Thứ 7, 27/04/2024 18:29:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 09:00, 25/03/2024 GMT+7

Khi lợi ích làm lu mờ trách nhiệm

Ðình Tuyến - Trịnh Yến - Thành Linh
Thứ 2, 25/03/2024 | 09:00:00 1,189 lượt xem
BPO - Thời gian này có lẽ là khoảng thời gian tủi hổ nhất của một số bị cáo nguyên là cán bộ, thành viên Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Giờ đây những con người ấy đang suy ngẫm, giày vò, đớn đau trước vành móng ngựa vì những hành vi tội lỗi của mình. Họ sẽ phải trả giá bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật.

Thanh tra không phải là hợp thức hóa

Cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố cho thấy, những sai phạm trong việc “rút ruột” ngân hàng - rút ruột công quỹ, tài sản nhân dân để chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan được tổ chức kín kẽ và lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian dài. Trương Mỹ Lan và đồng bọn đã dễ dàng “móc ngoặc, làm xiếc, diễn trò” để qua mặt cơ quan chức năng mà bản chất thực sự là tiếp tay, dung túng, bao che, kiếm tìm lợi ích cá nhân của “nhóm cán bộ” với thành phần là những cốt cán của đoàn thanh tra tại SCB.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, thành phần đoàn thanh tra ấy là những ai? Vị trí của họ là gì? Đoàn thanh tra ấy có tài ảo thuật gì để có thể dối lừa cấp trên và nhân dân như vậy?... Trả lời từng câu hỏi này, nhìn vào cáo trạng truy tố chúng ta thấy đoàn liên ngành có 18 thành viên. Trong đó, trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước); bà Nguyễn Thị Phụng, Phó Trưởng đoàn thanh tra… và nhiều cái tên cùng các chức sắc đủ vai khác. Điều đáng nói ở đây là 100% thành viên của đoàn thanh tra đều nhận hối lộ. Trong đó số tiền nhiều nhất trưởng đoàn bỏ túi mà cáo trạng truy tố là 5,2 triệu USD, những người còn lại nhận “quà quê, tình cảm, anh em” tổng số tiền gần 500.000 USD và 700 triệu đồng. Người ít nhất cũng nhận túi xách, đồng hồ, khăn cùng vài chục ngàn USD hoặc hàng trăm triệu đồng từ nhóm lãnh đạo SCB. Kết quả thật đau lòng khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 11 người, còn 7 người được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu sự kiểm điểm và xử lý hành chính khác của các cơ quan liên quan.

Bị cáo Ðỗ Thị Nhàn cúi đầu trong phiên xét xử

Đáng lẽ, với chức trách và cương vị của mình, những cán bộ của đoàn thanh tra này phải thực sự công tâm, liêm chính, khách quan và gương mẫu đi đầu trong công việc để có thể phát hiện ra những khuất tất, sai phạm đằng sau “gã khổng lồ” Vạn Thịnh Phát hay SCB kia thì chính họ lại vì lợi ích vật chất, cùng chủ nghĩa cá nhân vị kỷ của mình đã móc ngoặc để bỏ qua những sai phạm, “làm sạch cho sai phạm” nơi họ thanh tra. Và cũng thật nực cười hơn khi những công bộc được Đảng giao trọng trách, nhân dân tin tưởng ủy thác niềm tin này chỉ vì lợi ích, vật chất đã “tự nguyện” cho kẻ xấu “bịt mắt mình”, đi hợp thức hóa sai phạm cho những điều chưa đúng, tô vẽ cho cái sai mà xã hội đang lên án. Đau đớn thay, vì lợi ích cá nhân của mình họ đã sẵn sàng thỏa hiệp với chính đồng chí trong đoàn, để sau đó thỏa hiệp với đối tượng đang được thanh tra rồi cùng nhau đưa ra những kết luận gian dối, làm sạch số liệu, “làm hồng” sổ sách… hòng qua mặt cấp trên, dối Đảng, lừa dân (nhân dân) - những người đã đóng góp tiền thuế của mình trao cho họ quyền năng làm “bạn, tai mắt” của nhân dân. Ấy vậy mà kết quả những “tai mắt” mang lại chỉ là những “tai hại” khiến cho sai phạm bị bỏ qua, tô vẽ cho đẹp để rồi hậu quả tiếp theo là thất thoát không những không bị ngăn chặn mà còn tăng lên trong tương lai, đúng như những gì cáo trạng của viện kiểm sát đã truy tố các bị can trong vụ án.

Càng đau đớn và xót xa khi những con người tưởng chừng phải gương mẫu đi đầu trong việc chống lại cái xấu, tiêu cực trong xã hội lại không vượt qua được những cám dỗ của cuộc sống. Những người kiên quyết đấu tranh bài trừ mọi thói hư, tật xấu, chống tệ quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, xa rời quần chúng lại là những người bị truy tố về tội “tham nhũng”. Càng đau đớn hơn khi chính những cán bộ ấy mà lúc sự việc chưa bại lộ vẫn một mực leo lẻo với những mỹ từ mà họ thường tung hô trong những bản kiểm điểm ở một nơi nào đó như: trung với Đảng, phụng sự nhân dân… Thế mới thấy, giữa lời nói và hành động của một bộ phận cựu cán bộ, đảng viên này là hoàn toàn trái ngược nhau. Họ đã đi ngược lại với “lời thề đảng viên” ngày nào, đi ngược lại sứ mệnh thiêng liêng của người cán bộ thanh tra mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng giáo dục và rèn luyện: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Cán bộ thanh tra đáng lẽ phải là “tai mắt” của cấp trên, của Nhà nước, nhân dân, là bạn của cấp dưới, nhưng họ lại làm ngược với những điều tưởng chừng là chân lý ấy.

Tương lai và cái kết?

Vi phạm và phản bội lại “lời thề đảng viên” chính là đi ngược lại và đứng trên cả lợi ích của dân tộc Việt Nam. Những việc làm xấu, sai và vi phạm pháp luật như những cái kim trong bọc sẽ hiện ra dưới ánh sáng của công lý với một triết lý vô cùng giản đơn “lưới trời tuy thưa nhưng rất khó lọt”. Những việc làm như vậy luôn bị trả giá bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật, sự lên án của nhân dân, là nỗi tủi hổ của bản thân, gia đình và bè bạn. Nguyên nhân của những mất mát, đớn đau này chính là sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đoàn thanh tra mà trong đó chính là sự tha hóa của phẩm chất đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII đã chỉ rõ: “Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân1.

Trong những ngày này tại TP. Hồ Chí Minh khi phiên tòa đang diễn ra để xét xử đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, những góc tối của các “liên minh ma quái” đang dần lộ diện dưới ánh sáng của công lý; các bị can, bị cáo mỗi người có những “vai diễn” khác nhau của vụ án sẽ được pháp luật phân xử nghiêm minh. Trong đó, với tư cách trưởng đoàn thanh tra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về hành vi nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD2.

Với hình ảnh của bị cáo từng một thời là cục trưởng, trưởng đoàn uy nghi lẫm liệt là vậy thì giờ đây luôn cúi đầu trước ống kính của phóng viên, cũng như khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa gọi tên, nó khác hoàn toàn với những hình ảnh trước đó của bị can Nhàn bởi danh dự, phẩm giá của người cán bộ, đảng viên đã bị chính bị cáo nhẫn tâm vứt bỏ. Hình ảnh các bị cáo tại phiên tòa cho thấy hậu quả của sự đi ngược lại lợi ích của Đảng, nhân dân sẽ có những kết cục vô cùng đớn đau. Chính bị cáo Nhàn khi trả lời câu hỏi của thẩm phán chủ tọa ngày 14-3 đã thốt lên thật đau đớn và bẽ bàng: “Nhắc đến việc này, tôi rất xấu hổ, một phút nông nổi dẫn đến không thể chấp nhận. Sau 4 lần nhận từ Văn, tôi nhận ra mình có tội, tôi gọi thì Văn không đến nhận lại” và bà Nhàn cũng trình bày rằng bà đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền. “Với tư cách trưởng đoàn thì bị cáo rất ăn năn vì những hành vi của mình. Nếu như theo cáo trạng thì hành vi của bị cáo với hành vi của anh Hưng là như nhau, với các thành viên khác cũng như nhau nhưng một mình bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ…”3.

Rồi đây, khi phiên tòa khép lại với những bản án nghiêm minh của pháp luật mà các bị cáo phải trả giá cho những vi phạm của mình, trong đó có các bị cáo nguyên là những công bộc của nhân dân - đoàn thanh tra, cho thấy cuộc chiến trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta diễn ra vô cùng quyết liệt. Những sân sau, cánh hẩu… móc ngoặc với nhau sẽ không có chỗ để tồn tại trên mảnh đất Việt Nam, bởi chúng ta luôn kiên quyết, đồng lòng đứng dưới lá cờ của Đảng trong cuộc chiến chống lại những “thói hư, tật xấu” với tinh thần mà Đảng ta đã quán triệt: “xử lý vi phạm ta cũng rất nhân văn, xử lý một vài người để cứu muôn người, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta”4, hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: “Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Câu nói này rất hay, mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với những con người trong đại án này. Tôi tin rằng những con người như cựu cán bộ của đoàn thanh tra giờ đang nghĩ suy và thấm thía hơn bao giờ hết về những gì bản thân đã bội ước với Đảng, với nhân dân để giờ đây “tiền - thanh (thanh danh, danh dự) và tù” là những nhân quả thật nhãn tiền!

1. Xem nội dung: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Dẫn theo: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/dai-an-van-thinh-phat-truy-to-truong-my-lan-va-85-bi-can.

3. https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-ba-do-thi-nhan-thac-mac-viec-moi-minh-bi-truy-to-toi-nhan-hoi-lo. 

4. https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.

  • Từ khóa
192640

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu