Thứ 7, 27/04/2024 17:39:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 09:26, 27/02/2024 GMT+7

Phấn đấu rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha

Minh Khang
Thứ 3, 27/02/2024 | 09:26:51 1,544 lượt xem
BPO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500 ngàn ha và phát triển mới giai đoạn 2024-2030 khoảng 450-550 ngàn ha.

Cùng với đó, bộ đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác, trung bình đạt 20m3/ha/năm vào năm 2025 và 22m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5-2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Các chuyên gia của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam bên cây kơ nia tổ 1.230 tuổi tại rừng Mã Đà - Ảnh: Trần Thể

Kế hoạch cũng vạch rõ 6 vùng trồng tập trung 500.000 ha rừng mới. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc 130.000-146.000 ha; vùng đồng bằng sông Hồng 6.000-9.000 ha; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 280.000-348.000 ha; vùng Tây Nguyên 25.000-35.000 ha; vùng Đông Nam Bộ 7.500-10.000 ha; vùng Tây Nam Bộ 1.500-2.000 ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn carbon tương đương, chiếm hơn 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, bởi nguồn thu từ thị trường này trên toàn cầu lên tới hàng chục tỷ USD.

Trong năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành lâm nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhận định, khi giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon, các chủ rừng sẽ có thêm động lực để tiếp tục giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, họ còn được nâng cao nhận thức về giá trị của rừng và ngày càng có trách nhiệm hơn, cũng như hình thành tư duy sản xuất, quản trị rừng chuyên nghiệp hơn, từ bỏ dần thói quen xâm hại rừng.

  • Từ khóa
190436

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu