Thứ 4, 08/05/2024 20:45:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 08:28, 05/03/2024 GMT+7

Kén chọn vị trí công tác

Trần Tú
Thứ 3, 05/03/2024 | 08:28:00 2,311 lượt xem
BPO - “Phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng” là một trong những lời tuyên thệ đầu tiên của đảng viên khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những đảng viên cố gắng phấn đấu, rèn luyện, chấp hành nghiêm lời thề thì cũng phát sinh trường hợp kén chọn vị trí, chưa thực sự hết lòng, tận tụy vì công việc…

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 là: “Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau”. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, những năm qua, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở. Là một đơn vị cấp huyện, cơ quan tôi cũng là điểm đến của nhiều cán bộ cấp tỉnh, thậm chí là cán bộ cấp Trung ương về thực tế. Thông thường, thời gian thực tế có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm. Về cơ bản, các cán bộ trẻ khi về cơ sở đều yên tâm công tác, nỗ lực phấn đấu, thậm chí sau khi hết thời gian thực tế, có cán bộ đã xung phong ở lại địa phương tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, cũng có một số cán bộ trẻ khi đến địa phương công tác thì tinh thần uể oải, làm việc cầm chừng, chỉ mong nhanh hết thời gian thực tế để về lại cơ quan cũ vì nếu không sẽ bị “mất chỗ”. Đã có cán bộ tâm sự với tôi: “Thú thực em không muốn về địa phương công tác, em về đây chỉ để “tráng men” phục vụ việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ sau này”. Cá biệt, có cán bộ về cơ sở nhưng bị gượng ép, không thích vì đăng ký về chỗ này nhưng lại bị bố trí về chỗ kia, không như mong muốn cá nhân. Với tâm lý “tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng”, họ làm việc hời hợt, cốt cho xong và không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Rõ ràng, việc kén chọn vị trí công tác đang là tâm lý chung của không ít cán bộ, đảng viên. Biểu hiện thứ 8 trong số 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Đảng ta nhận diện đó là: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”.

Việc một cán bộ mong muốn có vị trí công việc tốt hoặc được công tác, làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh hay cấp Trung ương thay vì công tác tại cơ sở không phải lúc nào cũng là xấu. Mỗi người có một năng lực, sở trường, tính cách khác nhau nên vị trí công tác mong muốn cũng khác nhau. Với những cán bộ giỏi về lý luận, có khả năng xây dựng các đề án, chương trình lớn, mang tầm chiến lược thì việc công tác tại các cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp trên là hoàn toàn phù hợp. Với những cán bộ giỏi giao tiếp, có khả năng vận động quần chúng nhân dân, yêu thích công việc hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với người dân để giải quyết công việc thì môi trường làm việc tại cơ sở là thích hợp. Điều quan trọng ở đây là cách thức, con đường họ nỗ lực, cố gắng để đạt được mục tiêu, lý tưởng như thế nào. Trong chính cơ quan tôi, có một cậu đồng nghiệp tốt nghiệp loại giỏi từ một trường đại học danh tiếng thuộc nhóm đầu cả nước. Đồng chí này không ít lần thẳng thắn chia sẻ rằng bản thân mong muốn được công tác ở cơ quan cấp Trung ương nhưng do chưa có cơ hội nên quyết định về địa phương làm việc. Dù môi trường công tác chưa đúng như ý nguyện nhưng cậu đồng nghiệp này vẫn nỗ lực, cố gắng và hoàn thành tốt, thậm chí xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, khi các cơ quan Trung ương thông báo thi tuyển công chức, cậu bạn này cũng không ngần ngại xin cơ quan cho đi thi (dù đã là công chức nhưng vẫn quyết tâm “làm lại từ đầu”). Cuối cùng, với tinh thần cố gắng, bạn này cũng đã trúng tuyển vào làm việc tại một cơ quan của Trung ương. Trái lại, có một số cán bộ khi vị trí việc làm không đạt được như mong muốn lại sinh ra bất mãn. Thay vì học tập nâng cao trình độ để đủ điều kiện đến công tác tại vị trí yêu thích thì họ lại quậy phá, làm việc lơ là, qua loa, đại khái, mang tính chất chống đối. Một số khác lại có tư tưởng “chạy chọt”, nhờ người này, người kia để xin chuyển chỗ làm đến những vị trí “ngon”, “có bổng lộc”. Chính những người như vậy đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho tiêu cực, tham nhũng nảy sinh, lây lan.

Kén chọn vị trí việc làm thường gắn với những cán bộ vô kỷ luật, ngại khó, ngại khổ, chỉ biết đến lợi ích của cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích chung. Họ chọn việc dễ, bỏ việc khó, không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Không phải khi nào chúng ta cũng được công tác trong một môi trường, vị trí như mong muốn. Tuy nhiên, là người cán bộ, đảng viên thì chúng ta phải chấp nhận sự phân công, khép lại những suy nghĩ riêng tư, ích kỷ để phấn đấu vì công việc chung của tập thể. 

Trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đảng viên chân chính nghĩa là phải biết vượt lên mọi khó khăn, thách thức, chấp hành nghiêm sự phân công, điều động của tổ chức. Và cũng phải khẳng định thêm, môi trường gian khó, vất vả cũng chính là nơi trau dồi, rèn luyện bản lĩnh người đảng viên hiệu quả nhất. Nếu chúng ta có năng lực, có ý chí thì có thể tỏa sáng, cống hiến ở bất kỳ vị trí nào.

  • Từ khóa
190846

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu