Thứ 5, 09/05/2024 02:27:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 14:52, 29/01/2024 GMT+7

Chuyện em tôi vào Đảng

Thiên An
Thứ 2, 29/01/2024 | 14:52:00 2,270 lượt xem
BPO - Em họ tôi cùng lứa 7X, tôi sinh đầu năm, nó sinh cuối năm nên vẫn học chung lớp. Cả 3 cấp học, thành tích của em luôn đứng nhất trường nên được thầy cô, bạn bè yêu mến. Thầy mẹ tôi luôn lấy nó làm gương cho chị em tôi. Còn tôi thì “trả treo” rằng tại cái gen thông minh của bố nó!

Chú họ tôi - tức bố của em là người đa tài, đàn hát rất hay, lại giỏi cả Toán, Văn và có tài ăn nói, là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Khi tuyến lửa miền Nam nóng lên với những trận đánh quyết tử, miền Bắc sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho miền Nam thân yêu. Và chú tôi ra trận trong đợt bổ sung quân tháng 9-1971. Cuối năm 1972, chú cùng tổ công tác 3 người hy sinh bên bờ sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), đồng đội không tìm được xác nên sau khi xã tổ chức lễ truy điệu cho chú, gia đình vẫn lập phần mộ và để xương dâu, đầu gáo, coi như chú vẫn nằm dưới mộ. Mãn tang chồng, thím tôi đi bước nữa với một thương binh đã bỏ lại con mắt bên trái và một nửa cánh tay nơi chiến trường. Em tôi sống trong sự yêu thương hết lòng của mẹ và người cha dượng thương binh, cũng là đồng đội của chú tôi. Kể hơi dài dòng như thế để thấy rằng em được sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Em lại thông minh, có tài, tốt nghiệp đại học y dược loại ưu. Vậy mà em lại thẳng thừng từ chối cơ hội làm giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, bởi ở khoa mà trường dự định đưa em về, có một ông thầy cậy thế “người nhà” bộ trưởng, luôn gây bè kéo cánh làm mất đoàn kết nội bộ. Ông thầy này còn lôi kéo một số sinh viên tham gia kiện tụng nên em không muốn “dính” vào.

Về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, em được bệnh nhân tin tưởng, đồng nghiệp yêu mến, lại là con liệt sĩ nên Ban Giám đốc bệnh viện dự định đưa em lên vị trí phó khoa. Nhưng thật oái oăm, vị trưởng khoa với tấm bằng chuyên tu, sợ không quản lý nổi một người giỏi hơn mình nên tìm cách gây khó dễ khi Đảng bộ bệnh viện đưa em vào danh sách quy hoạch. Sau hai lần lỡ thời gian học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng do trưởng khoa phân công nhiệm vụ khác, không đạt “chuẩn” về trình độ lý luận chính trị nên em phải ra khỏi danh sách quy hoạch. Em chán nản rồi từ bỏ ý định vào Đảng. Khi vị trưởng khoa bị kỷ luật, chuyển đi nơi khác, cấp ủy tiếp tục đưa em vào danh sách học đối tượng Đảng, nhưng em viện đủ lý do để từ chối. Nào bận việc chuyên môn, việc gia đình; nào sức khỏe không tốt; nào tự thấy mình chưa xứng đáng, chưa sẵn sàng… Ở bệnh viện, em là một bác sĩ có chuyên môn cao, lại ân cần với người bệnh nên luôn được bệnh nhân “đăng ký” khi phải làm phẫu thuật. Về nhà, em có phòng mạch riêng. Và em bằng lòng với cuộc sống ấy.

Cho đến một ngày sau tết Nguyên đán năm 2015, thông qua một vài đồng đội của chú tôi ở Bình Phước và Bình Dương, một số đồng đội trong Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị đang sống tại TP. Hồ Chí Minh đã tìm đến nhà em. Một người vừa trông thấy em đã sững sờ. Ông ôm chặt em tôi và khóc:

- Thằng Văn (Văn là tên chú tôi). Đúng là bản sao của thằng Văn rồi!

Thắp hương cho chú xong, ai nấy ngồi quây quần thăm hỏi cuộc sống của mẹ con em. Một người nhìn cây ghi ta treo trên tường và nói:

- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Hồi còn huấn luyện, bố của con đàn, hát rất hay, là cây văn nghệ của đại đội đấy!

Sự khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, em đã học trong sách giáo khoa, qua báo chí, phim ảnh và những câu chuyện kể, nhưng qua lời kể của những đồng đội cùng chiến hào với cha mình, em thấy nó sống động đến thế. Trong câu chuyện, họ nhắc tên thằng Hoan, lính thông tin của đại đội đã dùng răng cắn dây cáp truyền tín hiệu để giữ liên lạc cho tiền tuyến; thằng Dũng ở Hà Tây, đồng đội phải chôn tới 3 lần vì vừa vùi xuống thì đạn pháo lại cày lên... Rồi họ nhắc tới con số hơn 4.000 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại Thành Cổ trong 81 ngày đêm oanh liệt, góp phần quan trọng đánh bại những cố gắng cao nhất của Mỹ - ngụy và tác động trực tiếp đến sự thành công của đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris lịch sử năm 1973. Và em nhận ra rằng, những người đồng đội của cha mình chính là biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi câu chuyện chuyển hướng, ai nấy vô cùng ngạc nhiên khi biết em - một người con của liệt sĩ với tấm bằng tốt nghiệp đại học y dược loại ưu từ những năm đầu thập niên chín mươi, giờ vẫn chỉ là một bác sĩ bình thường. Họ càng ngạc nhiên hơn khi biết em đã từ chối biết bao cơ hội để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một người có cái sẹo kéo nhằng một bên khóe miệng nghiêm nghị nói với em:

- Cháu có biết bố của mình và đồng đội đã chiến đấu, anh dũng hy sinh thế nào mà cháu lại trở thành người như thế!?

Không biết câu chuyện của những người đồng đội cũ của chú tôi đã tác động thế nào đến tâm tư, tình cảm mà em nó hoàn toàn thay đổi. Từ sau buổi gặp mặt ấy, em không còn bình luận những lời bình bất mãn về các vụ bắt giữ cán bộ tham nhũng, lũng đoạn tổ chức trên mạng nữa. Em lao vào công việc của bệnh viện nhiều hơn. Ngoài công tác chuyên môn, em còn tham gia nghiên cứu khoa học và những đợt khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ở tuổi 45, em hãnh diện đứng trước cờ Đảng để tuyên thệ “Tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam...”. Là thành viên câu lạc bộ trí thức, câu lạc bộ thầy thuốc trẻ, em thường chia sẻ câu chuyện vào Đảng của mình trong những đợt giao lưu với học sinh, sinh viên và mong các bạn coi đó như bài học kinh nghiệm cho mình.

Chuyện vào Đảng của em tôi cũng là chuyện của không ít người ở độ tuổi không phải chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng lại rất dễ “tổn thương”. Không phủ nhận một bộ phận không nhỏ phấn đấu vào Ðảng vì động cơ được đề bạt vào một chức vụ lãnh đạo nào đó. Ở một số cơ sở đảng, việc xem xét, kết nạp Đảng giống như sự “ban ơn” hoặc chỉ quan tâm bồi dưỡng kết nạp những người cùng ê-kíp. Lại có những đảng viên không giữ được phẩm chất, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vụ lợi... Nhưng đó chỉ là những cá thể và không thể lấy hiện tượng đó để quy thành bản chất của Đảng. Có biết bao gương sáng đảng viên đủ mọi thế hệ, mọi lĩnh vực vẫn ngày đêm cống hiến sức mình cho sự lớn mạnh của Đảng, sự hưng thịnh của quê hương, đất nước, cũng là cho sự trưởng thành của bản thân mình.

  • Từ khóa
188284

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu