Thứ 7, 27/04/2024 13:29:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 10:20, 03/10/2022 GMT+7

Tự hào là nông dân

Thanh Nga
Thứ 2, 03/10/2022 | 10:20:16 1,189 lượt xem
BPO - Một mô hình kinh tế ổn định, không chỉ làm thay đổi cuộc sống của cá nhân gia đình mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bởi tính lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm hay để cùng nhau vươn lên, làm giàu chính đáng. Trong hơn 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022 vừa được vinh danh, tỉnh Bình Phước tự hào được xướng tên 4 nông dân tiêu biểu; đặc biệt hơn có 1 người là nữ giới.

“CÓ SỨC NGƯỜI SỎI ĐÁ CŨNG THÀNH CƠM”

Năm 1985, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1954) rời quê hương, đến lập nghiệp tại ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản. Trong ký ức của bà, nơi đây khi đó chỉ toàn là rừng, sốt rét và cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Mặc dù vậy, bà xác định phải bám đất, trước là có chỗ để an cư, sau là tìm ra mô hình kinh tế thay đổi cuộc sống gia đình. Đến nay, gia đình bà Phượng đã ổn định với hơn 11 ha đất trồng cao su, điều và nuôi heo, gà. Hạnh phúc khi thu được “trái ngọt”, bà Phượng phấn khởi: Người xưa từng nói “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vì thế khi đến đây, tôi và các thành viên trong gia đình quyết tâm bám đất, bám vườn, xác định lấy cao su, điều là cây trồng chủ lực. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả, đến nay đất đã cho “trái ngọt”.

Trở về sau hội nghị tuyên dương là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương, bà Nguyễn Thị Phượng vô cùng tự hào. Đó cũng là động lực để bà thêm yêu và gắn bó với ngành nông nghiệp

Cây điều, cao su cho thu nhập tương đối ổn định, nhưng kiến thức tiếp nhận từ các hội thảo, tập huấn… không cho bà dừng lại, mà phải tìm cách để tăng nguồn thu. Vì thế, từ năm 1997, bà Phượng nuôi thêm gà, heo để tăng thu nhập. Cách làm này vẫn được gia đình bà duy trì ổn định đến nay. Từ các mô hình kinh tế đang thực hiện, thu nhập bình quân của gia đình bà Phượng đạt hơn 1,1 tỷ đồng/năm.

Tôi học ít, kiến thức không nhiều nên mỗi khi xã tổ chức hội thảo, tập huấn, tôi đều dành thời gian tham gia và áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Khi áp dụng, phân bón, thuốc phù hợp với đất đai, cây trồng, vật nuôi nên đều phát triển ổn định.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022


Điều mà người khác ngưỡng mộ người nông dân này chính là sự lao động miệt mài, không ngại khó, ngại khổ. Trên diện tích nuôi gà, heo ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, bà Phượng còn mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân để tăng thu nhập cho gia đình.

CHIA SẺ ĐỂ CÙNG LÀM GIÀU

Người dân khu vực các ấp Sóc Quả, Sóc Ruộng, xã Tân Hưng biết đến bà Phượng không chỉ là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Sóc Ruộng năng động, sáng tạo. Từ khi tham gia chi hội, bà cùng 35 hội viên khác thường xuyên chia sẻ quy trình, kỹ thuật phòng, trị bệnh trên cây cao su, điều, heo, gà đến các hội viên, người dân địa phương. Bà cũng đã giúp đỡ cây - con giống cho 20 hội viên nghèo để tạo sinh kế, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nói về việc làm này, bà Phượng tự hào: Thời điểm này, kinh tế gia đình tôi khá hơn so với nhiều hội viên khác. Với phương châm “cùng nhau làm giàu chính đáng”, mình có thì chia sẻ để hội viên cùng phát triển. Tôi thường hỗ trợ cây - con giống, rồi phổ biến cách chăn nuôi, trồng trọt… để mọi người tự làm giàu bằng sức lao động trên chính mảnh đất của mình.  

Mô hình kinh tế của gia đình bà Phượng đang tạo việc làm ổn định cho 20 công nhân, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm thu hoạch chính vụ, gia đình bà Phượng còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, gia đình bà luôn tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp và đồng hành với các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.

Chị Phạm Thị Thiều trước đây chỉ quanh quẩn với việc buôn bán nhỏ, chưa xây dựng được mô hình kinh tế gia đình riêng. Được sự tư vấn, hỗ trợ con giống, kỹ thuật từ bà Phượng, chị Thiều đã xây dựng chuồng trại nuôi heo, gà. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên vật nuôi xuất chuồng đúng thời điểm, được giá, kinh tế gia đình chị Thiều ngày càng khá hơn. “Nuôi heo, mỗi năm xuất từ 2-3 lứa nên thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình nhờ vậy cũng tốt hơn. Tất cả đều nhờ bà Phượng tư vấn và định hướng. Gia đình tôi mang ơn bà Phượng nhiều lắm” - chị Thiều chia sẻ.

So với rất nhiều cách làm kinh tế của các nông dân tiêu biểu khác, có thể mô hình kinh tế của gia đình bà Phượng không quá mới hay hiếm có khó tìm, nhưng được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và khả năng áp dụng rộng rãi. Nhiều năm qua, bà Phượng luôn được tôn vinh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trở về sau lễ vinh danh nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc vừa qua, bà Phượng không khỏi rưng rưng bởi bao mồ hôi, công sức của tất cả thành viên trong gia đình đã cho “trái ngọt”. Đó cũng là động lực để không chỉ bà mà con, cháu cùng nhau nhân lên tình yêu với ngành nông nghiệp, tự hào khi là nông dân, góp sức xây dựng quê hương bằng chính đôi tay cần mẫn của mình.

  • Từ khóa
152020

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu