Thứ 7, 27/04/2024 04:30:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:45, 07/05/2017 GMT+7

Chung sống hòa bình với đồng nghiệp “hai mặt”

Chủ nhật, 07/05/2017 | 10:45:00 117 lượt xem

BP - Chị Ngọc Mai thân mến!

Em đang rất buồn khi hằng ngày phải gặp gỡ, tiếp xúc với một đồng nghiệp vẫn tin tưởng, tâm sự lại nói xấu em sau lưng. Em bức xúc nhưng không biết phải xử lý ra sao cho ổn. Bởi nếu cứ im lặng thì em căng thẳng lắm, nhưng nếu nói thẳng với người đó rất dễ sinh ra đôi chối, cãi cọ lại khó xử mỗi khi làm việc nhóm vì chúng em chung phòng.

Mới đây, người đó ghen tỵ nói xấu sau lưng em vì cơ quan xét khen thưởng quý 1, lãnh đạo duyệt em được khen thưởng vì có một sáng kiến cải tiến mới. Khi công bố, ban giám đốc cũng đã hỏi ai có ý kiến gì thì phát biểu và tất cả đều giơ tay đồng ý. Vậy mà khi tan họp thì lại nói này nọ sau lưng, nói em tranh công của cô ta làm mọi người nhìn em với thái độ rất lạ. Phải kiềm chế lắm em mới không la mắng cô ta một trận cho hả dạ nhưng nhìn vẻ mặt tươi cười của cô ta như không hề có chuyện gì sau khi nói xấu sau lưng, em rất khó chịu. Em đang phân vân không biết có nên nói thẳng với cô ta về việc đó hay vờ như không biết mà tránh né thôi?

B.Y (Đồng Xoài)

B.Y thân mến!

Ông bà ta đã dạy “cây ngay không sợ chết đứng”, cứ từ từ giải quyết thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Điều đáng mừng ở em chính là biết nhẫn nhịn khi phát hiện mình bị chơi xấu bởi đồng nghiệp mình tin tưởng. Sự bình tĩnh đó giúp hình ảnh của em nơi công sở không bị xấu đi, ảnh hưởng không tốt tới uy tín bản thân. Nhưng điều chị muốn nói là em phải chấp nhận kiểu đồng nghiệp “hai mặt” khi làm việc tại công sở dù muốn hay không. Kiểu người này không hiếm gặp trong môi trường công sở, họ luôn có vẻ ngoài thân thiện nhưng bên trong lại có nhiều ý nghĩ, hành động không đúng như những gì đã nói và rất cần phải đề phòng.

Có lẽ ở cơ quan em sống như thế nào, năng lực ra sao và công sức đóng góp của em đến đâu đã được nhiều người nhìn thấy, có chăng chỉ ở một nhóm người cảm thấy ganh ghét, đố kỵ trước sự thành công của em nên a dua cùng người nói xấu đó nhằm làm giảm uy tín hoặc thỏa mãn sự ích kỷ mà thôi.

Nếu không muốn gần gũi với người đó thì cách tốt nhất là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Còn quả thực em muốn níu lại mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp hoặc muốn người đó ít nhiều thay đổi tốt lên thì cần phải chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện riêng với người đó. Em nên cân nhắc kỹ lời nói trước khi giãi bày để không gây cảm giác khó chịu, tự ái nơi người nghe, làm sao để họ nhận ra lỗi, tự xấu hổ mà tìm cách thay đổi. Mục đích chính của cuộc đối thoại chỉ để người đó hiểu rằng em đã biết rõ mọi chuyện và ngầm khuyên cô ấy đừng để lặp lại những hành động kiểu như vậy.

Để kẻ “hai mặt” này bớt ganh ghét em nên vui vẻ hợp tác làm việc trong bất cứ tình huống nào và luôn khẳng định tài năng, sự chuyên nghiệp của mình mỗi khi thực hiện công việc được giao. Trong cuộc sống cũng như công việc em luôn cố gắng hòa đồng, cởi mở với mọi người xung quanh, quan trọng hơn là chứng tỏ khả năng chuyên môn  một cách tích cực nhất. Từ đó vị thế của em ở cơ quan sẽ từng bước được xây dựng vững chắc hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mọi điều thị phi, nói xấu sau lưng trở nên lố bịch, vô nghĩa.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
95182

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu