Thứ 5, 09/05/2024 05:08:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giữ trọn lời thề Đảng viên 08:50, 13/01/2024 GMT+7

Từ Lễ hội Minh thề, nghĩ về lời tuyên thệ

Ðỗ Phú Thọ
Thứ 7, 13/01/2024 | 08:50:00 2,100 lượt xem
BPO - Lễ hội Minh thề ở xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng có nguồn gốc cách đây gần 500 năm. Những lời thề có ý nghĩa sâu sắc từ lễ hội này vẫn phát huy tác dụng trong cuộc sống hôm nay.

Lễ hội Minh thề được coi là nghi thức “độc nhất vô nhị” về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng). Lễ hội có nguồn gốc từ giữa thế kỷ XVI, vào thời nhà Mạc. Thời đó, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (Hòa Liễu ngày nay) bỏ tiền của, đứng ra vận động nhân dân tu tạo lại chùa Hòa Liễu, rồi cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh thề (năm 1561). Trong đó quy định những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả thành phần từ hương chức đến dân thôn.

Tại lễ hội, nhân dân và du khách được chứng kiến nhiều hoạt động tế lễ, nổi bật là chủ tế dùng dao vẽ một vòng tròn lớn giữa Đài thề. Đại diện tư văn đọc hịch văn Minh thề, trong đó nêu rõ: “Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề…”. Sau đó, chủ tế dùng dao cắt tiết gà vào bình rượu, mời mọi người cùng uống rượu thề.

Hịch văn Minh thề là gắn liền những quy phạm đời thường với các yếu tố tâm linh. Do đó, lễ hội mang giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Đồng thời mang đậm tính thời sự, răn dạy về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí cho các thế hệ.

Gần 5 thế kỷ trôi qua, các quy phạm trong Hịch văn Minh thề vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, việc “...lấy của công làm của tư” đã có các quy định khá chặt chẽ để xử lý từ luật cho tới các nghị định, thông tư, các quy chế, giao ước thi đua... Thế nhưng, trên thực tế, điều này vẫn diễn ra. Từ đó, đòi hỏi phải thay đổi cách ứng xử, xử lý về những sai phạm này, trong đó cần phải coi trọng hơn việc tổ chức tuyên thệ khi kết nạp Đảng, khi được bổ nhiệm chức vụ mới và cơ chế giám sát việc thực hiện những lời tuyên thệ này. 

Với tuyệt đại đa số đảng viên, ngày được kết nạp Đảng là một ngày đặc biệt ý nghĩa. Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự chứng kiến của các đảng viên trong chi bộ, đảng viên mới đã xin thề: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”. Lời thề thiêng liêng ấy là động lực để đảng viên trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân và cho lý tưởng cộng sản cao đẹp.

Với nhiều cán bộ, đảng viên, trong lễ nhậm chức cũng gắn liền với những lời phát biểu, thực chất đó là lời tuyên thệ, lời hứa trước tổ chức đảng và quần chúng về ý thức trách nhiệm thực hiện trọng trách được giao. 

Tiếc rằng bên cạnh hầu hết cán bộ, đảng viên luôn khắc ghi, kiên định thực hiện lời tuyên thệ, lời hứa trước Đảng, trước tổ chức, trước quần chúng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng những bất cập trong cơ chế, chính sách để tư lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích. Hậu quả là vướng vào lao lý, nhiều cán bộ tự đánh mất danh dự đảng viên; ảnh hưởng đến uy tín, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong số này có cả đảng viên giữ những chức vụ quan trọng các cấp. 

Nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng này là một bộ phận cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng đạo đức, rời xa lý tưởng của Đảng, không thấm thía những lời thề thiêng liêng từ ngày đầu là đảng viên, từ ngày mới nhậm chức. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng: “Đừng quên rằng, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên”. 

Để xứng đáng với lời tuyên thệ trước Đảng, trước tổ chức và quần chúng nhân dân, bên cạnh việc mỗi cán bộ, đảng viên cần tự rà soát, soi rọi, nhìn nhận, đánh giá lại quá trình học tập, công tác và cống hiến của bản thân, cấp ủy đảng các cấp cần coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện lời thề trước Đảng, lời tuyên thệ trước tổ chức; xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mặt khác, cần phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của nhân dân. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên phải thực sự sợ những điều mà trong quy định của Đảng và pháp luật không cho phép làm tương tự như Hịch văn Minh thề trong Lễ hội Minh thề:  “Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử”. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch và vững mạnh tổ chức đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

  • Từ khóa
186806

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu