Thứ 6, 26/04/2024 22:12:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:04, 16/08/2017 GMT+7

Điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và dự án thủy lợi

Thứ 4, 16/08/2017 | 14:04:00 1,377 lượt xem
BP - Ngày 15-8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm và Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đồng chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030.

Theo báo cáo, hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh gần 46 ngàn con, giảm 49,6% so với năm 2008, chỉ đạt 19,81% so với tổng đàn quy hoạch đến năm 2020. Tỉnh có 5 trại chăn nuôi trâu, bò tại 4 xã: Minh Tâm (Hớn Quản) và Lộc Thiện, Lộc Thịnh, Lộc Thạnh (Lộc Ninh). Tuy nhiên, 4 xã này không nằm trong 31 xã được quy hoạch chăn nuôi trâu, bò. Tổng đàn heo trên 321,6 ngàn con, tăng 49,14% so với năm 2008, vượt 7,2% so với tổng đàn quy hoạch đến năm 2020. Trong số 200 trang trại ở 66 xã có 159 trang trại ở 47 xã không nằm trong quy hoạch. Tổng đàn gia cầm trên 4,77 triệu con, tăng 69,11% so với năm 2008, vượt 170% so với mục tiêu năm 2020 là 2,8 triệu con. Trong số 76 trang trại chăn nuôi gà ở 21 xã có 26 trang trại ở 9 xã không nằm trong quy hoạch. Tính đến ngày 1-10-2016, toàn tỉnh có 27 cơ sở giết mổ gia súc, 4 cơ sở giết mổ gia cầm, về cơ bản đã thực hiện đúng quy hoạch và chỉ đạo của tỉnh. Tỉnh vẫn chưa xây dựng được các lò giết mổ công nghiệp và việc quy hoạch giết mổ tập trung tại 2 huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập thực hiện chậm.

Một cơ sở chăn nuôi heo tập trung tại thôn 5, xã Bom Bo (Bù Đăng)

Quá trình thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, như: Nhiều địa điểm đạt điều kiện vệ sinh thú y chăn nuôi lại không trong vùng quy hoạch nên phải điều chỉnh vùng nuôi; việc chia tách một số huyện, thị xã và quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch sinh thái làm thay đổi địa giới hành chính cũng tác động đến quy hoạch chăn nuôi... Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, giết mổ là nhằm xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi tập trung trên cơ sở đảm bảo về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và tiến tới xuất khẩu; tổ chức sản xuất - chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Theo quy hoạch, dự kiến giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 34 cơ sở giết mổ gia súc và 11 cơ sở giết mổ gia cầm. Tại các vùng nông thôn, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, chưa có cơ sở giết mổ tập trung được thực hiện giết mổ nhỏ, lẻ tại cơ sở và phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định. Tại vùng chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp được đầu tư 1 cơ sở giết mổ công nghiệp, công suất từ 500 con gia súc/ngày đêm hoặc 5.000 con gia cầm trở lên/ngày đêm.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho rằng, quy hoạch vùng chăn nuôi phải quan tâm khoảng cách đối với khu dân cư, khu du lịch, di tích và phải nghiên cứu mật độ gia súc, gia cầm trên một diện tích để nắm số lượng tương ứng với quy mô. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích rõ một số từ ngữ, tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị và chỉnh sửa lại báo cáo trình UBND tỉnh ký ban hành vào đầu tháng 9-2017.

* Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh chủ trì họp thông qua Dự án quy hoạch thủy lợi tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bình Phước hiện có 4 hồ chứa lớn trên dòng sông Bé là Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và Phước Hòa. Cuối năm 2015, tỉnh đưa vào khai thác, sử dụng 66 công trình thủy lợi vừa và nhỏ (59 hồ chứa nước, 6 đập dâng và 1 trạm bơm), đến nay phần lớn các công trình đều phục vụ đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vào mùa khô, một số công trình ít nước, thiếu kênh mương nội đồng hay hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn nên không đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới và tình trạng lấn chiếm đất ở một số công trình còn xảy ra. Theo số liệu thống kê, các công trình thủy lợi hiện đáp ứng tưới 17.657 ha (tưới 6.527 ha lúa 3 vụ và 11.130 ha cây công nghiệp), cấp nước sinh hoạt 102.352m3/ngày đêm, còn các công trình lớn trên dòng sông Bé tưới diện tích ven hồ 23.695 ha. So với diện tích cây trồng cần tưới đến năm 2020 là 96.203 ha thì diện tích tưới hiện tại mới chỉ đạt 43%. Do vậy, việc xây dựng thêm các công trình tạo nguồn tưới phục vụ phát triển nông nghiệp là nhu cầu cấp bách.

Theo đó, trước mắt cần quy hoạch thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cho các thị xã, thị trấn, khu công nghiệp theo quy hoạch tổng thể, duy trì ổn định tưới tiêu 17.657 ha đất gieo trồng hằng năm; tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp khoảng 65.000m3/ngày đêm. Đến năm 2020, tưới tiêu ổn định cho 22.083 ha đất sản xuất nông nghiệp và năm 2025 chủ động nước tưới ổn định cho 30,361 ha đất sản xuất hằng năm. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, khai thác tưới tiêu, an toàn đập và phòng chống lũ cho vùng hạ du.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh yêu cầu: Để nâng cấp hồ, đập cần đánh giá kỹ hiện trạng trước khi đưa vào quy hoạch. Đối với công trình xây dựng mới cần nêu rõ tầm quan trọng, sự cần thiết. Đồng thời bổ sung đánh giá về điều kiện địa chất, khí hậu hồ chứa tại Bình Phước. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh quy hoạch, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt vào đầu tháng 9.

Quang Minh

  • Từ khóa
18641

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu