Thứ 2, 20/05/2024 02:22:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:44, 26/09/2023 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Thứ 3, 26/09/2023 | 14:44:24 2,259 lượt xem

Bài cuối
“GỒNG GÁNH” DẠY HỌC TÍCH HỢP

Thu Thảo

BPO - Dù đã nỗ lực rất nhiều trong dạy học, tập huấn đối với môn học tích hợp, nhưng việc Bộ GD&ĐT trao quyền chủ động cho các trường trong xây dựng kế hoạch giáo dục cũng khiến các trường rơi vào bị động. Bởi trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, việc phân công giáo viên, thời khóa biểu dạy môn tích hợp đang đẩy các trường vào thế khó khi chương trình đi trước, đào tạo con người đi sau.

Song song hay tuyến tính?

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THCS có 2 bộ môn tích hợp mới là Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Nếu môn Lịch sử và Địa lý được tách thành 2 phân môn riêng biệt, giáo viên có thể dạy song song thì Khoa học tự nhiên lại tích hợp kiến thức, kỹ năng theo các mạch nội dung, chủ đề; nội dung được sắp xếp theo logic tuyến tính. Vì vậy, tùy điều kiện thực tế mỗi trường lại có cách dạy khác nhau theo hình thức song song hoặc tuyến tính. Điều này đồng nghĩa với việc một quyển sách có thể 3 giáo viên dạy cùng nhau theo hình thức song song hoặc một giáo viên dạy xuyên suốt chủ đề của mình, khi kết thúc sẽ đến phần của giáo viên khác theo hình thức tuyến tính.

Dạy học tích hợp cần tính toán đến yếu tố thực tiễn. Trong ảnh: Lớp học ở Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập

Chỉ có duy nhất giáo viên dạy Hóa học nên dù cố gắng sắp xếp thời khóa biểu, Trường THCS Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập cũng không thể triển khai dạy theo hình thức tuyến tính với từng chủ đề cho cả 3 khối lớp 6, 7, 8. Vì vậy, trường thống nhất sẽ dạy theo hình thức tuyến tính với khối lớp 6 và hình thức song song với khối lớp 7, 8. “Hiện trường có 1 giáo viên chuyên môn Hóa học, 1 giáo viên chuyên môn Sinh học và 2 giáo viên chuyên môn Vật lý. Trong khi đó, chủ đề của môn Hóa học đều nằm ở học kỳ I của chương trình. Vì vậy, nếu dạy theo hình thức tuyến tính ở cả 3 khối lớp 6, 7, 8 thì giáo viên môn Hóa học phải dạy 48 tiết/tuần và điều này là không thể” - thầy Lê Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Nghĩa cho biết. Tuy nhiên, việc dạy học như vậy cũng đòi hỏi trường phải thường xuyên thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp với tiến độ học tập của phân môn. “Số tiết của các phân môn Hóa học, Sinh học và Vật lý trong môn Khoa học tự nhiên là khác nhau. Do đó, trường phải điều chỉnh thời gian học phù hợp với thực tế giáo viên của trường và tiến độ học tập của học sinh. Điều này kéo theo việc phải thay đổi thời khóa biểu liên tục và khiến giáo viên thiếu đi sự ổn định trong công việc” - thầy Thành cho biết thêm.

Lắng nghe giáo viên để hỗ trợ, điều chỉnh

Trong bối cảnh giáo viên chưa được đào tạo bài bản về dạy môn học tích hợp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu, các trường đang phải “thu vén” theo nhiều cách khác nhau. Thực tế ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh cho thấy, môn học tích hợp đều chưa thể phân bổ 1 giáo viên đảm nhận mà phải sắp xếp, “gồng gánh” 2-3 giáo viên cho môn học này. Thay đổi thời khóa biểu cũng là một vấn đề. Nhưng điều khiến các thầy cô lo lắng hơn là việc dạy học theo hình thức song song hay tuyến tính cũng đều ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, đặc biệt là ở bộ môn Khoa học tự nhiên.

Dạy học tích hợp liệu có đạt mục tiêu khi nguồn lực chưa sẵn sàng? Trong ảnh: Học sinh lớp 8 Trường THCS Phú Nghĩa trong giờ học môn tích hợp Lịch sử và Địa lý

Cô Nguyễn Thị Dương, giáo viên Trường THCS Phú Nghĩa lo lắng: “Nếu dạy song song thì mạch kiến thức không được đảm bảo theo sách giáo khoa, học sinh sẽ khó tiếp thu hơn. Còn dạy tuyến tính, giáo viên dạy phân môn này xong rồi mới tới phân môn kia thì học sinh học phân môn này xong, nghỉ một thời gian dài mới tiếp tục được học lại sẽ quên mất kiến thức”. Cô Dương lấy ví dụ đối với phân môn Hóa học trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên lớp 7, các chủ đề ở phân môn này đều tập trung ở học kỳ I. Sang học kỳ II, học sinh sẽ học phân môn Vật Lý và Sinh học. Như vậy, phải đến khi lên lớp 8, học sinh mới tiếp tục được học phân môn Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên lớp 8 cũng ở học kỳ I. “Cả một học kỳ không được tiếp xúc với kiến thức phân môn thì các em quên đi phần nào cũng là chuyện khó tránh khỏi” - cô Dương cho hay.

Rõ ràng, cách dạy “giật gấu vá vai” như hiện nay không đạt được mục tiêu, ý nghĩa của dạy học tích hợp. Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước sang năm thứ 3, quay về đơn môn hay tiếp tục duy trì, chờ đào tạo đội ngũ đều là việc rất khó khăn.

Chúng tôi rất mong Bộ GD&ĐT có phương án sửa đổi một số nội dung trong sách giáo khoa phù hợp tình hình thực tế, bao gồm cả yếu tố đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Đặc biệt, phải quan tâm tới ý kiến của giáo viên, nhất là giáo viên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô TRẦN PHƯƠNG THỦY, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập


Nội dung dạy học tích hợp hay môn học tích hợp sẽ không thực sự hiệu quả nếu cách dạy của giáo viên không thay đổi và điều kiện học tập không đảm bảo. Thế nên, điều chỉnh cho phù hợp thực tế là điều cần được quan tâm lúc này. Trong cuộc đối thoại với 700.000 giáo viên cả nước vào đầu năm học mới 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, căn cứ tình hình thực tế, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS theo hướng tốt hơn, hiệu quả hơn cho chương trình mới. Đây được xem là hướng gợi mở để Chương trình   giáo dục phổ thông  2018 khắc phục những vướng mắc, bất cập, chia sẻ với khó khăn của các trường khi thực hiện quá trình đổi mới này.

  • Từ khóa
178230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu