Thứ 6, 26/04/2024 14:31:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:18, 10/07/2018 GMT+7

Đổi đời nhờ gắn bó với nông trường cao su

Thứ 3, 10/07/2018 | 14:18:00 292 lượt xem
BP - “Mặc dù giá bán mủ cao su chưa có dấu hiệu khởi sắc nhưng công ty vẫn giữ nguyên đơn giá tiền lương sản phẩm (10 ngàn đồng/kg), lãnh đạo nông trường còn quan tâm tháo gỡ khó khăn, động viên kịp thời nên chúng em yên tâm làm việc. Hiện thu nhập bình quân của vợ chồng em trên 12 triệu đồng/ người/tháng. Gia đình em giờ không chỉ ổn định đời sống mà còn có điều kiện lo cho các con ăn học đầy đủ” - anh Điểu Châm, công nhân khai thác tổ 8, Nông trường cao su Đắk Ơ, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh cho biết.

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006, đến nay Nông trường cao su Đắk Ơ có tổng diện tích vườn cây 1.224,99 ha trên địa bàn xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập), trong đó 1.093,69 ha cao su kinh doanh. Nhờ chăm lo tốt đời sống người lao động nên những năm qua, nông trường luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng năm 2017, đơn vị khai thác trên 2.098,4 tấn mủ quy khô, đạt 109,4% kế hoạch công ty giao và về trước kế hoạch 21 ngày với năng suất bình quân 2,054 tấn/ha.

NHỮNG GIẢI PHÁP KỊP THỜI

Ông Võ Văn Nhơn, Giám đốc nông trường cho biết: Hiện đơn vị có 345 cán bộ, công nhân lao động, trong đó lao động dân tộc thiểu số (DTTS) 201 người. Vườn cây của nông trường trên địa bàn có địa hình phức tạp với nhiều đồi dốc gây trở ngại cho vận chuyển, chăm sóc; đời sống của đa số công nhân DTTS còn khó khăn, trình độ hạn chế nên ngày công và năng suất lao động đạt thấp. Trong khi giá mủ vẫn đang ở mức thấp, dẫn tới giá thành sản phẩm tăng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngoài hỗ trợ công nhân làm tốt chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tận thu các loại mủ, nông trường còn chủ động sát hạch, kiểm tra và đào tạo lại nguồn nhân lực trước khi vào mùa cạo mới; tăng cường giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động; giám sát thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật khai thác...

Cán bộ nông trường kiểm tra tay nghề công nhân chuẩn bị cho mùa khai thác mới

Hiện độ tuổi người lao động của nông trường từ 20-35 và hầu hết công nhân có tay nghề giỏi đều là người Kinh. Tuy phần lớn công nhân DTTS đang ngày càng có ý thức vươn lên, nhưng năm qua vẫn còn một bộ phận bị dao động về tâm lý khi các đối tượng bên ngoài dùng lời ngon ngọt dụ dỗ về làm việc cho các trang trại trên địa bàn với mức thu nhập cao hơn, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vì phải tuyển mới lao động và đào tạo lại từ đầu. Do vậy, ban giám đốc đã phân công cán bộ quản lý phụ trách từng khu vực, từng công việc, có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp, nắm tình hình và những phát sinh trong quá trình sản xuất. Từ đó đề ra biện pháp giải quyết, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm liên quan đến kỹ thuật khai thác, chăm sóc, phòng trị bệnh cho vườn cây; phát thực phẩm bồi dưỡng độc hại, đồ bảo hộ lao động, tiền ăn ca trưa bảo đảm kịp thời, đúng quy định; cương quyết không nhận lại những trường hợp đã nghỉ việc ra ngoài làm.

Nông trường còn phối hợp lực lượng công an, quân sự địa bàn làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự vườn cây, không để xảy ra trộm cắp mủ; chuyển chế độ cạo từ D3 sang D4 để hạ giá thành sản phẩm, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt lao động... Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc khai thác vào sáng sớm để khai thác đúng kỹ thuật, hạn chế tình trạng trộm cắp mủ và bảo đảm sức khỏe người lao động. “Nhờ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt nên nông trường luôn ổn định nguồn lao động, từ đó nâng cao sản lượng khai thác và hạn chế tối đa tình trạng thất thoát sản phẩm” - ông Võ Văn Nhơn cho hay.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Cùng Phó giám đốc nông trường Nguyễn Khánh Hải đi qua đoạn đường đất đồi dốc dài với nhiều đoạn bị xói lở sau những trận mưa lớn đầu mùa, chúng tôi đến vườn cây của tổ khai thác số 6. Trò chuyện trong thời gian chờ trút mủ, nữ công nhân Tăng Thị Linh Nguyệt (cha người Hoa, mẹ người S’tiêng) kể: Em sinh ra và lớn lên ở thôn Bù Gia Phúc II, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập). Trước đây điều kiện gia đình rất khó khăn, năm 2016 em được nông trường nhận vào đào tạo nghề và tạo làm việc. Được cán bộ nông trường động viên, giúp đỡ và anh em trong đội chỉ bảo, hỗ trợ, còn bản thân luôn nỗ lực vươn lên nên tay nghề của em không ngừng cải thiện. Năm 2017, nông trường giao chỉ tiêu khai thác 10 tấn mủ quy khô, em đã khai thác vượt 2 tấn nên cả lương và thưởng cuối năm đạt gần 130 triệu đồng. Năm nay, giá mủ tuy chưa tăng nhiều nhưng công ty vẫn giữ đơn giá tiền lương nên trong tháng 5 và 6, em đều đạt mức thu nhập trên dưới 13 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản phải nộp theo quy định. Nông trường còn tạo điều kiện cho chồng em về làm việc chung tổ nên giờ cuộc sống gia đình ổn định, các con được chăm lo học tập tốt hơn.

Chung niềm vui như Linh Nguyệt, Điểu Kiều, công nhân khai thác tổ 5 cũng có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng trong năm 2017. Kiều nói: “Nhà em ở thôn Bù Ka, xã Đắk Ơ. Năm 2007, em được nhận vào làm công nhân chăm sóc cao su trồng mới. Nhờ cán bộ, công nhân viên - lao động trong nông trường luôn đoàn kết, gắn bó, động viên nhau lao động, kể cả vào thời điểm khó khăn, gian khổ nhất đã tạo động lực giúp em gắn bó với đơn vị cho đến nay. Hai vợ chồng đều là công nhân khai thác nên chúng em luôn nỗ lực phấn đấu chăm sóc tốt phần cây được giao, khai thác đúng quy trình kỹ thuật và tận thu mủ tốt, vì vậy tháng nào cũng khai thác vượt chỉ tiêu. Tháng 5 và 6 vừa qua, vợ chồng em đều khai thác tốt và đạt mức lương trên 12 triệu đồng. Với mức thu nhập này, chúng em không chỉ bảo đảm chi tiêu hằng ngày mà còn mua sắm được các thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt và có tích lũy. Vợ chồng em chỉ mong được gắn bó lâu dài với nông trường!”.

Ông Nguyễn Khánh Hải chia sẻ: Với mục đích chăm lo và ổn định đời sống đồng bào DTTS khu vực biên giới nên từ khi thành lập đến nay, nông trường luôn quan tâm tuyển dụng lao động người DTTS vào làm việc. Hiện hầu hết công nhân DTTS của nông trường là con em đồng bào S’tiêng của 2 xã Đắk Ơ và Phú Nghĩa. Trong đó có những người từng vi phạm pháp luật, sau khi chấp hành xong hình phạt, nông trường vẫn tạo điều kiện nhận vào làm việc và nhiều trường hợp đã vươn lên trở thành cá nhân điển hình. Tiêu biểu như chị Thị Chung, công nhân khai thác tổ 6 được tuyên dương, khen thưởng nhiều năm liền. Nhờ đó, mối quan hệ giữa đơn vị với đồng bào DTTS khu vực đóng chân luôn gắn kết, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.

Không chỉ thực hiện tốt giải pháp tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, tận thu các loại mủ để bảo đảm thu nhập về tiền lương, hằng năm nông trường đều tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho người lao động. Cụ thể, đưa cán bộ, công nhân - người lao động đi tham quan du lịch; phối hợp Trung tâm Y tế huyện và cao su Phú Riềng khám tầm soát bệnh, phát thuốc miễn phí cho toàn bộ người lao động; tổ chức nhiều đợt test vi-rút sốt rét cho công nhân, phun thuốc phòng trừ bệnh trên địa bàn... và hỗ trợ vốn cho công nhân hoàn cảnh khó khăn sửa chữa nhà ở.

Lâm Phương

  • Từ khóa
42839

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu