Thứ 6, 26/04/2024 15:27:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:26, 03/06/2015 GMT+7

Cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm

Thứ 4, 03/06/2015 | 13:26:00 250 lượt xem
BP - Trong các đợt tiếp xúc cử tri và nhất là trong đợt giám sát công tác giảm nghèo trên địa bàn một số xã đặc biệt khó khăn của các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã nhận được ý kiến của người dân cũng như lãnh đạo một số xã về hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm do Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) chịu trách nhiệm. Cụ thể là tỷ lệ giải quyết việc làm thấp, nhất là các nghề trồng nấm, cạo mủ cao su; đào tạo nghề chưa chuyên sâu nên sau đào tạo người lao động khó tìm được việc làm hoặc có thu nhập thấp.


Người dân xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) tham gia lớp học quản lý, khai thác cao su do Hội Nông dân huyện Bù Đăng phối hợp tổ chức - Ảnh: H. Châu

Từ ý kiến của người dân và lãnh đạo các địa phương, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Văn Mãi, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH để biết quan điểm của ngành. Ông Mãi cho rằng công tác đào tạo nghề nói chung, dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực, giúp người lao động có điều kiện được học tập, có việc làm và thu nhập để ổn định cuộc sống. Riêng nghề trồng nấm và cạo mủ cao su có những yếu tố thuận lợi nên được hầu hết các trung tâm, cơ sở dạy nghề tổ chức dạy.

Theo quy định của Đề án dạy nghề nông thôn, người lao động chỉ được học khi dự báo được nơi làm việc. Vì vậy, cơ sở đào tạo sẽ không tổ chức dạy nghề tràn lan khi người lao động không cam kết xác định được công việc sẽ làm sau đào tạo.  

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Văn Mãi

Với nghề chăm sóc, khai thác mủ cao su, trong những năm gần đây, các đơn vị dạy nghề đã chủ động tìm hướng đi mới nhằm tìm việc làm cho người lao động. Cụ thể là các đơn vị dạy nghề đã liên hệ với các công ty cao su, các chủ trang trại để phối hợp trong dạy nghề cũng như giải quyết việc làm. Đây là hình thức hợp đồng ba bên gồm cơ sở dạy nghề, đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, cơ sở dạy nghề và các công ty cao su cùng xây dựng chương trình đào tạo, người lao động được học tập dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của công ty và giáo viên của đơn vị dạy nghề. Sau khóa học, công ty trực tiếp tuyển chọn những học viên đạt tay nghề loại khá, giỏi để khai thác mủ cao su. Những lao động khác sẽ được nhận vào bộ phận chăm sóc cây. Qua đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, những đơn vị làm tốt công tác phối hợp là Trung tâm Dạy nghề huyện Bù Đăng, Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Phú với Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước.

Riêng nghề trồng nấm rơm, đặc thù của nghề này là sau đào tạo, muốn áp dụng thực tế thì không chỉ cần có một số kỹ thuật cơ bản mà còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng địa phương như đất, nước, điều kiện chăm sóc, che chắn, bảo quản... Vì thế, sẽ có những nơi cho sản phẩm tốt và có nơi cho sản phẩm không tốt. Hơn nữa, đa số người lao động theo nghề này chỉ tận dụng thời gian nông nhàn để trồng nấm ở quy mô gia đình, không có điều kiện làm việc trong môi trường tập thể nên khó khăn trong việc trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao như người dân một số nơi phản ánh.

Để khắc phục những mặt hạn chế nói trên, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở dạy nghề phát huy hiệu quả tốt hơn, đặc biệt là tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người dân sau dạy nghề. Sở cũng sẽ đầu tư trang thiết bị cho những ngành nghề mang tính kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng; đồng thời có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dạy nghề và tiếp nhận lao động sau đào tạo. Đối với các cơ sở dạy nghề sẽ từng bước hoàn thiện chương trình, giáo trình cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời có chính sách thỏa đáng đối với giáo viên dạy nghề để họ yên tâm công tác.     

T.N

 

 

  • Từ khóa
85147

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu