Thứ 6, 26/04/2024 14:54:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:12, 16/10/2016 GMT+7

Cái học ngày nay

Thảo Anh
Chủ nhật, 16/10/2016 | 10:12:00 165 lượt xem
BP - Năm học mới khởi động đã được hơn một tháng. Nhìn bên ngoài, khai giảng năm nay có vẻ êm ả, đồng bộ, đúng quy trình, nhưng...

Trước tiên là sự nháo nhác trong giới giáo viên. Quy định cấm dạy thêm học thêm trong năm học mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phần nào tác động vào sinh hoạt của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Trước đây, việc dạy thêm học thêm gây nhiều điều tiếng và nhiều tranh cãi theo kiểu “sư nói sư phải, vải nói vải hay”, vẫn mập mờ, lập lờ không phân biệt được rõ ràng dạy thêm học thêm là nhu cầu của ai. Khi bộ chính thức phát lệnh cấm, mặc dù chỉ mới thực hiện thí điểm ở một số địa phương là các thành phố lớn, đã có sự xôn xao trong thành phần là đối tượng của lệnh này. Và như thường lệ, phản ứng tất nhiên là tìm cách đối phó, luồn lách lệnh, mà thuê cơ sở bên ngoài hoặc biến nhà riêng, nhà người thân thành “trung tâm” dạy thêm, chuyển đổi chỗ cho nhau trong việc dạy thêm để không vi phạm yêu cầu giáo viên chính khóa không được tổ chức dạy thêm cho học sinh của mình... là những “sáng kiến” của thầy, cô giáo tự xoay xở nhằm tránh né lệnh cấm của bộ. Và qua đó đã cho thấy, nhu cầu học thêm của học sinh là 1, thì nhu cầu dạy thêm của giáo viên đã chiếm đến 9 phần. 

Và mới chỉ qua 30 ngày đầu tiên của năm học mới, đã “rộ” lên tình trạng “ngồi nhầm lớp” bị lộ diện khắp nơi. Thực trạng “ngồi nhầm lớp” đã bị phát hiện cả chục năm trước và nhiều nơi phụ huynh đã xin cho con mình được lưu ban hoặc được xuống học lại lớp 1 do chưa biết đọc, biết viết dù đã lên lớp 4, lớp 5, thậm chí lên đến lớp 6. Tuy nhiên yêu cầu khiêm tốn và trung thực này lại không được nhà trường đáp ứng, vì “trường chuẩn thì không có chuyện học sinh không được lên lớp 100%”!

Ở cấp học cao hơn, các trường đại học, lại lình xình về việc bằng cấp, việc đóng tiền làm lễ tốt nghiệp. Chậm trễ trong cấp bằng cho sinh viên ra trường từ hơn nửa năm đến một năm đã là “chuyện thường ngày” ở các trường đại học công lẫn tư thục. Sự “kẹo xơ - uyn - gum” trong văn bằng mà sinh viên xứng đáng được nhận ngay khi ra trường đã làm giới trẻ này mất đi nhiều cơ hội xin việc làm và tốn thời gian tới lui trường cũ để chờ đợi mảnh giấy kết quả mấy năm học tập. Vài trường đại học bày ra thêm lễ tốt nghiệp cho ra tốt nghiệp, yêu cầu sinh viên mãn khóa phải nộp 400-500 ngàn đồng để trường tổ chức lễ cấp bằng, nếu sinh viên có người nhà tham dự buổi lễ thì phải đóng thêm tiền mỗi người 100 ngàn đồng. Việc vẽ vời để thu của mỗi sinh viên tốt nghiệp trên nửa triệu bạc của Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang đã gây bất bình trong sinh viên. Bởi theo giới này, tổ chức lễ tốt nghiệp là việc của nhà trường, tại sao lại bắt sinh viên đóng tiền?

Cái học ngày nay dường như đã khác rất xa với cái học trước đây. Cũng vì thế mà câu ngạn ngữ “Khi ông thần tài cắp nón đi vào, thì ông biện lý xách cặp đi ra” có lẽ không còn là “sản phẩm” độc quyền của ngành tư pháp?

  • Từ khóa
86285

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu