Thứ 5, 09/05/2024 03:48:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 10:19, 03/04/2024 GMT+7

Danh dự là của chung

Nam Phương
Thứ 4, 03/04/2024 | 10:19:41 1,434 lượt xem
BPO - “Danh dự của riêng thân. Là của chung đồng chí” là 2 câu thơ trong bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ được ông viết trong những ngày bị giam cầm ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) khi mới tròn tuổi hai mươi.

Hai mươi tuổi, thanh niên hôm nay vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc vẫn đang loay hoay xác định hướng đi của mình. Nhưng với chàng thanh niên Tố Hữu, “hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu” lý tưởng đã định hình: chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuổi hai mươi của ông là những ngày ngoài mặt trận, chịu cảnh tù đày, giáp mặt với cái chết… nhưng vẫn kiên cường với niềm tin mãnh liệt “Rồi chiến thắng sẽ về ta, chiến thắng. Và tương lai, ta sẽ chiếm về ta!”.

Không chỉ riêng Tố Hữu, bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã có thời thanh xuân như thế, cống hiến vì lý tưởng mà không quản hy sinh, chưa từng nghĩ đến sau ngày chiến thắng sẽ được thụ hưởng những bổng lộc gì hay trở thành những người lãnh đạo. Nếu có mơ ước, có chăng chỉ là được trở thành những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - mục tiêu duy nhất và niềm vinh dự lớn nhất. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói thay tâm trạng hạnh phúc, hân hoan của những người được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong bài “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”: “ …Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ. Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ. Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu. Đảng trở thành nơi cắt rốn, chôn rau”.

Các đảng viên trong quân đội mà người viết đã từng tiếp xúc khi làm báo như Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (ở TP. Hồ Chí Minh), cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi (ở phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài)… đều rất tự hào khi trở thành một phần của Đảng. Bác Doanh kể: Ngày xưa kết nạp Đảng rất khó, phải lập được thành tích xuất sắc. Khi đã trở thành đảng viên, ai cũng ý thức để giữ gìn danh dự của cá nhân và cũng là danh dự của Đảng.

Lý tưởng đó, niềm tin đó và sự gìn giữ cho thanh danh của Đảng đó, liệu có còn được xem trọng trong giai đoạn hôm nay? Câu hỏi cứ đau đáu trong tim của những người đảng viên chân chính, những người đã từng một thời xông pha trận mạc, cống hiến tuổi trẻ vì lý tưởng của Đảng như bác Doanh, bác Hợi. May mắn trở về, chứng kiến đất nước đổi mới, cuộc sống nhân dân ngày càng khởi sắc - lý tưởng của Đảng trở thành hiện thực, những đảng viên cựu chiến binh ấy đều cho rằng những cống hiến, hy sinh của họ là xứng đáng. Nhưng khi nhắc đến những cán bộ cấp cao đã gục ngã trong thời bình bởi những “viên đạn bọc đường”, trong đó có không ít tướng lĩnh trong quân đội, giọng các bác bỗng chùng xuống. Chỉ vì, danh dự là của chung…

Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước… là ý đầu tiên mà các đảng viên mới tuyên thệ khi đứng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, trong buổi ban đầu từ quần chúng trở thành đảng viên, thực hiện nhiệm vụ “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Nhưng vẫn có không ít đảng viên vong thề, tự hủy hoại thanh danh của mình, của gia đình, dòng họ và làm mất uy tín của Đảng trước đồng bào, đồng chí.

Đảng không phân biệt tuổi tác, giới tính, quê quán…, chỉ cần đã qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện và cùng chung lý tưởng cách mạng là sẽ được xem xét, kết nạp đứng vào hàng ngũ. Tuy nhiên, Đảng lại yêu cầu mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, càng ở cấp cao càng phải phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn, để Đảng thật sự là tập hợp những con người tinh hoa, chung tay xây dựng cơ đồ, nâng tầm vị thế đất nước. Để thực hiện được những lý tưởng lớn lao ấy, trước hết mỗi đảng viên phải biết “tu thân”, để đủ sức vượt qua cám dỗ.

Cổ nhân có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muôn sự phải bắt đầu từ chính mình. Người chủ gia đình có phẩm chất đạo đức tốt sẽ nhận được sự tôn trọng của các thành viên, mới xây dựng được nền nếp trong gia đình. Gia đình có yên ấm thì mới trở thành hậu phương vững chắc để người trụ cột toàn tâm, toàn ý cho công việc chung (trị quốc) và phấn đấu cho những hoài bão lớn hơn (bình thiên hạ). Cốt lõi của thành công, của sự được tôn trọng vẫn xuất phát từ việc tu thân, giữ vững phẩm chất của chính mỗi cá nhân.

Tu thân có khó không? Khó, vì đó là quá trình mỗi người phải chiến đấu với chính mình trước bao cám dỗ, chỉ nhìn vào danh sách những cán bộ vong thề - những người thua cuộc, cũng đủ thấy cuộc chiến này đầy cam go và khốc liệt. Càng đau hơn nữa khi trong đó có biết bao hạt giống đỏ đã được chăm lo, gieo trồng nhưng không thể vươn mình đứng thẳng, chẳng có cơ hội trở thành những cây rừng khỏe mạnh, xanh tươi.

Khó nhưng không phải không có giải pháp. Và Đảng đang làm như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đảng vẫn đang miệt mài chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ kế cận để tiếp bước sự nghiệp cách mạng vinh quang 94 năm qua. Cùng với đó là thanh lọc, xử lý cán bộ sai phạm làm trong sạch đội ngũ để củng cố niềm tin của nhân dân. Lẽ ra, Đảng không phải làm công việc không mong muốn như vậy nếu mỗi đảng viên đều biết trọng thanh danh của gia đình mình “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” và thanh danh của Đảng.

…Nhiều ngày tuyệt thực trong lao tù, món canh cá nấu với chột nưa thơm lừng quyến rũ biết bao, nhưng chàng thanh niên Tố Hữu đã chiến thắng, giữ vững phẩm chất của một người cách mạng. Đảng sẽ vui biết mấy khi lớp lớp cán bộ, đảng viên hôm nay biết tự xấu hổ khi nghĩ về tuổi hai mươi của nhà thơ Tố Hữu, để không phải “nhúng chàm”.

  • Từ khóa
193319

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu