Thứ 7, 27/04/2024 17:45:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 09:31, 19/11/2021 GMT+7

Phát triển chăn nuôi trong đại dịch

Xuân Túc
Thứ 6, 19/11/2021 | 09:31:00 1,865 lượt xem
BPO - “Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gánh chịu “khó khăn kép” khi giá các loại gia súc, gia cầm liên tục giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi lại tiếp tục “leo thang”, dê vẫn là mô hình chăn nuôi mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập chính. Dù thời điểm dịch bùng phát khiến đầu ra sản phẩm gặp khó nhưng trước mắt tôi không phải bận tâm đến chi phí chăn nuôi vì nguồn thức ăn cho dê chủ yếu được tận dụng từ cây cỏ, lá keo trồng sẵn trong vườn” - ông Lộc Văn Oan, ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh chia sẻ.

Bà Lộc Thị Thương thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi dê

Lấy công làm lời

Gia đình bà Lộc Thị Thương ở ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp có hơn 1 ha cây tiêu. Mấy năm gần đây, tiêu liên tục mất mùa, giá cả bấp bênh, gia đình bà đã phát triển thêm chăn nuôi dê để đảm bảo thu nhập. Với đàn dê 30 con, trong đó chủ yếu là dê sinh sản, mỗi năm gia đình bà thu về khoảng 100 triệu đồng từ bán dê giống và dê thương phẩm.

Bà Thương cho biết: “Thời điểm dịch bùng phát, giá dê hơi giảm xuống còn 70 ngàn đồng/kg. Sau khi tỉnh có chủ trương “mở cửa”, chuyển sang trạng thái bình thường mới, giá dê hơi đã tăng trở lại. Hiện giá dê hơi đang được thương lái thu mua dao động khoảng 100 ngàn đồng/kg. Thậm chí giá dê cái dưới 20kg lên tới gần 130 ngàn đồng/kg, dê đực khoảng 120 ngàn đồng/kg”.

Theo tính toán của bà Thương, với giá dê như hiện nay, sau khi xuất bán mỗi con dê tầm 5 tháng tuổi, người nuôi có thể lời từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Bởi vì nuôi dê có lời cao trong khi thức ăn cho dê lại không tốn nhiều chi phí nên nhiều người đang chủ động triển khai mô hình này.

“Thức ăn cho dê chủ yếu được tận dụng từ lá cây keo dùng để trồng tiêu, thỉnh thoảng cho ăn thêm cỏ, bắp, đều do gia đình tự trồng. Trong khi đó, dê dễ nuôi, kháng bệnh tốt, sinh sản nhanh, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 1-4 con. Còn về giá cả thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có giảm, nhưng sau đó đã tăng nhẹ trở lại. Do đó, với kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của gia đình tôi, mô hình nuôi dê vẫn mang lại nguồn thu cao và ổn định hơn” - bà Thương chia sẻ.

Giá nông sản bấp bênh, giá heo chạm đáy, đàn dê được xem là nguồn thu chính của gia đình ông Oan. Với 22 con dê sinh sản, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 30 con dê thương phẩm, gia đình ông thu cả trăm triệu đồng.

Ông Oan cho biết: “Nuôi dê được xem là mô hình đem lại lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi. Với gia đình tôi, dù giá dê có biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đây vẫn là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhất. Bởi cái lợi trước mắt ai cũng thấy là nuôi dê chỉ lấy công làm lời, nguồn thức ăn mình không phải bỏ tiền ra mua, mà chỉ tận dụng các loại lá cây và cỏ do người dân tự trồng được. Hiện tôi đang làm thêm chuồng trại, đồng thời lựa chọn những con giống tốt để mở rộng mô hình”.

Anh Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp cho biết: “Sau thời gian dài các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Phần lớn các mặt hàng nông sản bị ngưng trệ, trong đó có mặt hàng dê thương phẩm của người dân. Tuy nhiên, sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động giao thương được kết nối, thương lái đã thu mua trở lại với giá tăng lên khoảng 40 ngàn đồng/kg dê hơi so với thời điểm dịch bùng phát. Với giá bán dao động 100 ngàn đồng/kg như hiện nay, đây được xem là nguồn thu vô cùng quan trọng để người nuôi dê tái sản xuất sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sát cánh cùng người chăn nuôi

Huyện Lộc Ninh hiện có khoảng 6.000 hộ nuôi dê với tổng đàn khoảng 80.000 con. Trong đó, riêng xã Lộc Hiệp có khoảng 1.400 hộ nuôi với tổng đàn 13.000 con. Để hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, trước đó, tháng 8-2017, các hộ dân đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê Lộc Hiệp với 23 thành viên. Sau 1 năm hoạt động, tháng 7-2018 tổ được nâng cấp thành hợp tác xã với 42 thành viên. Vừa qua, xã còn thành lập thêm Hợp tác xã dê vàng Lộc Ninh với 11 thành viên, số lượng đàn dê gần 1.000 con. Đây được xem là tiền đề, “bà đỡ” để người chăn nuôi yên tâm phát triển chăn nuôi.

Những năm gần đây, phong trào nuôi dê ở Lộc Hiệp phát triển khá mạnh và dê trở thành vật nuôi chủ lực của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trước đây do chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Trước tình hình đó, xã đã chủ động hướng dẫn bà con thành lập hợp tác xã để xây dựng chuỗi liên kết, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, con giống tốt giúp người dân phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Ông NGUYỄN VĂN HÀ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp


“Vừa qua, Hội Nông dân xã phối hợp Hội Nông dân huyện hướng dẫn các thành viên Hợp tác xã dê vàng Lộc Ninh tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh và Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 500 triệu đồng. Số tiền này giúp bà con xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống, tiếp tục nhân đàn. Qua đó, giúp các hộ dân phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống” - anh Hà cho biết thêm.

Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và chăn nuôi dê ở Lộc Hiệp nói riêng nhìn chung thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thuận lợi là vậy, tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn về giá cả và đầu ra. Do đó, ngành chức năng, các địa phương cần có giải pháp mang tính bền vững, lâu dài hơn để kịp thời hỗ trợ người nông dân, đồng thời phát huy những lợi thế, thế mạnh trong nông nghiệp của tỉnh.    

  • Từ khóa
132797

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu