Thứ 6, 26/04/2024 12:46:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:32, 13/12/2017 GMT+7

Đổi mới quản lý ở trường THPT Chu Văn An

Thứ 4, 13/12/2017 | 10:32:00 800 lượt xem
BPO - Các giải pháp đổi mới đồng bộ của trường THPT Chu Văn An (Chơn Thành) đã được tiến bộ về nề nếp, chất lượng. Đến nay đơn vị thực sự trở thành môi trường sư phạm tiên tiến, đáp ứng phương pháp giảng dạy hiện đại. Hiệu trưởng Phan Minh Chánh là người đã có nhiều giải pháp đổi mới công tác quản lý, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường.

Tiên phong đổi mới

Trường bán công THPT Chơn Thành được thành lập năm 1996, đến năm 2007 đổi thành THPT Chu Văn An. Dù thành lập từ lâu nhưng chất lượng giáo dục luôn đứng tốp cuối tỉnh. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh là trăn trở, băn khoăn của Hiệu trưởng Phan Minh Chánh khi được điều về nhận nhiệm vụ tại trường đầu năm học 2015-2016. Thầy Chánh cho rằng, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào 4 yếu tố: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng đầu vào và công tác quản lý, trong đó công tác quản lý nề nếp học sinh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Và đây cũng là những hạn chế của nhà trường nhiều năm qua cần có giải pháp đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Để ổn định nề nếp học sinh, việc đầu tiên cần làm ngay là nhà trường xây dựng quy chế về tác phong, giờ giấc học tập cho các em. Để thực hiện có hiệu quả, nhà trường thường xuyên thông tin đến phụ huynh để có sự phối hợp qua lại chặt chẽ. Tiếp đến, trường cử đại diện ban giám hiệu, đoàn đường, đội cờ đỏ thường xuyên theo dõi, nếu có trường hợp chưa thực hiện đúng quy chế thì mời về và báo với lớp, giáo viên chủ nhiệm để có hướng giải quyết. Để ổn định nề nếp trong khuôn viên trường, nhà trường lắp đặt hệ thống camera toàn bộ khu vực hành lang lớp học, qua đó những học sinh có hành vi, cử chỉ không đúng chuẩn mực sẽ bị trừ điểm thi đua. Đây là việc làm rất khó nhưng với quyết tâm cao, sau 4 tháng nhà trường đã thực hiện thành công.

Học sinh lớp 12S trong giờ học Lý

Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường chú trọng kết hợp với việc rèn luyện và phát triển kỹ năng sống, năng lực hoạt động xã hội cho học sinh thông qua các câu lạc bộ:Võ thuật, kịch giai điệu xanh, giáo dục thể chất, Văn học, Vật lý. Liên kết với các chuyên gia Trường đại học Hoa Sen TP. Hồ Chí Minh và Trường đại học kinh tế - kỹ thuật Bình Dương định kỳ về chia sẻ kinh nghiệm sống, phát triển năng lực bản thân, định hướng thái độ học tập, ứng xử và định hướng nghề nghiệp, ngành học cho các em sau khi tốt nghiệp. Nhằm giúp học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập tốt và trao học bổng cho các em có thành tích xuất sắc, trường “gõ cửa” các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài để vận động hỗ trợ. Theo đó, hàng năm trường vận động được trên 150 triệu đồng trao tặng cho các em có thành tích xuất sắc.

Từ năm học 2015-2016 trường đồng loạt chuyển sang dạy 2 buổi/ngày. Buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều ôn tập, phụ đạo học sinh yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Đây là giải pháp có hiệu ứng tích cực được phần lớn học sinh, phụ huynh hưởng ứng, vì ngoài nâng cao kiến thức, còn giúp học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội, sa đà ở các quán xá.

Hiệu quả từ đổi mới

Ấn tượng khi đến THPT Chu Văn An, ngoài khuôn viên sân trường được chỉnh trang sạch đẹp, ngăn nắp, các dãy phòng học, phòng chức năng được phối màu hài hòa, bắt mắt, thì ngay ở bên đường từ cổng vào khu giảng đường, trường xây dựng tượng nhà giáo dục yêu nước Chu Văn An nhằm giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho học sinh.Tượng đài được xây dựng hoàn thành đầu năm 2017 với kinh phí 116 triệu đồng do các cựu học sinh của trường và các mạnh thường quân đóng góp. Bên cạnh tượng đài là phòng truyền thống lưu giữ, trưng bày các hiện vật, hình ảnh, thành tích của thầy và trò nhà trường hơn 20 năm qua. Thầy Chánh cho biết, cơ sở vật chất vài năm trở lại đây đã được trang bị đầy đủ với 24 phòng học lầu, 3 phòng thực hành, 2 phòng vi tính, 1 hội trường 80 chỗ ngồi,1 dãy lầu khối hiệu bộ, sân chơi, bãi tập, đáp ứng nhu cầu dạy học cho khoảng 900 học sinh. Tuy nhiên,trường vẫn chưa có nhà tập đa năng do vướng 4 phòng học cấp 4 xuống cấp không còn sử dụng nhưng do chưa đến “tuổi” thanh lý nên phải giữ lại. Khi thanh lý xong mới tạo quỹ đất, mặt bằng đẹp để xây dựng nhà thi đấu đa năng cho học sinh.

Với nhiều giải pháp đổi mới đồng bộ, đến nay chất lượng giáo dục nâng cao; năm học 2015-2016, lần đầu tiên trường có 1 học sinh giỏi cấp tỉnh, năm học 2016-2017 tăng lên 4 em; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2014-2015 đạt 63%, năm học 2015-2016 tăng lên 78% và năm học 2016-2017 đạt 100%. Năm học 2016-2017, trường có 97,3% học sinh hạnh kiểm khá, tốt và lần đầu tiên trường có 2 em đạt 25,5 điểm khối A và đỗ vào 2 trường đại học là Kinh tế và Trường đại học Bách khoa. Tạo được thương hiệu về chất lượng nên học sinh theo học ở trường ngày càng đông, chất lượng tuyển sinh đầu vào tốt hơn. Năm học 2017-2018, trường có 760 em/24 lớp, tăng 1 lớp và 65 học sinh so với nămhọc 2016-2017. Đây cũng là năm học mà tỷ lệ tuyển sinh đầu vào đạt so với trên giao (260 em).

V. Thuyên

  • Từ khóa
87368

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu