Thứ 2, 20/05/2024 07:48:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:06, 04/08/2014 GMT+7

Chìa khóa nông thôn mới ở xã có 30% đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ 2, 04/08/2014 | 09:06:00 300 lượt xem
BP - Để xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các xã phải huy động nội lực, sự chung tay góp sức của tổ chức xã hội, cá nhân trên địa bàn. Với những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên làm NTM không thể như những xã khác.

Xã Đức Liễu (Bù Đăng) có 10 thôn, với 13.091 người, trong đó 30% đồng bào dân tộc thiểu số. Là một trong hai xã điểm của huyện về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, Đức Liễu đã có những cách làm hay nhưng nhiều tiêu chí vẫn khó đạt.

Kỹ sư cùng làm với dân

Trước những trở ngại mà Đức Liễu gặp phải, Ban quản lý đề án xây dựng NTM của xã họp dân, lựa chọn phương án hỗ trợ 6 mô hình sản xuất điểm trong 2 năm (2012, 2013) với tổng kinh phí 773 triệu đồng.

2,7km đường được người dân thôn 1 tự đóng góp sửa chữa, mở rộng giúp cho việc vận chuyển nông sản dễ dàng hơn

 
Trong 2 năm, xã đã phối hợp Trung tâm Nuôi trồng thủy sản tỉnh thả 6.000 con cá giống và hỗ trợ giống cho 16 hộ trong tổ hợp tác nuôi cá lồng bè tại thôn 10. Những hộ nghèo trong xã được bình chọn công khai, mỗi hộ được hỗ trợ 100 con gà giống, thức ăn, thuốc thú y với kinh phí 11 triệu đồng. Cách làm này là đòn bẩy, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, làng xóm, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Trước thực trạng vườn cà phê, điều của đồng bào dân tộc thiểu số già cỗi, sử dụng giống không chọn lọc nên năng suất thấp, xã kết hợp Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng xây dựng 5 mô hình ghép chồi, trẻ hóa vườn cà phê; cải tạo vườn điều tạp để tăng năng suất.

Anh Bùi Văn Vĩnh, kỹ sư Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng cho biết: “Nhân viên của trạm ghép chồi mới cho vườn cà phê già cỗi ở những mô hình điểm, hướng dẫn nhiều lần cho người dân thành thục để nhân rộng. Trạm khuyến nông cung cấp chồi đạt chất lượng cho người dân với giá rẻ hơn so thị trường. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng áp dụng còn hạn chế, kỹ sư, nhân viên của trạm còn trực tiếp ghép chồi, theo dõi, chăm sóc định kỳ đến khi vườn đạt yêu cầu”.

Cà phê trồng mới 3 năm cho trái bói, nhưng với cách làm này thì chỉ 1 năm cà phê cho thu, năng suất cao. Nhiều hộ đã đến học hỏi, tranh thủ các nguồn vốn để áp dụng, tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Tô Hào Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đức Liễu là xã thuần nông. Muốn huy động sức dân trước hết phải nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Có như vậy việc huy động các nguồn lực, kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng mới đạt hiệu quả”.

Khơi dậy sức dân làm đường giao thông

Đi trên con đường bê tông mới, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng thôn 1 cho biết: “Trước đây, các tuyến đường liên thôn lầy lội, sạt lở, nước mưa không thoát kịp ngập vào nhà. Từ năm 2012 đến nay, người dân trong thôn đóng góp làm mới 1,5km đường bê tông, sỏi hóa 2,7km đường với kinh phí 415 triệu đồng. Nhiều người tự nguyện hiến đất, góp tiền làm đường, lắp đặt mới cống thoát nước”.

2,7km đường đất đỏ vào rẫy ở thôn 1 từng là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Mùa mưa chạy xe trên đường này như “diễn xiếc”. Sau khi họp dân lấy ý kiến sửa đường, ai hưởng lợi nhiều góp nhiều, nhà dân hai bên đường hiến đất, chặt cao su. Người dân thay phiên giám sát, sau 1 tháng tuyến đường được san bằng, mở rộng, trải sỏi. “Những năm trước, mỗi khi trời mưa người dân chở mủ từ lô cao su đi bán là cực hình. Đường trơn như đổ mỡ, phải quấn xích vào bánh xe mới đi được, có đoạn nước ngập cả bánh xe. 2 năm nay, có đường mới chúng tôi không còn phải khổ sở như trước” - ông Phạm Quang Khởi ở tổ 1, thôn 1.

Chỉ tay lên những bóng đèn, ông Thắng kể: “Sau khi tu bổ, nâng cấp đường, người dân tự lắp bóng điện chiếu sáng đoạn đường 4,5km hết 77 triệu đồng. Tổ an ninh tự quản với 16 thành viên thay phiên tuần tra vào ban đêm, lúc mùa vụ, nạn trộm cắp giảm hẳn, an ninh trật tự được đảm bảo”.

Chủ tịch UBND xã Tô Hào Quang cho biết thêm: “Xã Đức Liễu đã hoàn thành 10/19 tiêu chí NTM, gồm: Thủy lợi, chợ, môi trường, quy hoạch, giáo dục, bưu điện, hộ nghèo, cơ cấu lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất. Với nhiều cách tuyên truyền, nhiều hộ dân tộc thiểu số tự nguyện hiến đất xây dựng hạ tầng, sửa sang nhà cửa, sử dụng các công trình hợp vệ sinh... Hiện trăn trở lớn nhất của chính quyền xã là còn nhiều tuyến đường cần kinh phí, trong khi sức dân có hạn, tỷ lệ vận động từ doanh nghiệp không đạt”.  

 Ngân Hà - Tuyết Ly

  • Từ khóa
53678

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu