Thứ 7, 27/04/2024 14:50:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 17:17, 15/03/2022 GMT+7

Triển vọng từ nuôi dê đầu sô

Trần Cảnh
Thứ 3, 15/03/2022 | 17:17:59 2,192 lượt xem
BPO - Với nguồn thức ăn dồi dào, nuôi dê từ lâu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Nhận thức được tầm quan trọng của nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình gia nhập thị trường, một nông hộ ở xã Lộc Điền đã chủ động tìm tòi, lai tạo ra giống dê với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng cũng như giá thành. Thành công bước đầu từ mô hình được kỳ vọng mở ra hướng mới trong xây dựng thương hiệu dê mang đặc trưng của huyện biên giới Lộc Ninh.

Có kinh nghiệm nuôi dê nhiều năm nên ông Mai Thanh Long ở ấp 9, xã Lộc Điền hiểu rõ những ưu, nhược điểm của từng giống dê nuôi tại địa phương. Qua quá trình tìm hiểu và có ý định chăn nuôi giống dê đầu sô nhưng do giá nhập khẩu quá cao, ông Long đi nhiều nơi, tìm kiếm, sưu tầm từng con dê giống và tiến hành lai tạo, nhân đàn. Ngoài ưu điểm chân thấp, lượng thịt cao, dê sinh sản mỗi lứa từ 2-3 con, trong khi các giống dê hiện hữu tại địa phương chỉ sinh sản từ 1-2 con, giá luôn dao động trên mức 250 ngàn đồng/kg, ngay cả thời điểm dịch Covid-19 là điều ông yên tâm nhất khi gắn bó với dê đầu sô. Ông Mai Thanh Long chia sẻ, trước đây nuôi theo hình thức truyền thống, thức ăn cho dê chủ yếu tận dụng cây cỏ trong vườn nên dê chậm lớn. Giờ nuôi công nghiệp, bổ sung thêm cám, thuốc men đầy đủ, lãi theo từng con ít hơn nhưng với giá cao, nhân lên số đông thì người nuôi lời nhiều, dê cũng rất ít bị dịch bệnh. 

Ông Mai Thanh Long (thứ 2 từ phải qua) giới thiệu về giống dê đầu sô cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Trung Quang

Qua gần 3 năm nuôi, đến nay gia đình ông Long đã có 100 con dê đầu sô, với 50 con dê sinh sản, thu hơn 400 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Từ hiệu quả của mô hình, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, Hợp tác xã chăn nuôi dê đầu sô Thanh Long đã được thành lập với 7 thành viên ban đầu. 

Để nhân rộng mô hình, ngoài tổ chức cho hội viên nông dân tham quan, học tập, chuyển giao khoa học - kỹ thuật thông qua các buổi hội thảo, Hội Nông dân huyện cũng đang tiến hành hỗ trợ hợp tác xã các bình chứa tinh để nhân rộng, tăng  đàn. Về lâu dài, tiến tới xây dựng dê đầu sô trở thành thương hiệu đặc trưng của huyện Lộc Ninh.

Ông LÊ KHẮC PHÚ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh 

Cũng theo ông Long, khâu chọn giống ban đầu là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mô hình. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng làm được, đây là điều mà ông trăn trở nhất khi chuyển giao nguồn giống cho các thành viên hợp tác xã. 

Theo thống kê, tổng đàn dê trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có khoảng 90 ngàn con. Nhờ chất lượng đảm bảo, khả năng tăng đàn nhanh, nuôi dê đầu sô đã cho thấy hiệu quả khi giá, đầu ra luôn đảm bảo, ngay cả thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực quan trọng giúp người chăn nuôi yên tâm gắn bó. Qua đó, góp phần đưa mô hình kinh tế hợp tác phát triển bền vững, cũng như giúp dê đầu sô sớm trở thành thương hiệu đặc trưng của huyện biên giới Lộc Ninh.

  • Từ khóa
138440

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu