Thứ 7, 27/04/2024 02:01:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:23, 13/04/2014 GMT+7

Báo động về nguồn nước ngầm

Chủ nhật, 13/04/2014 | 08:23:00 1,535 lượt xem

Những năm qua, tình trạng người dân khoan giếng tràn lan không theo quy định của pháp luật, còn chính quyền và ngành chức năng buông lỏng quản lý đã dẫn đến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng cao.

Đua nhau khoan giếng

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, mùa khô kéo dài và nắng hạn nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất diễn ra gay gắt. Ông Nguyễn Tấn Lực, cán bộ HĐND xã Tân Thành (Bù Đốp) cho biết: Hiện nay, rốn nước của xã là các bưng, bàu đã cạn kiệt nên giếng đào không có nước sử dụng. Để cứu diện tích cây trồng và có nước sinh hoạt buộc người dân phải khoan giếng. Do đó, những tháng gần đây, số giếng khoan trên địa bàn tăng mạnh. Tuy nhiên tỷ lệ giếng không có nước khá cao, có giếng chỉ đủ nước tưới cầm chừng.

Người dân ấp Sóc Ruộng 1, xã Tân Quan (Hớn Quản) kiểm tra chất lượng nước sạch từ giếng đào - Ảnh: B.L

Anh Trần Văn Hiếu, thợ khoan giếng ở xã Thanh Hòa (Bù Đốp) cho hay: Hiện nhà nào cũng có nhu cầu sử dụng giếng khoan vì giếng đào không có nước, do đó số người hành nghề khoan giếng cũng tăng nhanh. Riêng khu vực thị trấn Thanh Bình và 2 xã Thanh Hòa, Thiện Hưng đã có 15 tổ khoan giếng. Trước đây chỉ khoan khoảng 60-75m, nhiều nơi 40m đã có nước. Nhưng nay giếng phải khoan gần 100m mới có nước. Tại khu trung tâm hành chính huyện Bù Đốp có hơn 100 giếng khoan, nhưng ít giếng đủ nước vào mùa khô. Theo tôi, mực nước ngầm ở Bù Đốp ngày càng xuống thấp và đang bị nhiễm kim loại nặng, nhiều hộ chỉ dùng để tưới cây và tắm giặt.

Theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT và Thông tư số 36/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường, đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, người đứng đầu phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, địa chất thủy văn, khoan và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề. Hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 trở lên và có ít nhất 4 năm kinh nghiệm; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 5 công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất…
Điều 2, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nêu rõ: Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Ông Châu Ngọc Lực ở xã Thọ Sơn (Bù Đăng) cho biết: Tôi làm nghề khoan giếng đã gần 20 năm nên hiểu rất rõ nhu cầu của người dân trong mùa khô. Dù chi phí cho một giếng khoan không ít, nhưng người dân phải “thắt lưng buộc bụng” để khoan giếng.

Ông Lực cho biết thêm: Một giếng nước khoan có giá từ 15-50 triệu đồng. Trước kia chỉ khoan khoảng 40m là chạm mạch nước, nhưng nay phải khoan đến tầng thứ 2, thứ 3 mới có nước. Phước Sơn (Bù Đăng) là vùng đồi đất đá hay sạt lở và thường phải khoan sâu hơn 100m nên có giếng chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Mạch nước ngầm đang tụt sâu hơn là do rừng bị tàn phá, không còn thảm thực vật để giữ nước. Việc khoan giếng không có quy hoạch, dẫn đến mạch nước ngầm bị phá vỡ. Nếu khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tràn lan như hiện nay không chỉ làm cạn kiệt mà còn thông tầng, sụt lún, gây ô nhiễm nước cùng nhiều hậu quả khác chưa lường hết.
 

Làm gì để bảo vệ nguồn nước ngầm?

Tính đến hết tháng 12-2013, Sở Tài nguyên - Môi trường đã thẩm định và trình UBND tỉnh cấp 101 giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trong đó có 36 giấy phép khai thác nước dưới đất và 3 giấy phép hành nghề khoan giếng. Hầu hết các giấy phép trên đều cấp cho các công ty hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lượng nước lớn. Như vậy, người hành nghề khoan giếng trên địa bàn tỉnh đều làm tự phát, chưa được cấp giấy phép hoạt động. Trong khi các địa phương tuy biết số lượng người hành nghề khoan giếng, nhưng việc quản lý cũng như phổ biến pháp luật để họ ý thức hơn trong bảo vệ tài nguyên nước chưa được quan tâm.

Anh Trần Văn Hiếu cùng đồng nghiệp khoan giếng tại thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp)

Ông Nguyễn Phú Quới, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Hiện việc kiểm tra và xử lý người hành nghề khoan giếng trái pháp luật vẫn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong đó, khâu quản lý ở cấp huyện, xã còn lỏng lẻo; địa bàn rộng, lực lượng chuyên môn mỏng... là những nguyên nhân chủ yếu. Mặt khác, do tài nguyên nước được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các nơi và giữa các mùa nên nguy cơ thiếu nước vào mùa khô ngày càng trầm trọng, dẫn đến nhu cầu khoan giếng của người dân rất lớn. Hơn nữa nước ta không nằm trong danh sách các quốc gia khan hiếm nước nên người dân chưa nghĩ tới hậu quả lâu dài về sự suy kiệt nguồn nước. Do vậy, chúng tôi sẽ phối hợp các ngành chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền Luật Tài nguyên nước. Nêu rõ tầm quan trọng của nguồn nước ngầm cũng như những hệ lụy của việc khai thác tùy tiện. Hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm cả nguồn nước dưới đất và nước mặt, đồng thời tích trữ nước mưa phòng khi hạn hán. Sở đã đề xuất với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam về điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng phương án và tổ chức thực hiện trám, lấp 1.725 giếng không sử dụng trên địa bàn 10 huyện, thị xã trong 2 năm 2014-2015...

Ông Nguyễn Hữu Thương, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho rằng: Bên cạnh sự nỗ lực của ngành, Nhà nước cần hỗ trợ và vận động xã hội hóa để xây dựng các công trình nước sạch tập trung nhằm bảo đảm nguồn nước cho người dân sử dụng, tránh khai thác tràn lan gây cạn kiệt nguồn nước. Chính quyền cơ sở cần tăng cường giám sát các hoạt động khai thác nước ngầm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, để giải quyết nước tưới cho sản xuất, cần quy hoạch và xây dựng thêm các công trình thủy lợi nhỏ, nhất là ở những địa bàn sản xuất tập trung.

Lâm Phương - Khánh Diễm

  • Từ khóa
92424

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu