Thứ 2, 20/05/2024 00:37:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:15, 25/09/2023 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Thứ 2, 25/09/2023 | 09:15:07 2,178 lượt xem

Thu Thảo

BPO - Năm học 2023-2024, các thầy, cô giáo và học sinh tiếp tục bước vào giai đoạn quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Học sinh lớp 4, 8, 11 sẽ học sách giáo khoa mới. Và năm học sau, việc thay sách giáo khoa sẽ được thực hiện ở các lớp 5, 9 và 12. Tuy nhiên, dường như những khó khăn, thách thức đang ngày một lớn hơn, nhất là đối với nội dung sách giáo khoa và giáo viên dạy môn học tích hợp.

Bài 1
TÍCH HỢP LIỆU ĐÃ… THÍCH HỢP

Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 áp dụng Chương trình GDPT 2018, đồng thời được coi là năm bứt phá của đổi mới giáo dục. Không chỉ bao phủ cả 3 cấp học, đổi mới còn đi vào chiều sâu, ở từng nội dung môn học và hoạt động giáo dục. Ở các môn học tích hợp, nội dung kiến thức bắt đầu đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, điều bất cập, khó khăn là giáo viên được đào tạo 1 môn nên không dễ đứng lớp dạy 3 môn với kiến thức tích hợp chuyên sâu.

Khó khăn khi dạy môn tích hợp

Theo Chương trình GDPT 2018, bậc THCS có 2 bộ môn tích hợp mới là Lịch sử và Địa lý (105 tiết) và Khoa học tự nhiên (140 tiết). Trong đó, môn Khoa học tự nhiên được tích hợp kiến thức từ 3 môn: Vật lý, Sinh học, Hóa học. Theo yêu cầu của chương trình, 1 giáo viên phải phụ trách toàn bộ môn học, vì như vậy mới có thể đi tuần tự các bài học, có lợi cho học sinh tiếp nhận kiến thức. Tuy nhiên, thực tế ở các trường hiện nay vẫn chưa có giáo viên có thể đảm nhận 2 môn học tích hợp này.

Được đào tạo chuyên ngành lịch sử, thầy Trình Hữu Dương, Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập nhận định chưa thể đứng lớp giảng dạy bộ môn tích hợp Lịch sử và Địa lý

Thầy Trình Hữu Dương, giáo viên có thâm niên gần 20 năm dạy môn Lịch sử, Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập nhìn nhận: Được đào tạo chuyên ngành lịch sử, lại nhiều năm chỉ gắn bó với bộ môn này nên đối với môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý, tôi cho rằng bản thân chưa đủ điều kiện để đứng lớp. “Mình học đại học thì chỉ được đào tạo chuyên ngành môn Lịch sử. Trường cũng đang sắp xếp đúng chuyên môn nên mình chỉ dạy phần Lịch sử trong bộ môn này, phần Địa lý thì giao giáo viên chuyên môn Địa lý. Hai giáo viên cùng dạy song song bộ môn tích hợp này” - thầy Dương cho hay.

Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều điểm mới, khác biệt, giúp học sinh dễ tiếp cận hơn với kiến thức và hứng thú hơn trong học tập. Tuy nhiên, việc dạy các môn tích hợp hiện còn nhiều khó khăn khi chương trình đi trước, đào tạo con người đi sau.

Thầy TRÌNH HỮU DƯƠNG,
giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập


Để đứng lớp, giáo viên buộc phải tham gia các chương trình tập huấn hoặc khóa học ngắn hạn nhằm bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, chỉ học trong vài tháng, giáo viên như “bơi” trong bể kiến thức, khó đáp ứng được chương trình. “Hiện nay, chỉ có các khóa đào tạo tín chỉ ngắn hạn. Tôi đang là giáo viên môn Hóa học thì sẽ đi học thêm các tín chỉ về môn Vật lý, Sinh học. Nhưng 1 môn như thế có khoảng 20-30 tín chỉ sẽ không thể đảm bảo được. Tôi học đại học đào tạo 1 môn mất 4 năm ra trường mới đi dạy được, thì các khóa đào tạo ngắn hạn như vậy làm sao đủ kiến thức để có thể truyền đạt lại cho học sinh” - cô Cao Thị Hương, giáo viên Trường THCS Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập băn khoăn.

Lo lắng chất lượng

Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải thực sự có kiến thức chuyên sâu, làm chủ kiến thức mới mong dạy hấp dẫn, sáng tạo, thu hút học sinh. Còn giáo viên tự tập huấn lẫn nhau hoặc chỉ truyền thụ những gì sách giáo khoa viết là chưa thể đáp ứng yêu cầu chương trình. “Nguồn kiến thức bây giờ rất rộng. Học sinh không chỉ học trong sách mà còn có thể tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu giáo viên không nắm vững kiến thức thì không thể giải đáp và dẫn dắt học sinh được” - cô Nguyễn Thị Dương, giáo viên Trường THCS Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa cho hay.

Cô Nguyễn Thị Dương, giáo viên Trường THCS Phú Nghĩa chia sẻ giáo viên hiện gặp nhiều khó khăn khi dạy môn tích hợp

Theo nhận định của giáo viên trực tiếp giảng dạy, bắt đầu thực hiện sách giáo khoa mới, kiến thức môn Khoa học tự nhiên thay đổi hoàn toàn, tích hợp rất nhiều, rất sâu. Mỗi giáo viên phụ trách 1 môn mới đảm bảo kiến thức, còn 1 giáo viên đảm trách 3 môn cần có thêm thời gian để học tập, bồi dưỡng. Chất lượng giáo dục đại trà là một chuyện, giáo viên còn băn khoăn đến chất lượng giáo dục mũi nhọn liệu có thể đảm bảo khi dạy học tích hợp. “Giáo viên dạy tích hợp về phần kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa có thể cố gắng để truyền đạt cho các em. Nhưng còn để bồi dưỡng học sinh giỏi thì tôi nghĩ rất khó” - cô Cao Thị Hương cho biết thêm.

Học tích hợp nếu muốn đạt hiệu quả không chỉ đòi hỏi về phương pháp dạy của giáo viên mà còn yêu cầu về hạ tầng, trang thiết bị dạy học. Trong khi đó, các trường vùng sâu hầu như mới chỉ đáp ứng cơ sở vật chất ở mức cơ bản, không đảm bảo cho học sinh thực nghiệm theo đúng yêu cầu bộ môn.

Môn Khoa học tự nhiên tích hợp kiến thức, kỹ năng theo các mạch nội dung. Mỗi nội dung đều cần cho học sinh thực hành, thực nghiệm nhưng các trường THCS hiện nay chưa có phòng học thí nghiệm dành riêng cho bộ môn này. Chúng tôi chỉ cố gắng dạy thông qua các bài giảng power point có hình ảnh sinh động để học sinh dễ tiếp thu kiến thức hơn.

Cô NGUYỄN THỊ DƯƠNG,
giáo viên Trường THCS Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập


Chương trình GDPT 2018 đặt ra mục tiêu của bộ môn tích hợp là nhằm giáo dục học sinh dần hình thành, phát triển năng lực quan sát và thực nghiệm, vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời, kết hợp các môn học khác để thực hiện giáo dục liên môn với 4 lĩnh vực: Toán, kỹ thuật, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, mục tiêu này liệu có thể đạt được khi những khó khăn, thách thức đang dần bộc lộ?.

  • Từ khóa
178169

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu