ tình dục” thì thuộc phạm vi điều chỉnh của những hình thức pháp luật liên quan. Do đó, thuật ngữ “hối lộ tình dục” chưa từng xuất hiện trong quá trình tố tụng, mặc dù ai cũng biết và hiểu thế nào là “mỹ nhân kế”.

Trở lại vấn đề dưới góc độ pháp luật hiện hành, trong Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định rõ 12 hành vi như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Như vậy, trong luật này không có quy định nào về hành vi tham nhũng thông qua việc đưa và nhận “hối lộ tình dục”, do đó không thể quy người có hành vi này vi phạm pháp luật hình sự.

Còn xét dưới góc độ pháp luật hình sự, tuy gọi là “hối lộ tình dục” nhưng hành vi nêu trên không cấu thành tội nhận hối lộ và cũng như không cấu thành bất kỳ tội danh nào khác. Vì tại Điều 279 trong Bộ luật Hình sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm ngàn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: ... Như vậy, yếu tố bắt buộc để cấu thành tội nhận hối lộ là đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Trong khi đó, tình dục không phải là tiền, tài sản và cũng không phải lợi ích vật chất nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người nhận hối lộ tình dục.

Về tội đưa hối lộ, tại Điều 289 của Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định như sau: Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm ngàn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. Theo quy định này thì người đưa hối lộ dù là nam hay nữ cũng đều sử dụng “vốn tự có” của mình, tức là không phải tiền và nguồn vốn này cũng không thể quy ra tiền và cũng không ai có thể xác định trị giá là bao nhiêu(?!) Vì thế, nếu có hành vi đưa “hối lộ tình dục” thì cũng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Có ý kiến cho rằng, hành vi đưa hay nhận “hối lộ tình dục” có thể áp dụng Luật Hình sự với tội danh vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Vì người đưa và nhận hối lộ đã có hành vi tình dục như vợ chồng. Nhưng tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 147 của Bộ luật Hình sự như sau: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Như vậy, yếu tố cấu thành tội này là người phạm tội phải có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác trong khi đang có vợ hoặc có chồng hoặc tuy chưa có vợ, có chồng nhưng biết rõ người khác đang có chồng, có vợ mà vẫn có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó. Mà hành vi chung sống như vợ chồng được quy định tại điểm 3.1 của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, như sau: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Như vậy, hành vi đưa và nhận “hối lộ tình dục” không thể xử lý theo Luật Hình sự. Tuy nhiên, hành vi này có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhận hối lộ là hành vi mua dâm theo quy định tại Khoản 1, điều 22 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, như sau: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm. Vì theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất trả cho người khác để thực hiện hành vi giao cấu với họ. Và chắc chắn rằng, trong các “phi vụ nhận hối lộ tình dục” thì người nhận sẽ trả cho người đưa một lợi ích vật chất nào đó.

Và ngoài hình thức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên thì người nhận hối lộ còn phải chịu các hình thức xử lý sau: Nếu trường hợp người nhận hối lộ tình dục là đảng viên thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu người mua dâm là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc xử lý như trên còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và kỷ luật. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật, người đó không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Nếu sau việc nhận hối lộ tình dục là hành vi trả bằng lợi ích vật chất khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, nhân dân... thì tùy mức độ của hậu quả gây ra mà bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật gia: Diệp Viên

  • Từ khóa
25969

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu