Thứ 2, 20/05/2024 09:03:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:36, 23/02/2011 GMT+7

Phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả không thể thiếu công tác tuyên truyền

Thứ 4, 23/02/2011 | 14:36:00 239 lượt xem

Năm 2010 sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao (2.866 ca), tập trung chủ yếu ở một số huyện, như Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Phú, Bù Gia Mập và thị xã Đồng Xoài. Cao điểm nhất là huyện Chơn Thành (1.088 ca) và một số xã của huyện Hớn Quản và thị xã Đồng Xoài. Nhờ làm tốt công tác dự báo tình hình, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch, nên SXH không bùng phát trên diện rộng.


Trí thức trẻ tình nguyện tham gia khơi thông cống rãnh ở huyện Bù Đốp để muỗi truyền bệnh SXH không có nơi sinh sản


Bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Trong công tác phòng chống dịch SXH, các địa phương phải báo cáo hằng tuần tất cả các trường hợp bị SXH trên địa bàn và các ca bệnh nặng để kịp thời xử lý. Quá trình giám sát bệnh nhân phải nắm được tình hình muỗi truyền bệnh và chỉ số lăng quăng. Nếu thấy cao phải tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực diệt lăng quang và phun thuốc dập dịch 2 lần liên tục. Ngoài trách nhiệm của dự phòng tuyến tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và y tế ngành cao su phải tổ chức bao vây xử lý những ổ dịch nhỏ (trong vòng bán kính 200m) xung quanh gia đình bệnh nhân. Số ca mắc bệnh SXH năm qua tăng cao xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, các cơn mưa nhỏ và cách xa nhau đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài muỗi Aedes aegypti truyền bệnh SXH, qua giám sát côn trùng của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh còn thấy có sự hiện diện của muỗi Aedes albopictus - là loài muỗi thường sống ở xung quanh nhà và cũng là tác nhân gây bệnh có nhiều ở các địa phương: Bình Long, Chơn Thành và Hớn Quản. Do đó gây khó khăn cho công tác phòng chống SXH. Mặt khác, công tác giám sát và phòng chống SXH gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ ở tuyến huyện, nhất là các huyện mới chia tách chưa ổn định và kiêm nhiệm nhiều chương trình. Hoạt động của mạng lưới cộng tác viên chưa thật sự hiệu quả do kinh phí hỗ trợ cho mỗi cộng tác viên còn thấp (50 ngàn đồng/tháng) nên một số cộng tác viên hoạt động không nhiệt tình hoặc bỏ không hoạt động.

Trong khi đó, khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, cán bộ tuyến huyện và trạm y tế các xã, phường chưa phân công trách nhiệm cụ thể mà thường giao cho những thành viên tham gia tự hoạt động rồi báo cáo kết quả nên tại những nơi triển khai chiến dịch, chỉ số lăng quăng sau chiến dịch vẫn cao. Tại các xã, phường có triển khai các hoạt động phòng chống SXH, như diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch, chính quyền chưa có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát tới các thôn, ấp mà chỉ giao cho ngành Y tế thực hiện. Nhiều gia đình và cá nhân còn lơ là, chủ quan chưa tham gia vào công việc diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình cũng như trong cộng đồng mà xem đây là việc của ngành y tế. Đặc biệt, do thói quen sinh hoạt của người dân cũng như điều kiện địa lý, tự nhiên mà người dân phải sử dụng các loại dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa và ngâm mủ cao su… đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển làm lây lan mầm bệnh trong cộng đồng.

Cũng theo bác sĩ Tô Đức Sinh, ngoài công tác chuyên môn của ngành Y tế thì việc tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng dịch cho người dân cũng rất quan trọng. Nếu người dân có ý thức cùng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền cộng với công tác chuyên môn của ngành, chắc chắn dịch sẽ được khống chế sớm, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong. Trước năm 2008, huyện Phước Long (cũ) có tỷ lệ bệnh nhân mắc SXH cao nhất tỉnh. Do làm tốt công tác tuyên truyền, có cam kết giữa người dân và chính quyền về công tác phòng chống dịch nên những năm qua số ca mắc SXH ở đây rất thấp.

Nhằm tuyên truyền công tác phòng chống dịch tốt hơn, trung tâm đã đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai công tác phòng chống dịch SXH trong nhà trường để cung cấp kiến thức cho học sinh về phòng chống bệnh SXH; vận động giáo viên, học sinh tự thực hiện các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và khu vực xung quanh trường.

Lâm Phương

  • Từ khóa
42989

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu