Thứ 6, 26/04/2024 17:50:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 06:42, 31/01/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CSGT (21-2-1946 - 21-2-2016)

Cảnh sát giao thông vì bình yên cuộc sống

Chủ nhật, 31/01/2016 | 06:42:00 461 lượt xem
BP - Có thể đâu đó vẫn còn “con sâu” làm méo mó hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT). Nhưng chỉ khi cùng các anh trong đêm khuya giá lạnh ngăn chặn “ma men”, đua xe; những buổi trưa nắng bỏng tuần tra kiềm chế tốc độ, điều tiết giao thông và nghe chuyện nhiều lần tham gia bắt cướp, kẻ gây rối, bị truy nã… mới thấy đóng góp bình dị mà vô cùng quan trọng của các anh. Tất cả để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

“Làm dâu trăm họ”

Tết đến, xuân về, lưu lượng người tham gia giao thông càng đông đúc, người dự đám tiệc nhiều hơn kéo theo lỗi vi phạm càng dày. Vì thế, công việc của CSGT vốn dĩ đã nặng nề lại thêm phần vất vả. Khác hẳn mọi năm, những ngày cuối năm Ất Mùi, thời tiết giá lạnh ngay từ đầu tối, về khuya trời càng rét. Và khi mọi người đang chăn êm đệm ấm thì lực lượng CSGT lại âm thầm tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông.

Theo các anh đi tuần tra, đo nồng độ cồn những ngày này, chúng tôi quan sát, để ý nhiều hơn và cảm nhận việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT thật khó, như “làm dâu trăm họ”. Người vi phạm lỗi khi tham gia giao thông đều mang vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng. Nếu năn nỉ CSGT không được thì quay ra sừng sộ nói những câu khó nghe: “Giữ xe đi, thích thì cứ giữ, đây không thèm ký thì làm gì nhau?...”.

CSGT xử lý các trường hợp phạm lỗi

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh cho thấy, 90% trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông đều viện dẫn mọi lý do để mong thoát lỗi. Với nhiều trường hợp thách thức, khiêu khích, nếu CSGT cũng mất bình tĩnh thì rất dễ xảy ra cự cãi. Đại úy Huỳnh Công Tấn, Phó đội trưởng Đội tuần tra giao thông Công an tỉnh chia sẻ: “Ai vi phạm ban đầu cũng xin bỏ qua nhưng không được thì gây khó khăn, thậm chí chống đối, lăng mạ... Vì vậy, chúng tôi phải luôn bình tĩnh, mềm dẻo nhưng vẫn kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Biết người vi phạm khó chịu, thậm chí bất hợp tác nhưng rõ ràng ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật thì tạm giữ xe lúc này rất cần thiết. Để người lái xe về trong tình trạng lảo đảo, ai dám chắc chuyện nguy hiểm sẽ không xảy ra?”.

Muôn kiểu “tới bến” rồi phạm luật

Cuối năm luôn là “mùa” của tiệc cưới, tất niên, thôi nôi, đầy tháng, tổng kết... triền miên. Khi cùng xả láng, hô hào nhau nhậu “tới bến”, ít ai nghĩ tới uống bia rượu rồi tham gia giao thông là rất nguy hiểm, cũng quên luôn cả gia đình họ đang đợi ở phía sau.

Khi bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, anh P.V.T (1978) ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài thanh minh: “Tôi biết sai rồi nhưng đi tất niên vui chút thôi, uống 3 ly nhỏ có gì đâu. Giờ phải đón con gái học thêm nên tôi vội đi”. Khi đo nồng độ rượu “một chút thôi” của anh T qua ống thổi cho kết quả 0,34mg/lít khí thở. Vậy là vui một chút mà anh phải nộp phạt 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Nhưng không phải người bị phạt nào cũng hiểu mình sai và hợp tác như anh T. Trong hơi thở sặc sụa mùi rượu bia, anh N.K.T (1989) quê Long Điền, Long Hải, Bạc Liêu bị thổi phạt nhưng không chịu ký. Đáng buồn hơn là người phụ nữ chừng 30 tuổi ngồi sau xe anh T lớn tiếng: “Quay gì mà quay (CSGT quay camera người vi phạm - PV), đ. má, né ra không tao đập bể máy bây giờ. Tao cho chúng mày giữ xe đấy, xem chúng mày giữ được bao lâu?”.

Hiểu chuyện hơn, anh Đ.C.L (1974) ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài nhăn nhó trình bày: “Có người bạn mời ăn tất niên, chẳng lẽ không uống?”. Nhưng không phải ai cũng như anh L, anh T, bởi có người khi bị CSGT ra tín hiệu dừng xe đã bất chấp nguy hiểm phóng nhanh qua chốt xử lý. Phải đến khi có sự hỗ trợ của trinh sát, tổ công tác mới dừng được xe của người vi phạm.

Anh Đ.V.C (1974) ở phường Tân Phú khi bị CSGT xử phạt quay sang năn nỉ phóng viên: “Chị ơi, em quen với rất nhiều phóng viên. Chị nói chuyện với phóng viên em quen rồi xin các anh ấy bỏ qua cho em với nhé...!”. Nhưng rồi sau nhiều lần điện thoại, anh C quay sang ký biên bản (!?).

Anh Tấn cho biết, đó đều là những trường hợp dễ xử lý, có người khi “tới bến” rồi thì chẳng kiêng dè, nể sợ bất kỳ điều gì. Rượu vào lời ra cùng với thái độ thách thức. Trong quá trình xử lý, việc cán bộ, chiến sĩ bị người vi phạm chửi mắng, xúc phạm không phải là chuyện hiếm gặp. Trong cơn say thì pháp luật và sự an toàn tính mạng của bản thân và người khác chẳng còn ý nghĩa.

Để người vi phạm hiểu và chấp hành luật

Thời tiết Bình Phước những ngày cuối năm thật khắc nghiệt. Đêm khuya thì lạnh giá nhưng ngày lại nắng nóng và hanh khô. Đứng suốt nhiều tiếng đồng hồ để hít khói xe và bụi đường qua ngày qua đêm trong sự bất thường thời tiết đem đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc, thấy thông cảm với các anh nhiều hơn. Đại úy Lê Thế Anh, Phòng CSGT Công an tỉnh bày tỏ: “Ngày nào ít xảy ra tai nạn giao thông thì đấy là niềm vui của anh em chúng tôi, bù đắp cho công việc vất vả, ít được gần gũi vợ con, sum vầy cùng người thân, nhất là dịp tết đến, xuân về”.

Khi thi hành nhiệm vụ, CSGT còn thường xuyên phải đối mặt với biểu hiện tâm lý phức tạp, nặng nề. Người vi phạm thường không bằng lòng với cách giải quyết của CSGT. Thậm chí còn đồn thổi sai sự thật, dị nghị về CSGT, gây mất lòng tin trong nhân dân. Thượng tá Lâm Văn Long, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh nhận định: “Qua thực tế, rất nhiều trường hợp bị xử phạt hay tạm giữ giấy tờ, phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe... thì cho là CSGT gây phiền hà, sách nhiễu, thiệt hại đến thu nhập... Họ không nhận thức được rằng, đó là cách tốt nhất để giúp họ được an toàn về tính mạng, tài sản và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.

Nếu bỏ qua lỗi vi phạm dễ dàng sẽ dẫn đến “nhờn” luật nên lực lượng tuần tra luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Điều đó đã chứng minh qua kết quả suốt 3 năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông ở Bình Phước giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Đặc biệt, không có cán bộ, chiến sĩ nào bị xử lý kỷ luật.

Thượng tá Lâm Văn Long cho biết: Qua các đợt thi đua gắn với thực hiện phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Công an tỉnh đã tạo nên nhiều khâu đột phá quan trọng, nâng cao toàn diện các mặt công tác của lực lượng CSGT. Đó là thành tích xứng đáng  để hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CSGT (21-2-1946 - 21-2-2016) và xuân Bính Thân đang cận kề.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
29864

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu