Phóng viên (PV): Xin Trung tướng cho biết đánh giá về việc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ra nghị quyết đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo dõi đài báo đưa tin về Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), tôi rất mừng vì Đảng ta tiếp tục kiên trì, kiên quyết đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tôi cho rằng, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đã mở ra một thời kỳ xây dựng, chỉnh đốn Đảng quyết liệt trong giai đoạn đổi mới. Nhưng sau đó, việc duy trì thực hiện nghị quyết này lại chưa thường xuyên, không còn Ban chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) nên nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng lẽ ra phải liên tục, xuyên suốt, bị những hạn chế nhất định. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã khắc phục được hạn chế trên, đã có được cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nên mang lại nhiều chuyển biến tốt. Tôi tin rằng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sẽ tiếp tục “mạch” nguồn, sức chiến đấu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), bổ sung thêm các giải pháp sâu sắc hơn, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hơn, quyết liệt hơn.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. 

 

PV: Nhìn lại 5 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung tướng thấy vấn đề gì đáng lo ngại nổi lên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nổi cộm chính là tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa chưa bị đẩy lùi mà còn có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nhiều thói hư tật xấu không còn là nguy cơ nữa mà đã trở thành nhãn tiền. Nếu Đảng không quyết liệt làm trong sạch chính mình thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ chỉ còn cái “áo Đảng”. Trong Đảng sẽ ít dần những con người cộng sản thật sự mà chỉ có những người nhân danh Đảng, như mọt chui sâu trong cột nhà, nhìn bên ngoài tưởng còn nguyên nhưng bên trong có thể đã mục ruỗng. Chúng ta quyết không để tồn tại tình trạng đó. Tôi cho rằng, xử lý vụ việc Trịnh Xuân Thanh không khó, lưới trời lồng lộng sớm muộn cũng không thoát nhưng khó là ở chỗ làm sao giải quyết tận gốc, để không còn những Trịnh Xuân Thanh khác. Phải trả lời được câu hỏi ai, cái gì đẻ ra sự tha hóa? Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu nhất vẫn là từ trong nội tại của chúng ta mà quan trọng nhất là do thiếu sự quản lý, giám sát, giáo dục chặt chẽ; kỷ luật Đảng chưa nghiêm, tổ chức Đảng chưa mạnh.

Chữa bệnh trước, phòng bệnh sớm

PV: Vậy theo Trung tướng, để đẩy lùi tự diễn biến, tự chuyển hóa hiện nay, chúng ta cần phải tập trung giải quyết những vấn đề gì?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Phải vừa chặn đứng, đẩy lùi được tình trạng suy thoái đã xảy ra hiện nay, vừa phòng ngừa không để xảy ra sai phạm mới. Nghĩa là phải vừa xây, vừa chống. Nhưng những vấn đề cấp bách thì phải chống trước cũng như có bệnh thì phải chữa bệnh trước đồng thời chủ động phòng bệnh.

PV: Dư luận hiện nay quan tâm rất nhiều đến việc “chống”. Theo Trung tướng, vì sao Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng đã quyết liệt chống rồi mà hiệu quả chưa như mong muốn?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Dư luận nhân dân và đảng viên quan tâm “chống” là chính đáng vì chống không hiệu quả thì xây cũng chẳng có ý nghĩa gì? Chống chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì tổ chức chưa mạnh. Tôi nói tổ chức ở đây không chỉ là tổ chức Đảng mà còn là các tổ chức bộ máy Nhà nước, các cơ quan pháp luật. Cơ chế kiểm soát quyền lực, giám sát cũng chưa hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) quyết liệt vậy nhưng thử hỏi đã có tổ chức Đảng nào tự phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực chưa, phát hiện ra hư hỏng của đảng viên không? Như vậy là tổ chức Đảng chưa mạnh, công tác kỷ luật, giám sát chưa hiệu quả. Kỷ luật Đảng đề ra là kỷ luật sắt nhưng thực thi thì chưa nghiêm. Rồi tình trạng “nhẹ trên nặng dưới trong thi hành kỷ luật Đảng” nữa. 5 năm qua kỷ luật hơn 70.000 đảng viên nhưng số đảng viên là cán bộ cấp tỉnh, thành đến Trung ương chỉ mấy trăm người. Kỷ luật phải nghiêm, càng là cán bộ cấp cao càng phải xử lý nghiêm minh hơn. Có cán bộ vi phạm cấp bộ, ngành là Ủy viên Trung ương, nghĩa là chính họ cũng giơ tay biểu quyết Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thì phải xử lý nghiêm khắc. Các "đại án" Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Công Danh, Giang Kim Đạt… không chỉ xử lý các tội phạm đó mà phải xử lý cả các tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý liên quan thì mới có thể răn đe, mới tạo ra cơ chế “không dám tham nhũng”.

Kiểm soát quyền lực, giám sát cán bộ

PV: Trung tướng vừa nhắc đến cơ chế “kiểm soát quyền lực" và “kiểm tra, giám sát cán bộ”. Những giải pháp này cần được triển khai thế nào cho hiệu quả hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Bộ máy Đảng, Nhà nước làm thế nào kiểm soát lẫn nhau, không để có quyền rồi thì tùy tiện “hành dân”, bị “tha hóa quyền lực”. Phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao. Quốc hội giờ đã có chất vấn, có giải trình, có giám sát chuyên đề, có lấy phiếu tín nhiệm… nhưng trước hết cần phải làm thật tốt việc giám sát chính các đại biểu của mình.

Đối với tổ chức Đảng, phải thực hiện tốt hơn nữa dân chủ trong Đảng. Công tác tổ chức cán bộ, công khai tài sản cán bộ phải làm tốt hơn nữa. Tôi xin nhấn mạnh là phải “công khai” chứ không chỉ “kê khai”. Phải có quy chế, cơ chế cụ thể, hiệu quả chứ kê khai tài sản hàng triệu người chỉ có vài người sai phạm thì không ổn. Công tác tổ chức cán bộ nên có nhiều phương án nhân sự thì mới phát huy dân chủ, tránh tiêu cực chứ nếu chỉ đưa ra một phương án thì làm gì còn cho tập thể thảo luận, lựa chọn, làm sao chọn được người tài?

PV: Trong giám sát, vai trò của nhân dân cần được phát huy như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nói đến giám sát phải trả lời câu hỏi “ai giám sát”? Kênh nhân dân rất quan trọng trong chống tham nhũng, tiêu cực. Mà trong kênh nhân dân thì báo chí là quan trọng số một. Báo chí lại quan hệ mật thiết với nhân dân. Bao nhiêu vụ việc tham nhũng, tiêu cực phần lớn đều do báo chí nêu ra. Nhưng báo chí lấy nguồn từ đâu? Cũng do các nhà báo điều tra, tìm tòi từ nhân dân mà ra cả.

Phê và tự phê với tinh thần cộng sản

PV: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tiếp tục nhấn mạnh nhóm giải pháp phê bình và tự phê bình. Theo Trung tướng, đến nay, giải pháp này hiệu quả đến đâu?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Rất cần thiết, hiệu quả rất tốt, không bao giờ được xem nhẹ. Nhưng phê bình và tự phê bình cũng phải có cách thức chặt chẽ để nó không trở nên hình thức. Tôi xin nêu ví dụ thời tôi làm đại biểu Quốc hội, chống tham nhũng, chất vấn, phê bình trong Quốc hội dần mạnh mẽ hơn. Nhưng trên diễn đàn, có người có dấu hiệu vi phạm, dư luận nhân dân xì xào nhiều nhưng phát biểu chống tham nhũng cũng rất mạnh như là anh ta không có sai phạm gì. Tôi gặp người đó phê bình thẳng thắn rằng anh phát biểu thế không được đâu rồi chỉ ra nhiều sai phạm. Phê bình mà hình thức, không gắn với tự phê bình trước thì phản tác dụng, nhân dân sẽ không tin, không nghe theo.

PV: Theo Trung tướng, cần làm gì để phát huy tinh thần phê và tự phê mạnh mẽ trong Đảng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Cán bộ cấp cao cần phải mở lòng, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, tiếp thu sự phê bình trên tinh thần người cộng sản. Thời tôi làm đại biểu Quốc hội, có nơi lợi dụng mở cửa, làm ăn vô kỷ luật. Trên diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phát biểu thẳng thắn: “Nhiều lúc hỗn loạn, tôi nói mà các bộ trưởng không nghe”. Thấy vậy tôi đã phê bình: “Anh nói thế không được anh Mười ơi. Nếu vậy anh nên từ chức. Tôi là Tư lệnh Quân khu, nếu tôi không bảo được các sư đoàn trưởng thì chỉ có hoặc là tôi từ chức, hoặc tôi cách chức họ". Nghe tôi nói thế, một nhà báo truyền hình lo lắng rỉ tai: “Bác phát biểu như thế thì chết đến nơi rồi!". Ấy vậy mà sau đó, về họp tại đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Đỗ Mười vỗ vai tôi: “Cậu phát biểu lúc sáng ngon đấy nhỉ?”. Ông Đỗ Mười là một người cộng sản chân chính, phê và tự phê nghiêm túc. Cấp dưới phê bình, góp ý có thể sai thì cùng trao đổi, để họ mở lòng ra nói mới là biện pháp tốt, không nên bưng bít, đừng có cấm đoán “anh nói sai thì anh chết”.

PV: Bản thân ông có bài học nào đáng nhớ về phê và tự phê bình?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi từng bị phê bình, phê phán, tố cáo sai dẫn đến có lần bị trượt Ủy viên Trung ương Đảng. Gia đình, con cái cũng nhiều thiệt thòi, hệ lụy nhưng không vì thế mà tôi chê trách Đảng, oán thán đồng chí, đồng đội hay trở nên bất mãn, tiêu cực. Đảng là ai? Đảng đâu phải là cao xa gì mà chính là mỗi chúng ta. Anh phê bình Đảng thì cũng là phê bình chính anh vì anh là một thành viên, là một tế bào cấu thành nên Đảng.

PV: Trong phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hiện nay, cần làm gì để phòng, chống sự mơ hồ, chệch hướng như có người từng nói "cái mô hình ấy làm gì có mà cứ mãi đi tìm", thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nhắc đến điều này khiến tôi nhớ lại thời điểm trước Đại hội VII của Đảng, sau khi các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, xu hướng cơ hội xét lại gia tăng. Ở thành phố, nhiều người xin trả lại thẻ Đảng, bất mãn, chửi Đảng. Ở Quân khu 4, nơi tôi làm Tư lệnh, anh em tại ngũ không ai trả lại thẻ Đảng nhưng trong số cán bộ quân đội nghỉ hưu, đã có người không tham gia sinh hoạt Đảng nữa. Bên ngoài thành phố Vinh và các địa bàn lân cận, nạn cướp giật, gây rối đã diễn ra. Quân khu đã phải điều lực lượng ra ổn định tình hình. Một hôm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi ô tô từ Hà Nội vào Quân khu 4 kiểm tra. Trước đó, ông đã vi hành, đi thực tế mấy chục tỉnh, thành phố để nắm bắt nhân dân và đảng viên đang nghĩ gì về con đường tương lai của đất nước, về chủ nghĩa xã hội. Khi làm việc với Quân khu 4, Tổng Bí thư nói với tôi: “Tôi ở Hà Nội hay vào TP Hồ Chí Minh đều cảm giác như ngồi trên đống lửa nhưng về Quân khu 4 thấy bình tâm trở lại. Quân đội luôn là cánh tay tin cậy của Đảng, Nhà nước. Bằng mọi giá, chúng ta phải trụ lại, vượt qua sóng dữ, tìm đường đi lên. Đổi mới nhưng không đổi màu”. Quân khu 4 là một trong những đơn vị kiên quyết bảo vệ Đảng, sớm có văn bản đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cách chức cán bộ suy thoái chính trị, cơ hội xét lại, cho dù cán bộ đó có ở vị trí quyền lực cao.

Quan điểm "đổi mới nhưng không đổi màu" anh Nguyễn Văn Linh đúc kết vẫn là kim chỉ nam hôm nay. Tình hình hiện nay có những vấn đề đáng lo, tôi không giỏi lý luận nhưng nghĩ nôm na thế này, bất luận ở tình huống nào song chúng ta cứ kiên định đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn thì sẽ không bao giờ “chệch hướng” cả!