Thứ 6, 26/04/2024 15:44:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:00, 05/02/2017 GMT+7

Chuyển biến từ giảm nghèo ở Tân Phước

Chủ nhật, 05/02/2017 | 15:00:00 130 lượt xem
BP - Nhờ lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước với việc tuyên truyền người dân tự giác nâng cao ý thức trong giảm nghèo nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Tân Phước (Đồng Phú) ngày càng cải thiện. Hiện xã còn 87 hộ nghèo, chiếm 4,48% số dân, giảm 3,37% so với năm 2015.

NHIỀU CÁCH HỖ TRỢ THOÁT NGHÈO

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Tân Phước đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây - con giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi, trồng nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nhiều gia đình đã biết cải tạo vườn tạp phát triển các loại cây ăn trái có múi giá trị kinh tế cao như bưởi, sầu riêng... Phát triển chăn nuôi cũng được người dân chú trọng. Nhiều hộ phát triển kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã 46.457 con, trong đó trâu, bò 165 con, heo 1.230 con, dê 160 con, gà, vịt hơn 44.300 con. Xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước giúp người dân giảm nghèo.

Bà Phan Thị Phương ở ấp Cầu Rạt thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản

Từ năm 2011-2016, xã đã đầu tư 7 mô hình phát triển sản xuất, trong đó nhà nước hỗ trợ 1,25 tỷ đồng, người dân thực hiện mô hình đối ứng 906,7 triệu đồng. Xã tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất như trồng rau, quả an toàn, hệ thống tưới tiêu tự động, nuôi bò sinh sản... Từ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Điển hình có gia đình ông Mông Văn Quãng, ấp Phước Tiến, là hộ nghèo, được cấp 3 con dê từ dự án hỗ trợ thoát nghèo. đến nay, gia đình ông nhân đàn được 6 con dê, đã chuyển giao 3 con giống cho hộ khó khăn khác. Nhờ vậy, gia đình ông có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và đang xây nhà mới.

Bà Phan Thị Phương ở ấp Cầu Rạt, một trong những hộ nghèo được hưởng chương trình cấp bò sinh sản từ năm 2012. Do hoàn cảnh khó khăn, không nhà ở, bà được vay 42 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo và Chi hội Người cao tuổi ấp cho vay 10 triệu đồng để xây nhà. Xã cũng tạo điều kiện cho bà trông coi nghĩa trang để có thêm thu nhập 1,7 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu bán bò và tiền lương quản trang, nay bà đã thoát nghèo.

HỘ NGHÈO GIẢM MẠNH

Không chỉ quan tâm hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chính quyền xã còn giao các hội đoàn thể tín chấp với các ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay để đầu tư vào sản xuất; tích cực vận động hội viên và nhân dân giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo. Trong năm 2016, MTTQ và các đoàn thể đã vận động nhân dân giúp nhau hơn 1.100 cây giống, 240 con giống, 40 ngày công lao động; vận động xây 3 nhà tình thương và 8 sổ tiết kiệm trao cho hộ nghèo. Chị Bế Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Phước Tiến cho biết, thời gian qua chi hội đã vận động chị em xây dựng quỹ tiết kiệm, quỹ xoay vòng vốn, giúp những chị khó khăn vay để phát triển kinh tế. Nhờ đó, trong năm 2016, chi hội đã giúp 3 chị thoát nghèo, hiện trong ấp chỉ còn 1 hộ nghèo.

Đến nay, diện mạo nông thôn xã Tân Phước có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Hằng năm, hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 2-3%. Đầu năm 2016, toàn xã có 169 hộ nghèo, đến cuối năm giảm còn 87 hộ, hiện thu nhập bình quân của xã đạt 31 triệu đồng/người/năm.

Trong quá trình giảm nghèo ở Tân Phước còn những khó khăn như: Một bộ phận người nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; chưa có nhiều lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi; nhiều người dân chưa được tiếp cận thông tin, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian tới, xã sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều; trong đó chú trọng đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo. Đồng thời, lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên hộ nghèo, khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; thực hiện tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân.

C. Nhung

  • Từ khóa
41070

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu