Thứ 7, 20/04/2024 01:01:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 07:06, 16/12/2020 GMT+7

Giải pháp phát triển bền vững cây có múi

Hiền Lương
Thứ 4, 16/12/2020 | 07:06:00 1,948 lượt xem
BPO - Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất, nhất là sử dụng các chế phẩm sinh học phòng, chống bệnh hại đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cây trồng. Tháng 12-2019, Trung tâm KH&CN tỉnh được Hội đồng KH&CN Sở KH&CN xét duyệt thực hiện Dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, thời gian thực hiện 1 năm.

Dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi” tại Hợp tác xã bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp đạt hiệu quả

Theo đó, mục tiêu của dự án là chuyển giao thành công quy trình sử dụng chế phẩm sinh học NEMA phòng chống bệnh tuyến trùng gây ra trên cây có múi. Trong 1 năm thực hiện, đơn vị chủ trì dự án đã tổ chức 1 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật; xây dựng 1 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng chống bệnh cho cây bưởi da xanh do tuyến trùng gây ra với quy mô 30 ha bưởi da xanh 5 năm tuổi tại Hợp tác xã bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp. 

Để đánh giá hiệu quả việc sử dụng chế phẩm sinh học NEMA trong phòng, chống các bệnh do tuyến trùng cho cây bưởi, dự án áp dụng quy trình kỹ thuật hiện tại mà HTX đang áp dụng. đồng thời loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống tuyến trùng và giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật khác tại mô hình so với vườn đối chứng.

Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học NEMA được áp dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, 1 năm bón 3 lần vào trước, giữa và cuối mùa mưa với liều lượng 20kg/ha/lần bón. Trước và sau khi bón, đơn vị đều lấy mẫu rễ gửi đi kiểm nghiệm số lượng tuyến trùng gây hại, sau đó đánh giá hiệu quả với các chỉ tiêu theo dõi.

Tiến sĩ Đàm Văn Toàn, Phó giám đốc Trung tâm KH&CN tỉnh cho biết, trước khi bón chế phẩm NEMA, mật độ tuyến trùng trong rễ tại mô hình Hợp tác xã bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp và vườn đối chứng tương đương nhau khoảng 85 cá thể/5g rễ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng chế phẩm sinh học NEMA một thời gian, mật độ tuyến trùng trong rễ cây bưởi da xanh giảm rõ rệt xuống khoảng 71 cá thể/5g rễ. So với vườn đối chứng sử dụng các thuốc hóa học xử lý tuyến trùng thì mật độ tuyến trùng tương đương nhau. Như vậy, chúng ta có thể sử dụng chế phẩm sinh học NEMA thay thế các loại thuốc hóa học để phòng, chống các bệnh do tuyến trùng trực tiếp hoặc gián tiếp kết hợp với các loại nấm gây bệnh gây ra cho cây có múi. Ngoài kiểm soát tốt mật độ tuyến trùng dưới ngưỡng gây hại, chế phẩm NEMA với 5 tỷ vi sinh vật gồm 5 chủng nấm hoạt động cho mỗi gam sản phẩm, cùng với thời gian, hệ thống vi sinh vật này sẽ phát triển, tạo thành một hệ sinh vật đối kháng tuyến trùng và các loài nấm bệnh khác. Sau 1 năm sử dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA, cành cây bưởi da xanh tại mô hình ít bị bệnh xì gôm chảy nhựa, vàng lá, thối rễ. 

Bình Phước hiện có 11.842 ha cây ăn trái, trong đó cây có múi như bưởi, cam, quýt chiếm 16% tổng diện tích. Cây ăn trái đang góp phần mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Thạc sĩ Ngô Phước Khánh, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp đánh giá: “Sau 1 năm sử dụng chế phẩm NEMA để phòng trừ tuyến trùng cho bưởi da xanh, cây phát triển rất đồng đều, một số bệnh gây hại cho cây như nứt thân xì mủ, xì gôm giảm tương đối nhiều. Số tuyến trùng trong đất giảm tới 17% so với thời kỳ chưa sử dụng chế phẩm này”.  

Ông Lê Minh Quang, Trưởng phòng Quản lý KH&CN, Sở KH&CN nhận xét: Qua kiểm tra thực tế mô hình ứng dụng thử nghiệm chế phẩm sinh học TKS-NEMA, nhìn bằng cảm quan, vườn bưởi phát triển rất tốt, đạt yêu cầu nội dung dự án đề ra. NEMA cũng không gây tác dụng phụ, không làm xoăn lá, cháy lá, không làm rụng bông và trái non, không gây ngộ độc cho cây. Như vậy, việc lựa chọn chế phẩm sinh học NEMA để triển khai dự án phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi là hợp lý.

Đầu tháng 12-2020, Hội đồng KH&CN Sở KH&CN đã tổ chức họp nghiệm thu dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học TKS-NEMA phòng trừ bệnh tuyến trùng cho cây có múi trên địa bàn tỉnh Bình Phước” đạt kết quả đề ra. Đồng thời khuyến cáo nông dân có thể thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng thuốc sinh học, nhằm đảm bảo hiệu quả tốt cho cây có múi. Bởi ứng dụng chế phẩm sinh học NEMA vào sản xuất nông nghiệp sẽ là mô hình hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và tiết kiệm trong tương lai.

112993

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu