Thứ 7, 27/04/2024 13:15:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 14:00, 03/01/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH BÌNH PHƯỚC (1-1-1997 - 1-1-2022)

Khởi sắc nông nghiệp Bình Phước

Đông Kiểm
Thứ 2, 03/01/2022 | 14:00:04 2,248 lượt xem
BPO - “Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến nay đã tăng gấp 30 lần kể từ ngày tái lập tỉnh vào đầu năm 1997. Dù vậy, ấn tượng lớn nhất của tôi sau 25 năm tái lập tỉnh là người dân không còn xa lạ gì với nền nông nghiệp 4.0. Mua bán nông sản trên mạng, các trang thương mại điện tử đã trở thành thói quen của nhà nông, hợp tác xã nhạy bén, bắt kịp theo xu thế chung của thời đại công nghệ số, kinh tế số” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thanh Bình tâm đắc.

Chị Nguyễn Kiều Giang ở thôn 7, xã Long Tân, huyện Phú Riềng thu hoạch vú sữa Hoàng Kim  được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch

Trong tiến trình 25 năm xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát huy đúng tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tạo tiền đề cho ngành nông nghiệp phát triển liên tục với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Nhà nông thay đổi

Đã 25 năm trôi qua nhưng già làng Điểu Khem ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp vẫn nhớ như in cái đói nghèo, lạc hậu ở vùng đất này. “Nhà tranh tre, vách nứa, đường đi chỉ là lối mòn nhỏ, nắng bụi, mưa lầy. Thậm chí người đồng bào chúng tôi còn chưa biết trồng cây lúa nước, cây điều, cây tiêu...” - già Khem hồi tưởng. 

Thế nhưng, việc chia tách tỉnh đã mở ra bước ngoặt, tạo sự thay đổi lớn cho cuộc sống người dân. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, già kể: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nhiều chương trình chính sách hỗ trợ như Chương trình 134, 135, đồng bào chúng tôi còn được cán bộ ngành nông nghiệp về tận nơi chuyển giao khoa học kỹ thuật, cầm tay chỉ việc. Đồng bào mới biết trồng cây lúa nước, cây tiêu, cây điều, nuôi gà, dê để phát triển kinh tế gia đình. Đời sống của chúng tôi giờ đây đã thay đổi rõ rệt, có người còn làm được nhà mái Thái, đi xe ôtô…

Sự thay đổi đáng kể nữa chính là tư duy sản xuất của người nông dân. Nhà nông Phạm Văn Lý, thôn 5, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp thổ lộ: “Từ tỉnh Kiên Giang, tôi đến Bình Phước lập nghiệp năm 1998. Ngày ấy, người trồng tiêu cả xã chỉ biết truyền đạt kinh nghiệm lẫn nhau. Khi giá tiêu tăng cao, người người lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phun, tưới ồ ạt cho cây để chạy theo năng suất. Kết quả làm cho đất chai lỳ, cạn kiệt dẫn đến tiêu bị bệnh chết hàng loạt. Trong tình thế ấy, cán bộ khuyến nông cùng với cán bộ bảo vệ thực vật tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao quy trình canh tác cây tiêu theo hướng bền vững, chúng tôi học theo từng ngày mới có được diện tích tiêu hữu cơ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như bây giờ”. 

Tương tự, cánh đồng Saray của ấp 4, xã Hưng Phước có diện tích hơn 200 ha. Người dân bao đời vẫn quen tập quán canh tác giống lúa địa phương nên chỉ cho năng suất bình quân 2-3 tấn/ha. Để tạo ra sự thay đổi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã chuyển giao quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và đưa giống lúa ST24 cho người dân về trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Kết quả, giống lúa này mang lại trên 5 tấn/ha, giá trị tăng gấp đôi so với giống cũ. 

Phát biểu với người dân tại hội thảo đầu bờ, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Đoàn Văn Thảo tự hào: “Nông dân Bù Đốp có thể không đủ tiền để mua hạt gạo chất lượng đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới nhưng đủ trình độ để làm ra hạt gạo chất lượng thứ 2 trên thế giới để sử dụng. Lãnh đạo Bù Đốp hứa sẽ đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người trồng lúa Bù Đốp làm được điều đó”.   

Dấu ấn 25 năm

Trong những năm đầu tái lập tỉnh, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chưa đạt 1.000 tỷ đồng, còn hiện tại đã vươn lên gần 30 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với 25 năm về trước. Trong lĩnh vực trồng trọt, các loại cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều đều tăng từ 2-4 lần cả về diện tích lẫn sản lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, vùng canh tác cây ăn trái Tây Nam bộ đang có sự dịch chuyển về Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Bình Phước. Năm 1997, diện tích cây ăn trái trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 1.190 ha, nay đã tăng hơn 10 lần, với tổng 12.062 ha, cho sản lượng 73.518 tấn, tăng 13,4 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh. 

Thương hiệu hạt điều Bà Tư, một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao được phép sử dụng nhãn hiệu hạt điều tập thể của tỉnh

Lĩnh vực chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Toàn ngành đã và đang phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với chuỗi giá trị cả về quy mô lẫn tổ chức sản xuất. Nuôi heo trang trại chiếm 92% tổng đàn với 349 trang trại, trong đó trang trại chuồng lạnh chiếm 61%. Tổng đàn heo năm 2021 đạt 1.264.000 con, tăng 12,3 lần so với năm 1997. Chăn nuôi trang trại gia cầm chiếm 57% tổng đàn, với 87 trang trại, trong đó có 51 trang trại lạnh, chiếm 59%.       

Diện tích cây cao su năm 1997 chỉ có 77.670 ha với năng suất 9,47 tạ/ha, đến nay đã tăng lên 247.271 ha, năng suất 18,89 tạ/ha, tăng 3,2 lần về diện tích và gấp 2 lần về năng suất. Cây điều tăng từ 63.620 ha năm 1997 với năng suất 3,58 tạ/ha lên 141.595 ha với năng suất 14,91 tạ/ha, tăng gấp 2,2 lần về diện tích và 4,1 lần năng suất. Cây tiêu từ 3.438 ha năm 1997 lên 15.720 ha năm 2021 cho sản lượng 28.723 tấn, tăng gấp 4 lần về sản lượng. Toàn tỉnh hiện có 2.220 ha tiêu đạt chứng nhận Rainforest Alliance và hữu cơ.


Một trong những yếu tố cấu thành để tạo đà cho ngành nông nghiệp cất cánh phải kể đến những công trình thủy lợi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng không chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu mà còn phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ tưới tiêu cho 70.765 ha cây trồng, tăng 2,7 lần so với năm 1997. Đi cùng với hệ thống thủy lợi còn có 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với công suất thiết kế 14.729m3/ngày/đêm, phục vụ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, đạt 98,4% thay cho 40% vào năm 1997. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh hiện có 70/90 xã đã về đích, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Nông nghiệp của tương lai

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ nay đến năm 2025 được xác định với 3 nhiệm vụ trọng tâm là tạo vùng nguyên liệu, chế biến, hình thành liên kết chuỗi. Trong đó có 3 ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt và lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là heo, gà; hạt điều và sản phẩm từ gỗ. Hướng phát triển của ngành được xác định nông nghiệp công nghệ cao là trụ cột để phát triển theo định hướng chung của Đảng là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 7,5-14% trong thời gian tới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động để tập trung phát triển nông nghiệp với 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở chuyển đổi số, tỉnh đang quy hoạch, thu hút đầu tư cho 8.000 ha trong các khu công nghệ cao. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cả ngàn tỷ đồng để ứng dụng công nghệ mới, cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp thế hệ mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, Bình Phước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ mang tính chất thực tiễn kể cả sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm để thu hút các nhà đầu tư và tích hợp công nghệ hiện đại trong các khu công nghiệp công nghệ cao.

Tôi hy vọng chuyển đổi số từng bước là bước đi vững chắc, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà một cách bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Bình


“Ngoài hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tỉnh cũng bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với thị trường, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các nhà đầu tư xuất khẩu. Chắc chắn nhà đầu tư sẽ được thừa hưởng giá trị công nghệ trong các khu công nghiệp. Đây cũng là “đòn bẩy” để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào Bình Phước” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Bình khẳng định.   

  • Từ khóa
134802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu