Thứ 7, 27/04/2024 06:05:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:25, 20/04/2018 GMT+7

“Cà phê pin con ó” tuồn về Bình Phước: Người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp làm cà phê đau

Thứ 6, 20/04/2018 | 14:25:00 514 lượt xem
BP - Chiều 18-4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều tra ban đầu cũng như quan điểm xử lý cơ sở chế biến cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) dùng bột đá trộn với phế thải cà phê, sau đó nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó để mang đi tiêu thụ. Đồng thời, thông tin từ buổi họp báo cho biết, chủ cơ sở khai toàn bộ sản phẩm (hơn 3,5 tấn) đang được tiêu thụ tại Bình Phước.

“Không thể tin được”, “đề nghị xử lý thật mạnh tay”, “đầu độc”, “giết người hàng loạt”... là những cụm từ thể hiện sự bức xúc của người dân khi biết thông tin “cà phê pin Con Ó” được tuồn về tiêu thụ ở Bình Phước trong thời gian qua.

“THƯỢNG ĐẾ” PHÁT HOẢNG

Công an tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc, tuy nhiên nhiều người tiêu dùng đã quay lưng với thức uống quen thuộc này. Ngay trong tối 18 và sáng 19-4, chủ đề được nhiều khách hàng bàn tán tại các quán cà phê chính là: Chúng ta có đang uống cà phê trộn đất, đá và nhuộm đen bằng pin Con Ó?

Chị Lê Thị Diễm Hằng là công chức đang làm việc tại thị xã Đồng Xoài. Đã thành thói quen, sáng nào chị cũng uống cà phê giúp đầu óc tỉnh táo rồi mới bắt đầu công việc. Chị Hằng cho biết: “Cà phê vốn mang tiếng là được “làm đẹp” bằng bột bắp, bột đậu nành. Để thỏa cơn ghiền, đồng thời đảm bảo sức khỏe, tôi luôn uống cà phê nguyên chất, mặc dù hương vị không được thơm, màu sắc không bắt mắt bằng cà phê trộn. 3 hôm nay, nghe thông tin cà phê trộn đất, đá, nhuộm lõi pin Con Ó, tôi đang cân nhắc lại thói quen của mình. Chiều 18-4, cơ quan công an công bố toàn bộ 3,5 tấn cà phê “pin Con Ó” được tiêu thụ ở Bình Phước thì tôi “sốc toàn tập”! Còn bao nhiêu cơ sở cũng phù phép cà phê như thế để đầu độc người dân? Bao nhiêu tấn như thế mà người dân Bình Phước đang tiêu thụ hằng ngày?”.

Người nông dân một nắng, hai sương để có được thành quả là những hạt cà phê sạch, tuy nhiên những thông tin về “Cà phê pin Con Ó” đã làm người trồng cà phê thêm khó khăn. Trong ảnh, nông dân thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) phơi cà phê (ảnh minh họa) - S.H

Vừa đọc xong thông tin trên điện thoại, ông Hồ Tiến Định, 53 tuổi, làm nghề bốc vác tại chợ Đồng Xoài cho biết: “Vì công việc bốc vác phải làm khuya nên tôi và đồng nghiệp thường uống cà phê để tỉnh táo. Khi nghe thông tin có doanh nghiệp ở Đắk Nông trộn pin Con Ó với đất, đá, vỏ cà phê để chế biến bán cho người dân Bình Phước, tôi rất phẫn nộ. Người dân không biết thì vẫn uống. Nhưng giờ báo chí công bố thông tin như vậy, chúng tôi thực sự bất an. Họ trộn lõi pin vào cà phê thì khác gì trộn thuốc độc cho nhân dân uống. Họ làm như vậy có khác gì đang giết đồng loại!”.

Nỗi đau của những doanh nghiệp chân chính

Là một trong những cơ sở chế biến cà phê nguyên chất tại tỉnh, anh Lê Hoàng Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công Phát (Cà phê Công) cảm thấy đau lòng trước thông tin cà phê trộn đất, đá, nhuộm pin đang được tiêu thụ tại Bình Phước. Anh cho biết, thị trường cà phê vốn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa những doanh nghiệp mới với các hãng tên tuổi. Bây giờ lại thêm sự cạnh tranh giữa người làm ăn chân chính với cơ sở làm ăn gian dối. “Ngay khi nghe thông tin từ UBND tỉnh Đắk Nông công bố, tôi cảm thấy rất đau. Đó không chỉ là nỗi đau của những người làm trong nghề mà còn đau hơn khi toàn bộ sản phẩm được chủ cơ sở khai là tiêu thụ tại Bình Phước. Điều này đã mang tiếng xấu cho nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê chân chính tại tỉnh nhà. Từ cái đau này, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để mọi người biết cách phân biệt đâu là cà phê nguyên chất, cà phê trộn, tẩm, để mọi người cảm nhận được vị cà phê đúng nghĩa và bảo đảm sức khỏe” - anh Công bức xúc.

Hướng dẫn phân biệt cà phê nguyên chất với cà phê trộn

Anh Lê Hoàng Công cho biết: Trong 3 ngày từ 20 đến 23-4, Công ty TNHH MTV Công Phát sẽ tổ chức hướng dẫn cách phân biệt cà phê nguyên chất với cà phê trộn bắp, đậu nành. Quan sát bằng mắt thường, nếm và ngửi, người tiêu dùng sẽ nhận biết được đâu là sản phẩm tốt, vừa đảm bảo sức khỏe vừa thỏa mãn nhu cầu.

Trả lời trên báo chí, tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Lan, giảng viên Khoa Độc chất học, Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Trong pin có nhiều hóa chất, đặc biệt là chì. Nếu sử dụng lâu dài, lượng chì sẽ tích tụ dẫn đến hư xương, răng hoặc nặng hơn là phá hủy các cơ quan tạo máu dẫn đến tình trạng mất máu. Trên thực tế, chì tinh khiết cũng được sử dụng trong sản xuất công nghiệp như làm rượu vang, sơn... Tuy nhiên, chỉ sử dụng ở một mức độ vừa đủ.

Cũng trong ngày 18-4, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam, mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Vụ việc này chỉ xảy ra ở một cơ sở nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước thông tin cà phê trộn đất, đá, vỏ cà phê, nhuộm pin đang được tiêu thụ tại Bình Phước, ông Phan Tiến Cường, Phó phòng Pháp chế Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương cho biết: Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục làm việc với chủ cơ sở để điều tra, cung cấp thông tin cụ thể về những doanh nghiệp, cơ sở ở Bình Phước đang tiêu thụ số cà phê không đảm bảo. Sau khi có kết luận từ tỉnh Đắk Nông, lực lượng chức năng của Chi cục Quản lý thị trường Bình Phước sẽ kiểm tra, kiểm soát cụ thể các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Thanh Nga

  • Từ khóa
93554

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu