Thứ 2, 03/06/2024 05:03:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 00:00, 26/07/2011 GMT+7

Nông sản tăng giá - mừng hay lo?

Thứ 3, 26/07/2011 | 00:00:00 230 lượt xem

Là một tỉnh nông nghiệp, đời sống của đa số người dân phụ thuộc vào giá cả nông sản. Đã nhiều năm qua, cứ đến vụ thu hoạch người nông dân Bình Phước luôn thấp thỏm lo âu vì điệp khúc “được mùa, mất giá - mất mùa, được giá”, nên cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, thời gian gần đây, tất cả các mặt hàng nông sản đều được giá, dù mất hay được mùa. Vấn đề này không hẳn là một tín hiệu lạc quan cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta mà ẩn chứa trong đó những nỗi lo không hề nhỏ.

NIỀM VUI ĐƯỢC GIÁ

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 25,8 ngàn ha cây mì (sắn), 11,536 ngàn ha cây cà phê, 147,58 ngàn ha cao su, 155,76 ngàn ha cây điều và cây tiêu có khoảng 10,77 ngàn ha. Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn trồng hàng chục ngàn ha cây lương thực và hoa màu các loại. Năm 2010, sản lượng cây mì đạt 570,18 ngàn tấn, cây cà phê đạt 15,16 ngàn tấn nhân, cao su đạt 187,60 ngàn tấn mủ khô, cây điều khoảng 169,81 tấn và khoảng 28,63 ngàn tấn tiêu. Theo giá hiện nay, cà phê đang ở ngưỡng 51.000 đồng/kg, tiêu đen khoảng 120 ngàn đồng/kg, hạt điều tươi giá khoảng 23.000 đồng/kg, mủ cao su khoảng 43.000 đồng/kg, củ mì ở mức gần 2.000 đồng/kg. Đây có thể coi là thời điểm mà tất cả các mặt hàng nông sản đều được giá. Ngay những năm 1992-1994 là thời kỳ hoàng kim của cây cà phê cũng chỉ mức 34.000 đồng/ kg. Hay vào năm 1998, giá hạt tiêu lập kỷ lục nhưng mới chỉ xấp xỉ 100.000 đồng/ kg.

Để có được dòng “vàng trắng” người nông dân phải một nắng hai sương.

Do giá nông sản tăng nên thương nhân, đại lý, người kinh doanh nông sản vào tận vườn, rẫy của những hộ dân đặt hàng, thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường làm nhiều nông dân cảm thấy vui mừng. Cũng nhờ hiện tượng này mà thực trạng “được mùa, mất giá” vốn là nỗi ám ảnh của những người nông dân chân lấm tay bùn tạm thời được xua tan. Ngày mùa được bội thu, bội giá là mơ ước của người làm nông nghiệp. Do chạy theo giá nên không ít hộ dân đã vội vàng bán hết sản phẩm của mình mà không cần cân nhắc. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng khan hiếm hàng mà hạt tiêu và điều là một ví dụ điển hình. Hiện, các hộ trồng tiêu không còn hàng để bán. Ngay cả hạt điều cũng rất ít hộ tích trữ dù mới thu hoạch cách đây vài tháng.

NÔNG DÂN VẪN NHIỀU NỖI LO

Bà Mai Thị L ở xã Long Hưng (Bù Gia Mập) than thở: “Nhà tôi có 10 ha điều, chăm bón kỹ nên vụ rồi cho năng suất trên 2 tấn/ ha. Thấy được giá (32.000 đồng/kg) tôi đã bán hết. Cầm số tiền tưởng lớn ai ngờ ra chợ cái gì cũng tăng. Rồi chi phí nhân công thu hoạch điều, công chăm sóc quanh năm, tiền vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực thực phẩm, giá cả sinh hoạt... theo đó cũng tăng ào ào thành ra được giá cũng như không”.

Anh Lê Thanh T ở xã Tân Lập (Đồng Phú) nói: “Tôi có 1ha cao su, mỗi ngày cạo được tối đa 45kg mủ nước, 1 ngày cạo 1 ngày nghỉ, một tháng thu được 675kg mủ, tức khoảng 29 triệu đồng. Tuy nhiên tiền đầu tư cho phân bón, thuốc... không phải là nhỏ. Riêng tiền thuê công nhân đã gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo nhiều hộ dân, việc trồng và khai thác mủ cao su cũng rất phức tạp. Bởi từ năm thứ 10 trở đi, tức sau ngày mở miệng cạo 3 năm, thì 10 cây cao su (chăm sóc tốt) mới cho thu 1 kg mủ/ngày cạo và tùy theo hàm lượng độ mà giá mủ cao hay thấp. Việc cân đo độ mủ tùy theo từng chiêu thức của người mua để tính ra giá tiền. Ông Nguyễn Văn Đ ở thị xã Đồng Xoài có 10 ha cao su đang khai thác cũng buồn rầu chuyện giá mủ tăng cao. Ông Đ nói: Theo qui định về kỹ thuật của ngành cao su, khi cây đến tuổi khai thác thì phải áp dụng theo qui trình D3 (tức 1 ngày cạo, 2 ngày nghỉ). Nhưng do giá mủ tăng trong những năm gần đây, nên gần như đại đa số nhà vườn không áp dụng qui định này. Các chủ vườn đều tiến hành cạo đúp D1, tức ngày nào cũng cạo để tăng lợi nhuận. Việc cạo đúp này buộc phải bôi thuốc kích thích, tăng độ phân bón... dẫn tới giá thành trong chi phí sản xuất tăng”. Nhiều hộ dân trồng cao su đều cho rằng: “Quy trình khai thác là cây phải đủ 6 hay 7 năm mới mở miệng cạo. Nhưng hầu hết các vườn cây đủ 5 năm là tiến hành mở miệng. Làm vậy chúng tôi mới có tiền trả nợ đầu tư và các chi phí khác cho sinh hoạt gia đình”. “Việc khai thác không đúng quy trình, chạy theo lợi nhuận, theo giá dẫn tới hậu quả là cây phát triển kém, cho sản lượng mủ thấp vào các năm sau”, nhiều cán bộ kỹ thuật ở các công ty cao su cảnh báo.

NẶNG LÒNG CẤP QUẢN LÝ

Giới chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, những dấu hiệu “tăng nhiệt” về giá trong thời gian qua là dấu hiệu bất bình thường. Bởi, từ lâu nông sản của Việt Nam phụ thuộc vào một thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, hơn nữa chủ yếu là xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch đang chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn. Do vậy, một khi thị trường chính đã bão hòa, hay một lý do nào đó họ đóng cửa thì nông sản của ta lại rớt giá thê thảm. Còn nhớ vụ cà phê năm 1992-1994, khi giá cà phê đạt ngưỡng 34.000 đồng/kg thì người người, nhà nhà ở Tây Nguyên, Bình Phước chặt cao su trồng cà phê. Năm sau, giá cà phê chưa tới 10.000 đồng/kg thì nhiều hộ dân khuynh gia bại sản. Hay năm 1998, giá hạt tiêu đạt 100.000 đồng/kg, ở Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng... cũng ào ạt trồng tiêu. Kết quả năm sau, rớt giá nhiều hộ bỏ mặc cho tiêu chết vì bệnh và đốn trụ làm củi bán dọc quốc lộ 13. Vài năm trở lại đây là phong trào chặt bỏ nhiều loại cây trồng khác để trồng cao su cũng vì mủ cao su tăng giá. Có rất nhiều ví dụ để minh họa cho sự bất thường về giá làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, nặng lòng các cấp quản lý. Bởi lẽ, việc chạy theo nhu cầu bất thường của thị trường sẽ dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch sản xuất. Và, giá tăng đồng nghĩa với việc thu gom ồ ạt của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nông sản, đại lý sẽ gây ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với một số sản phẩm trong nước.

Khác với những lần trước, lần này có rất nhiều loại nông sản được giá cùng lúc chứ không phải “sốt” một loại duy nhất. Điều này có thể thấy các sản phẩm nông sản của Việt Nam có chất lượng tốt và giá rẻ lại hơn so với các nông sản cùng loại ở nhiều quốc gia khác. Do vậy, hơn bao giờ hết, người nông dân phải ý thức được về những giá trị từ sản phẩm của mình làm ra, đừng chạy đua theo nhu cầu của thị trường vốn đang chứa đựng nhiều rủi ro. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần tham khảo việc quy hoạch, dự báo của địa phương, điều kiện đất đai... làm cơ sở thực hiện. Đặc biệt, nông dân cần xây dựng thương hiệu riêng cho từng mặt hàng để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tấn Phong

  • Từ khóa
43251

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu