Thứ 7, 27/04/2024 15:49:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 09:02, 08/05/2022 GMT+7

Nuôi cá lồng bè khó tìm đầu ra

Vũ Thuyên
Chủ nhật, 08/05/2022 | 09:02:28 1,384 lượt xem
BPO - Bình Phước có hàng trăm nông hộ nuôi cá lồng bè tại các hồ thủy điện và ven dòng sông Bé. Dù thu nhập không cao nhưng đã tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ dân suốt thời gian dài, nhất là các hộ Việt kiều Campuchia. Thức ăn chính của cá nuôi là cá tạp đánh bắt từ lòng hồ nên chất lượng thịt thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng như nhiều nguyên nhân khác khiến cá thương phẩm rất khó tìm đầu ra, thậm chí là thua lỗ.

Không giấy tờ, tài sản, nhà cửa nên hơn 20 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thâu ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập phải sống lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ với nghề nuôi cá lồng bè. Nguồn thu nhập không cao nhưng đã nuôi sống cả gia đình 7 người và hiện 5 người con của ông đã lập gia đình riêng cũng với nghề nuôi cá để mưu sinh. Ông Thâu cho biết, trước đây gia đình nuôi nhiều loại cá nhưng thời gian qua ảnh hưởng của đại dịch cũng như thiếu vốn tái đầu tư nên chỉ nuôi 2 loại cá với số lượng 3.000 con cá lăng nha và lăng vàng. Tuy nhiên rất khó tìm đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Thâu ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập gặp nhiều khó khăn về đầu ra khi nuôi cá lồng bè

Kế đó, con trai ông Thâu là anh Nguyễn Văn Giô cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Còn trẻ, khỏe, tìm được nhiều nguồn thức ăn nên anh Giô nuôi số lượng lớn hơn với 6 bè khoảng 10 ngàn con, phần lớn là cá lăng nha, lăng vàng và cá lóc. 

Hiện thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh có 12 hộ nuôi cá lồng bè dưới hồ thủy điện Thác Mơ với 2 loại cá lăng nha và lăng vàng. Cá lăng nha nuôi 2 năm với trọng lượng khoảng 2kg thì bán thương phẩm với giá 120 ngàn đồng/kg, còn cá lăng vàng nuôi 1 năm với trọng lượng 1kg thì bán thịt thương phẩm với giá 100 ngàn đồng/kg. Giống cá chủ yếu được mua lại từ nguồn đánh bắt của người dân và thức ăn cho cá cũng từ tự nhiên nên chất lượng thịt sạch, săn chắc, thơm ngon. Tuy nhiên, do ít người tiêu dùng biết đến và do ảnh hưởng của đại dịch nên cung vượt cầu.

Các hộ dân nơi đây cho biết, thức ăn cho cá từ đánh bắt cá tạp nên không tốn chi phí mua cám, tuy nhiên, lại rất tốn công tìm nguồn thức ăn. Do đó nếu cá đến kỳ xuất lồng mà không bán được sẽ thua lỗ so với công sức cũng như chi phí nhiên liệu bỏ ra. Ngoài ra, phần lớn người dân nuôi cá lồng bè là Việt kiều Campuchia nên không giấy tờ tùy thân làm cơ sở pháp lý để hỗ trợ vốn vay mở rộng quy mô sản xuất cũng như bám trụ với nghề khi đầu ra gặp khó.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh cho biết, so với các mô hình chăn nuôi công nghiệp, cho ăn chất tăng trọng thì nuôi cá lồng bè thức ăn được lấy từ tự nhiên nên chất lượng thịt thương phẩm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, hiện nay đa số hộ dân di cư từ Campuchia về không có giấy tờ tùy thân nên chưa tìm được nguồn vốn vay, hỗ trợ. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đầu ra thu hẹp, thương lái ép giá nên nghề nuôi cá lồng bè gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết bài toán này, trước mắt Hội Nông dân xã tham mưu các cấp chính quyền và ngành chức năng tìm nguồn vốn vay hỗ trợ các hộ dân. Về lâu dài, hội sẽ tham mưu thành lập tổ nuôi cá lòng hồ thủy điện Thác Mơ nhằm đẩy mạnh sản xuất và tìm đầu ra ổn định hơn.

Để giải quyết đầu ra, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của ngành chức năng thì người nuôi cũng cần tìm cách tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm sạch của chính mình. Nếu được bán rộng rãi ra thị trường, nhất là các nhà hàng, siêu thị, chợ đầu mối thì đầu ra của cá lồng bè chỉ là vấn đề thời gian.

  • Từ khóa
141623

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu