Thứ 5, 09/05/2024 04:57:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nông nghiệp 11:07, 02/11/2020 GMT+7

Chuyển đổi canh tác theo hướng an toàn sinh học

Thứ 2, 02/11/2020 | 11:07:37 1,393 lượt xem
Những năm qua, trên địa bàn thị xã Bình Long đã có nhiều hộ dân chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từ truyền thống sang canh tác theo hướng an toàn sinh học. Nhiều nông hộ đã bứt phá nhờ lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Hộ ông Phạm Đức Hạnh ở tổ 4, khu phố Phú Lộc, phường Phú Đức là một điển hình.

Trồng rau trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ cho năng suất cao hơn so với cách làm truyền thống

Với diện tích đất canh tác hơn 2 sào, trước đây, nhà nông Phạm Đức Hạnh trồng nhiều loại rau khác nhau. Ông còn dành hơn 300m2 đất để đào ao lấy nước tưới rau. Canh tác theo phương pháp truyền thống, tất cả phụ thuộc vào thời tiết nên dù tốn nhiều công sức nhưng sản lượng và chất lượng nông sản vẫn thấp, dẫn đến thu nhập không cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cộng với biết tính toán làm ăn nên hơn 1 năm nay, ông Hạnh đã chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang phương pháp hữu cơ. Ngoài ra, ông cũng bỏ ra gần 10 triệu đồng đầu tư hệ thống nhà lưới với diện tích 300m2 để trồng rau cải xanh và cải ngọt. Với một lứa rau như vậy, gia đình ông thu khoảng 500kg, bình quân mỗi ngày thu hoạch 50kg giao cho thương lái. Với giá dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg (có thời điểm rau cải giá 20.000 đồng/kg) nên gia đình ông Hạnh có thu nhập cao nhờ trồng rau. Để cung cấp đủ nguồn rau cho thương lái, gia đình ông trồng gối đầu nên ngày nào cũng có rau bán, đảm bảo thu nhập hằng ngày.

Ông Hạnh cho biết, trồng rau trong nhà lưới kết hợp với phương pháp canh tác hữu cơ sẽ cho năng suất cao, mẫu mã rau đẹp nên được thương lái và người dân ưa chuộng. Ngoài ra, rau sẽ không bị giập, bị thối do mưa; lại không có sâu bệnh do côn trùng không xâm nhập được vào nhà lưới; vừa tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu, vừa đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và người tiêu dùng. 

Để tăng thu nhập, gia đình ông Hạnh cũng trồng hơn 800m2 dưa leo. Theo ước tính của ông, với diện tích này gia đình thu khoảng 2,5 tấn trái mỗi lứa, với giá bán hiện nay tại vườn 10.000 đồng/kg. Như vậy, với 800m2 trồng dưa leo, mỗi lứa (35 ngày dưa leo cho thu hoạch) gia đình ông thu khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 20 triệu đồng.

 Theo ông Hạnh, dưa leo rất dễ trồng, ít bệnh, đầu tư vốn ban đầu thấp. Các bệnh thường gặp đối với dưa leo là bệnh sương mai, phấn trắng, thán thư, thối rễ. Để tránh các bệnh này thì chỉ cần làm luống cao, không để gốc dưa bị ngập và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, thời điểm. 1 năm, gia đình ông trồng khoảng 5-7 lứa dưa, còn những tháng cuối năm ông để đất trồng khổ hoa, đậu ve và rau để bán phục vụ thị trường dịp tết. 

Như vậy, với 300m2 trồng rau trong nhà lưới và hơn 800m2 đất trồng dưa leo cùng các loại rau màu khác, mỗi năm gia đình ông thu lợi hàng trăm triệu đồng. Đây là cách làm kinh tế mang lại hiệu quả ổn định đối với những hộ nông dân ít diện tích đất canh ít tác nhân công lao động.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Đức Dương Khánh Trung cho biết: Hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 20 hộ nông dân trồng rau theo phương pháp hữu cơ, với diện tích gần 2 ha, tập trung chủ yếu ở 2 khu phố Phú Hòa I và Phú Lộc. Trồng rau theo hướng hữu cơ vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao (thu nhập bình quân từ 100-120 triệu đồng/năm), vừa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong đó, hộ ông Hạnh tiên phong trồng rau trong nhà lưới - đây là cách làm kinh tế rất phù hợp đối với diện tích nhỏ, thời tiết thất thường như hiện nay. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục nhân rộng cách làm này để các hộ khác áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Văn Tâm

  • Từ khóa
112027

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu