Thứ 3, 19/03/2024 18:14:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 22:56, 20/04/2014 GMT+7

Tìm hiểu Nghị quyết Trung ương 8:

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp và quản lý giáo dục

Chủ nhật, 20/04/2014 | 22:56:00 111 lượt xem

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ phải đổi mới nội dung giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới theo hướng tích hợp kiến thức, kĩ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Đồng thời phải cần phải phân định rõ như thế nào công tác quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo với công tác quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

* Đổi mới giáo dục nghề nghiệp:

Theo Nghị quyết Trung ương 8, nội dung giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới theo hướng tích hợp kiến thức, kĩ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Vì, hoạt động nghề nghiệp yêu cầu năng lực thực hiện của người lao động. Năng lực được hình thành chỉ thông qua tích hợp kiến thức, kĩ năng và thái độ, đạo đức nghề nghiệp. Nếu chỉ có kiến thức và kĩ năng mà không có thái độ, đạo đức nghề nghiệp đúng đắn thì người lao động sẽ không thể sử dụng kiến thức, kĩ năng một cách hiệu quả trong công việc, khó có cơ hội tìm việc làm. Và do trong thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt việc tích hợp 3 thành tố trên trong quá trình thiết kế, thực hiện chương trình đào tạo. Các môn học hoặc học phần được thiết kế và thực hiện rời rạc, thiếu tích hợp nên người học khi ra trường thường rất lúng túng khi xử lí các vấn đề trong thực tế hành nghề.

Do đó, nghị quyết đã đề ra những công việc sắp tới cần làm là phải xây dựng tiêu chuẩn kĩ năng nghề nghiệp quốc gia, khung trình độ, chuẩn chương trình đào tạo dựa vào tiêu chuẩn kĩ năng nghề nghiệp, các tiêu chuẩn đánh giá; biên soạn và hiện đại hoá giáo trình, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí theo yêu cầu tiếp cận năng lực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều nguồn khác nhau; phải có sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường và doanh nghiệp để huy động nguồn lực và cho phép người học sớm làm quen với thực tế việc làm theo ngành nghề đào tạo…

 Thực hiện đổi mới quản lí giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo đầu tư hiệu quả; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như Luật giáo dục nghề nghiệp, quy chế đào tạo theo tín chỉ; quy định đảm bảo chất lượng; quy định về tiêu chuẩn định mức, thành lập Hội đồng tư vấn về giáo dục nghề nghiệp…

* Phân định công tác quản lí nhà nước với công tác quản trị:

Vì sao cần phân định và phân định như thế nào công tác quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo với công tác quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo? Về câu trả lời của câu hỏi này đã được nghị quyết chỉ rõ: Công tác quản lí nhả nước về giáo dục là nhiệm vụ của cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục. Công tác quản trị (điều hành) các hoạt động giáo dục, đào tạo là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Cũng theo nghị quyết, đây là hai lĩnh vực khác nhau nên cần phải được phân định rõ: Thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phân cấp quản lí, trong đó có phân cấp quản lí nhà nước về giáo dục. Theo đó, phải tăng cường phân cấp nhưng bảo đảm việc quản lí thống nhất, thông suốt từ Trung ương tới địa phương; một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ một cơ quan làm và chịu trách nhiệm chính. Cơ quan quản lí giáo dục các cấp không làm thay những việc mà cơ sở giáo dục hoặc xã hội có thể làm được và làm tốt để hướng tới một xã hội dân sự.

Cơ quan quản lí giáo dục từ Trung ương tới địa phương phải tập trung nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng chính sách phát triển giáo dục để ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Tập trung công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lí vi phạm các cơ sở giáo dục trong việc tuân thủ pháp luật về giáo dục.

Các cơ sở giáo dục, đào tạo được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đổi mới quản trị của cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng phát huy dân chủ, tính sáng tạo. Trong hội đồng trường bảo đảm vai trò của Đảng uỷ và cơ quan chủ quản. Thực hiện cơ chế tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình, công khai, chịu sự giám sát của các chủ thể nhà trường, của Nhà nước và của xã hội, chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình trước các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lí các cấp.

* Vai trò, vị trí của cơ quan quản lí giáo dục ở địa phương:

Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, các cơ quan quản lí giáo dục ở địa phương được tham gia quyết định các vấn đề về nhân sự, tài chính cùng với quản lí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Chủ trương trên có ý nghĩa quan trong. Vì, cơ quan quản lí giáo dục ở địa phương là Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Sở GD-ĐT là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh quản lí nhà nước về giáo dục trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND cấp tỉnh về chất lượng giáo dục trên địa bàn. Ở cấp huyện, Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Sở GD-ĐT, HĐND, UBND cùng cấp về chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP quy định các cơ quan này có trách nhiệm bảo đảm chất lượng giáo dục thì phải được tham gia quyết định, quản lí các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục về nhân sự và tài chính. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai của các địa phương còn nhiều mức độ khác nhau, cần phải tiếp tục quán triệt, thực hiện và rút kinh nghiệm để thực hiện đúng, đầy đủ và tốt hơn.

 Do vậy, Nghị quyết Trung ương xác định vấn đề này là hết sức cần thiết để tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng và chính quyền các cấp, thể hiện đổi mới tư duy và phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lí nhà nước về giáo dục.

NN

  • Từ khóa
48878

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu