Thứ 6, 26/04/2024 23:32:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:49, 25/07/2015 GMT+7

Xã Thống Nhất với các giải pháp thoát nghèo

Thứ 7, 25/07/2015 | 13:49:00 175 lượt xem
BP - Dù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhưng những năm gần đây, kinh tế - xã hội xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, công tác giảm nghèo của xã đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện 8/12 thôn đã thoát nghèo.


Chị Xuân (bên phải) trao đổi cách thức làm ăn với chị Lộc Thúy Hòa, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Thống Nhất 

CHO “CẦN CÂU”

Gia đình chị Chung Thị Xuân (SN 1980) ở thôn 8 là một điển hình vươn lên thoát nghèo của xã. Là trẻ mồ côi, chị lớn lên bằng những ngày đi làm thuê vất vả. Năm 2000, sau khi lập gia đình, vợ chồng chị hằng ngày đi đào giếng kiếm sống. Sau đó, chị mở cửa hàng bán tạp hóa. Nhờ vốn giảm nghèo của xã, chị được vay lần thì 3 triệu đồng, lúc 5 triệu đồng để đầu tư phân bón cho vườn điều, cà phê. Năm 2008, gia đình chị mua 5 bàn chẻ hạt điều gia công bán cho các đại lý lớn. Sau 7 năm, gia đình chị đã có cơ ngơi nhiều người mơ ước. Doanh nghiệp chế biến hạt điều Xuân Bách đã tạo việc làm cho 30 công nhân trong xã với mức lương ổn định. Vợ chồng chị còn xây 5 phòng trọ cho 20 công nhân ở miễn phí và không phải trả tiền điện, nước. Cứ sau 3 ngày, doanh nghiệp của chị lại xuất được 2 tấn hàng. Xã Thống Nhất có nhiều doanh nghiệp, nhưng nghị lực vươn lên như gia đình chị Xuân là điều đáng khâm phục.

Ngoài hỗ trợ vốn ban đầu để làm kinh tế như chị Xuân, hàng năm, xã Thống Nhất có nhiều cách làm để giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Mỗi tổ chức, đoàn thể đều có hoạt động giúp người dân thoát nghèo. “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ xã cũng là một kênh giảm nghèo. Anh Nguyễn Thế Giàu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết: “Năm 2013, Trung ương Hội Chữ thập đỏ giao về xã 1 con bò. Hưởng ứng cuộc vận động trên, chúng tôi vận động nhân dân trong toàn xã và đã quyên góp mua được 9 con bò. 10 con bò giống đã được hội trao cho những hộ khó khăn. Hiện bò của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn 1 đã sinh 1 con bê còn lại đa số đang mang thai. Khi bê của gia đình chị Phượng cứng cáp sẽ chuyển giao cho hộ khác”.

Lãnh đạo UBND xã cũng làm tốt công tác vận động từ các nhà hảo tâm để giúp hộ nghèo. Tiêu biểu là ông Bùi Văn Sâm ở thôn 9, liên tục 4 năm nhận hỗ trợ 15 hộ neo đơn, khó khăn, trẻ mồ côi mỗi tháng 10kg gạo/hộ. Ông Sâm còn hỗ trợ sách vở cho học sinh vào năm học mới hay tặng quà vào dịp lễ, tết.

TRĂN TRỞ Ở THÔN 10 VÀ 12

Bà Hoàng Thị Thoại, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Hộ nghèo trong xã hiện đã giảm nhiều so với trước. Xã có 8/12 thôn đã thoát nghèo bền vững. Song vẫn còn hai thôn 10 và 12 khó khăn. Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án định canh, định cư, mỗi hộ được hỗ trợ từ 8 sào đến 1 ha đất. Đất ít, đồng bào lại chưa biết chọn cây - con giống phù hợp và thường sinh nhiều con nên khi tách hộ lại càng khó khăn. Ở thôn 10 hiện vẫn còn 40/121 hộ nghèo, chiếm 34%; hộ cận nghèo 41,3%.

Trước tình trạng này, cán bộ chuyên trách đã xuống hai thôn mở các lớp hướng dẫn, hỗ trợ chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày. Trên địa bàn xã hiện có 5 công ty và 6 doanh nghiệp chế biến hạt điều, mủ cao su. Đây là cơ hội giải quyết việc làm cho nhân dân, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số.

“Vẫn có một bộ phận người dân chưa chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế mà còn ỷ lại vào sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân. Họ vin vào đất ít, không đủ sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo của xã. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể để giúp người dân như: Đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; tìm đầu ra để ổn định các sản phẩm nông nghiệp. Lãnh đạo xã cũng làm việc với các doanh nghiệp về đào tạo tay nghề và sử dụng lực lượng lao động tại xã, qua đó mới thoát nghèo nhanh và mang tính bền vững” - bà Hoàng Thị Thoại nói. 

Thanh Nga

  • Từ khóa
51951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu