Thứ 7, 27/04/2024 11:58:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:31, 07/03/2017 GMT+7

Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh hơn

Thứ 3, 07/03/2017 | 08:31:00 791 lượt xem

BP - Ngày 12-2-2017, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin luật sư Lê Văn Hòa xin ra khỏi Đảng. Khi đọc lý lịch của nhân vật này, tôi đã không khỏi bất ngờ bởi trước khi nghỉ hưu ông này từng là chuyên viên cao cấp bậc 5/6, hàm Vụ trưởng Vụ 4, Ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nội chính - Văn phòng Trung ương Đảng. Được kết nạp Đảng từ năm 1982, ông Hòa từng kinh qua nhiều chức vụ trong Đảng, cao nhất là Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban Nội chính Trung ương.

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, tổ chức nào và ở đâu cũng đều có vào có ra, có kết nạp, có khai trừ hoặc tự nguyện xin ra khỏi tổ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện tham gia, hoặc thấy bản thân không còn phù hợp với các quy định của tổ chức đó và có cả những người tự nhận thấy mình không còn xứng đáng nữa. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, có một số đảng viên làm đơn xin ra khỏi Đảng hoặc bị khai trừ; có trường hợp xin ra trước, sau đó bị tổ chức đảng khai trừ như Trịnh Xuân Thanh đang được một số trang mạng, báo chí nước ngoài khai thác mặt trái của hiện tượng này.

Ngược về trước, thời điểm cuối năm 2013, nhiều người rất bất ngờ khi ông Lê Hữu Đằng, nguyên Phó chủ tịch UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh lớn tiếng tuyên bố ra khỏi Đảng. Năm 2014, Phạm Chí Dũng, từng là cán bộ Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, được Nhà nước đào tạo tiến sĩ kinh tế cũng xin ra khỏi Đảng. Và đúng vào dịp Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập (3-2-1930 - 3-2-2016), giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên cán bộ Đại học Xây dựng đã chia sẻ trên mạng xã hội cái gọi là “thông báo từ bỏ Đảng”... Như đã nêu ở trên, việc “vào” hay “ra” một tổ chức là quy luật của sự đào thải, rất bình thường. Thế nhưng khi những người có chút tên tuổi tuyên bố xin ra khỏi Đảng thì một số trang mạng phản động như bắt được vàng. Những kẻ vô công rỗi nghề ra sức bình luận, tán dương, tung hô thành “sự kiện” và coi những người ra khỏi Đảng như những “anh hùng”, dám đứng lên đấu tranh cho công bằng, dân chủ (!?). Có thể là vô tình, cũng có thể là cố ý, những người tuyên bố ra khỏi Đảng lập tức trở thành kẻ “mua vui” cho mấy trang mạng xã hội cùng trang tin điện tử và dăm ba đài nước ngoài lâu nay thù địch, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, cái “sân khấu” mà những kẻ cơ hội, phản động dựng lên với thứ tư duy bị bóp méo, với lòng hận thù đối với Đảng, cách mạng Việt Nam đã trở nên lạc lõng trong dòng chảy của hiện thực xã hội. Những chiêu trò được dán mác là “đấu tranh cho dân chủ” không thể nào đánh lừa được dư luận. Chỉ tiếc rằng một số người khi được các trang mạng tung hô, tán dương lại tỏ ra thỏa mãn, hợm hĩnh. Họ không biết mình đang bị lợi dụng và trở thành con rối trong tay bọn cơ hội, phản động.

Câu hỏi đặt ra là vì sao những con người “có tên tuổi” kia lại chỉ tuyên bố “từ bỏ Đảng” khi đã nghỉ hưu, không còn giữ những trọng trách nữa? Phải chăng khi còn đương chức, họ không dám “từ bỏ Đảng” vì những quyền lợi vật chất cụ thể do vị trí làm việc mang lại và còn “nói có người nghe, đe có người sợ”? Đến khi nghỉ hưu, trở thành công dân bình thường, không còn quyền lợi từ chức vụ nữa, họ mới lớn tiếng vỗ ngực tuyên bố “từ bỏ Đảng” vì những lý tưởng này nọ.

Khoản 3, điều 8, Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên xin ra khỏi Đảng do chi bộ xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền chuẩn y kết nạp quyết định”. Khoản 1, Điều 1 quy định công dân Việt Nam “thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”. Khoản 1, điều 4 về thủ tục kết nạp thì phải “có đơn tự nguyện xin vào Đảng”. Như vậy, việc vào Đảng hay ra khỏi Đảng là hoàn toàn tự nguyện (trừ trường hợp bị kỷ luật xóa tên hoặc khai trừ), không ai cưỡng ép.

Bên cạnh hiện tượng xin ra hoặc tuyên bố từ bỏ Đảng, hiện nay còn có tình trạng một số đảng viên vì những bất mãn cá nhân hoặc thất bại trong công việc, trong gia đình, không thỏa mãn với công việc hiện tại thường có những phát ngôn, bình luận thiếu ý thức chính trị, thậm chí ngông cuồng. Họ thấy đảng viên, tổ chức đảng ở nơi này nơi kia “không vừa mắt” mình thì không góp ý xây dựng chân thành mà thường nói xấu, khích bác. Trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ không tìm cách để lý giải một cách khách quan, công tâm hoặc đóng góp để cải thiện tình hình mà thường bình luận theo cách quy chụp hiện tượng thành bản chất, cho rằng Đảng bao che, dung túng cho những thói hư tật xấu. Họ phủ nhận tất cả thành tựu mà Đảng, Nhà nước đã nỗ lực để giành được và chính bản thân họ cũng đang được hưởng những thành quả đó. 

Trong số những người tuyên bố ra khỏi Đảng, có người đã từng trung thành với lý tưởng của Đảng, cống hiến cho cách mạng. Nhưng do cá nhân chủ nghĩa, khi cái “tôi” thiếu trong sáng của họ bị tập thể, cộng đồng chỉ ra thì họ không tiếp thu mà mang định kiến với những góp ý của đồng chí, đồng đội và cuối cùng là trượt dài trên con đường phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc. Rõ ràng để dẫn đến hành động hôm nay, họ đã có một quá trình thoái hóa, biến chất nhưng không chịu sửa chữa. Vì thế, việc một số người có những ảnh hưởng nhất định tuyên bố ra khỏi Đảng, chúng ta không nên luyến tiếc mà nên mừng, bởi trong tổ chức đảng có những con người mơ hồ về nhận thức, luôn đề cao cái tôi ích kỷ, cá nhân thì sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Họ ra khỏi Đảng không hề làm cho Đảng yếu đi mà ngược lại làm cho Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn. 

Linh Tâm

  • Từ khóa
2585

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu