Thứ 7, 27/04/2024 15:12:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 10:21, 13/04/2022 GMT+7

Người nuôi gà Thanh Lương gặp khó thời “bão giá”

Phạm Quang
Thứ 4, 13/04/2022 | 10:21:44 2,225 lượt xem
BPO - Từ nhiều năm nay, nhắc đến sản phẩm chăn nuôi của xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến gà thả vườn. Tuy nhiên, đến nay “thương hiệu” này vẫn chưa có cơ hội vươn xa. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, người nuôi gà Thanh Lương đang phải chật vật để duy trì và phát triển đàn gà.

Không dám mạo hiểm

Qua tìm hiểu, gà được người dân xã Thanh Lương nuôi chủ yếu là giống gà Cao Khanh, thời gian nuôi trung bình từ 3-3,5 tháng sẽ xuất chuồng với trọng lượng từ 2,2-2,5kg/con. Hiện giá gà được thương lái thu mua hơn 56 ngàn đồng/kg, đây là mức giá mà người nuôi đã có lãi. Trái ngược với giá gà đang tăng thì gà Thanh Lương giảm về số lượng tổng đàn lẫn số người nuôi. Theo đó, tổng đàn gà giảm tới 80% và số người nuôi giảm khoảng 70%. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, người nuôi không dám mạo hiểm để tái đàn, tránh rủi ro thiệt hại nặng.

Hộ bà Nguyễn Thị Mười, tổ 6, ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương, TX. Bình Long duy trì 4 chuồng nuôi với 8.000 con gà đang gặp khó khăn khi tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao

Hộ ông Phan Anh Túy ở tổ 4, ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương có thâm niên nuôi gà. Thời gian gần đây, để duy trì trại gà, ông phải nhập cám WindMill, loại cao nhất có giá 340 ngàn đồng/bao (25kg). So cùng kỳ năm trước, giá cám tăng từ 25-30%. Theo ông Túy, hơn 1 năm trước, xã Thanh Lương có hơn 1 triệu con gà thả vườn, nhưng hiện chỉ còn khoảng 150-200 ngàn con, số lượng người nuôi giảm khoảng 70%. Ông Túy nói: “Giai đoạn trước, trại gà nhà tôi luôn duy trì ổn định từ 12-15 ngàn con, nay chỉ còn duy trì khoảng 6.000 con. Với giá thức ăn tăng cao như hiện nay thì người chăn nuôi lời rất ít. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn, thương lái ép giá…”.

Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Mười ở tổ 6, ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương đang duy trì 4 chuồng với 8.000 con gà. Dù đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi gà thả vườn nhưng ở thời điểm hiện nay, gia đình bà Mười cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại xóm của bà Mười trước đây có 4 hộ chăn nuôi gà thì nay chỉ còn duy nhất gia đình bà đang đeo bám. Theo tính toán của bà, bình thường chi phí nuôi 1.000 con, từ khi nhập đến lúc xuất chuồng khoảng 100 triệu đồng. Nay giá thức ăn tăng lên quá cao, chi phí cũng đội lên gấp đôi, chưa tính việc người nuôi phải mua chịu thức ăn chăn nuôi tại các đại lý. Bà Mười cho hay: “Với tình hình này, người nuôi gà chỉ mong giá thức ăn giảm; đồng thời hạn chế nhập khẩu những loại gà thịt có giá 30 ngàn đồng/kg. Nhập khẩu các loại gà giá rẻ bán tràn lan trên thị trường thì người chăn nuôi trong tỉnh sẽ sống dở, chết dở”.

Chăn nuôi cầm chừng và giải pháp

Theo tính toán của các chủ trang trại nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương, trung bình 1.000 con gà từ lúc nhập về nuôi đến khi xuất chuồng sẽ tốn khoảng 230 bao cám, mỗi bao giá từ 320-340 ngàn đồng, bên cạnh đó còn tốn chi phí tiêm khoảng 7 lần vắc xin phòng bệnh. Ngoài chi phí thức ăn, người nuôi còn phải thêm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, nhân công, tỷ lệ hao hụt đàn… Vì vậy, người chăn nuôi đã và đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì, phát triển đàn.

Gia đình ông Phạm Văn Hoành ở ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương đang nuôi cả gà lẫn heo. Dù ông đã tiết kiệm tối đa các khoản chi phí nhưng thức ăn chăn nuôi là thiết yếu đảm bảo gia súc, gia cầm tăng trưởng ổn định nên không thể tiết giảm. “Khó khăn trong chăn nuôi hiện nay là giá thức ăn rất cao. Gia đình tôi đang muốn tái đàn heo và gà nhưng không dám, mà chỉ chăn nuôi cầm chừng”.

Có thể nói, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và bà con nuôi gà xã Thanh Lương nói riêng đang gặp nhiều khó khăn bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ông Đào Cổ Long, Phó chủ tịch Hội Nông dân TX. Bình Long chia sẻ: “Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là khó khăn chung của người chăn nuôi. Trước tình hình đó, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các cấp hội thành lập tổ hợp tác, các câu lạc bộ, hợp tác xã… để làm sao quy tụ người chăn nuôi, tìm mối cung cấp thức ăn chăn nuôi với giá thấp nhất. Nghĩa là mua tập trung với số lượng lớn, giảm bớt khâu trung gian thay vì từng hộ chăn nuôi mạnh ai người đó tự mua”.

Bình Long đến nay chưa xây dựng được sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) của địa phương, nhưng đã hướng đến xây dựng thương hiệu gà thả vườn Thanh Lương. Cuối tháng 2-2022, Thị ủy Bình Long đã ban hành Quyết định số 379-QĐ/TU “Về việc kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thị xã Bình Long” để tham mưu  định hướng phát triển kinh tế tập thể ở các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo từng giai đoạn. Với những quyết tâm mạnh mẽ, hy vọng thị xã Bình Long sẽ sớm tìm ra và xây dựng cho địa phương sản phẩm chủ lực về nông - lâm nghiệp xứng tầm với những kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân.

  • Từ khóa
140050

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu