Thứ 5, 09/05/2024 09:14:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 09:22, 20/02/2024 GMT+7

Họ đã hứa, và họ đã quên!

Thiên An
Thứ 3, 20/02/2024 | 09:22:17 2,167 lượt xem
BPO - Cùng cả nước, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang trong tỉnh vừa trải qua một kỳ nghỉ tết Nguyên đán an vui, hạnh phúc với rất nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, mừng xuân đất nước trên hành trình đổi mới. Và trong chuỗi hoạt động ấy, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức gặp mặt đảng viên cao tuổi Đảng, cán bộ lão thành qua các thời kỳ để tri ân và để lắng nghe những đóng góp tâm huyết, nhằm phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh.

Trong không khí ấm cúng những ngày đầu năm mới, nhiều câu chuyện cảm động - đồng thời là kinh nghiệm quý của những người đi trước đã được chia sẻ một cách rất tự nhiên để thế hệ lãnh đạo, quản lý hôm nay phát huy những cái hay cái tốt, tránh được cái không hay, bất cập. Bên cạnh những nội dung liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương, chủ đề được nhiều người quan tâm là tình trạng cán bộ, đảng viên có chức vụ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải vào tù; nhiều người bị khai trừ khỏi Đảng. Những cái chép miệng tiếc nuối khi nhắc đến những tên tuổi từng một thời ôm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hay có những đóng góp tích cực cho đất nước, giờ trở thành phạm nhân hoặc bị bắt tạm giam vào thời điểm tết đến, xuân về. Nhắc tới vụ án chuyến bay giải cứu, có người chua xót: Ở những vị trí công tác ấy, những con người đứng trước vành móng ngựa kia nào có khó khăn gì. Vậy mà trước nỗi đau cắt chia vì đại dịch, trước sự sinh - tử của đồng loại, họ đã nhẫn tâm đến không thể hiểu nổi, khi vét cả những đồng tiền cuối cùng của những người lao động nghèo. Dường như họ đã quên mất mình là cán bộ, đảng viên, quên mất mình cùng một bọc sinh thành với những nạn nhân ấy!

Những cán bộ, đảng viên ấy, họ đã hứa những gì khi được kết nạp Đảng? Họ đã hứa những gì khi được thăng chức hay nhận nhiệm vụ mới? Họ đã hứa những gì khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp? Những lời hứa “vàng ngọc” ấy, hẳn nhiều người là cấp trên hay cấp dưới của họ, nhất là những cử tri đã trao niềm tin, hy vọng cho họ vẫn nhớ. Nhưng người hứa thì đã quên! Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện một vị cán bộ tuyên giáo đã kể vài năm trước trong một chuyến công tác vùng biên.

Chuyện xảy ra ở thị trấn biên giới. Vào dịp tết thiếu nhi 1-6, một vị cán bộ huyện khi đến nói chuyện và tặng quà thiếu nhi đã hứa sẽ tham mưu để xây dựng một nhà văn hóa khang trang làm nơi vui chơi không chỉ cho trẻ em thị trấn mà cho tất cả trẻ em trong huyện. Hôm đó, lãnh đạo thị trấn dự đông đủ và rất vui. Để đáp lại sự quan tâm của vị đại diện lãnh đạo huyện, một cô bé cấp 2 trong đội nghi thức có nhiều thành tích đã vinh dự được thay mặt các bạn lên bục cảm ơn vị cán bộ huyện và hứa sẽ cùng các bạn học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc của các cô, chú lãnh đạo huyện. Kết thúc buổi nói chuyện, mọi người vui vẻ ra về và quên luôn lời hứa của vị cán bộ nọ.

Nhưng có một người không quên. Đó là cô bé đã đứng trên bục danh dự để cảm ơn vị cán bộ huyện năm ấy. Mười năm sau, cô bé cũng trở thành cán bộ huyện. Và cũng trong ngày tết thiếu nhi, chính vị cán bộ của mười năm trước (đương nhiên lúc này đã giữ vị trí cao hơn nhiều) lại hùng hồn hứa… sẽ xây dựng một nhà văn hóa khang trang cho thiếu nhi trong huyện. Cô bé cấp 2 năm xưa xin phép chủ tọa bước lên bục vừa cười vừa nói:

- Thưa bác! Lời hứa này cháu được nghe từ khi còn đánh trống ếch. Giờ cháu đã lập gia đình và có một bé gái. Hy vọng con gái của cháu sẽ được sinh hoạt trong ngôi nhà văn hóa khang trang mà bác đã hứa đầu tư xây dựng mười năm trước ạ!

Kể tới đây, không chỉ tác giả câu chuyện mà tất cả mọi người trên xe cùng cười. Cũng có thể câu chuyện nêu trên chỉ là vị cán bộ tuyên giáo bịa ra để giáo dục mọi người về việc hứa và giữ lời hứa với dân. Nhưng rõ ràng trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường được nghe rất nhiều lời hứa “trên mây”. Khi tiếp xúc cử tri, khi trả lời chất vấn, khi đi thăm và làm việc một nơi nào đó... những người đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức thường hứa hẹn những điều tốt đẹp. Những người dân chân chất, những cử tri thật thà thì chỉ mong được tiếp xúc với những người có chức vụ cao không phải để “bắt quàng làm họ” mà để mong họ xem xét, giải quyết những vấn đề của cộng đồng, của gia đình hay của chính bản thân. Bởi thế mà có nơi, cuộc tiếp xúc cử tri kéo dài cả ngày. Có những buổi tiếp xúc, cử tri đến đông chật cả hội trường, thiếu chỗ ngồi. Nhưng cử tri không câu nệ việc có chỗ ngồi hay không. Họ đến, mang theo niềm tin và hy vọng vào người mà họ đã bầu làm đại diện cho mình; người được nhân danh các cơ quan, tổ chức công quyền để giải quyết tất cả mọi khó khăn, vướng mắc của dân. Vì thế, họ rất nhớ những gì người đại biểu, người đại diện các cơ quan, tổ chức đã hứa.

Nhớ hồi cha tôi còn sống, mỗi kỳ họp Quốc hội, ông thường theo dõi hầu hết các buổi trả lời chất vấn. Khi nghe các vị đại biểu hùng hồn trả lời những vấn đề bức xúc của cử tri, như việc xử lý các sai phạm, việc tuyển dụng cán bộ, việc đền bù giải tỏa… sẽ được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, ông thường nói:

- Đại biểu Quốc hội, cán bộ Trung ương là phải thế!

Nhưng rồi khi nhận ra, dường như nhiều vị đại diện các bộ, ngành chỉ trả lời cho yên dư luận, hứa xong rồi để đó, ông ít xem dần. Và thực tế cũng chưa có ai bị xử lý vì đã không thực hiện được lời hứa!

Có thể nói, việc giữ lời hứa là một trong những việc làm khó nhất của con người. Với cán bộ, đảng viên, việc giữ lời hứa càng quan trọng. Bởi những bội thề, thất hứa của một số cán bộ, đã và đang khiến người dân không còn tin vào chính quyền nữa. Và đây chính là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Bởi thế, trong bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, cần có cơ chế kiểm tra, đối chứng lời hứa với kết quả công việc. Qua đó, sắp xếp vị trí công tác cho phù hợp với năng lực và uy tín của cán bộ.

  • Từ khóa
189626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu