Thứ 7, 11/05/2024 03:33:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:07, 16/01/2021 GMT+7

Vì sao Mỹ trừng phạt ICC?

Nhật Minh
Thứ 7, 16/01/2021 | 15:07:00 1,135 lượt xem
BPO - Từ ngày 15-6 đến 17-7-1998, đại diện của 160 quốc gia đã tham gia Hội nghị ngoại giao của Liên hợp quốc được tổ chức tại Rome (Ý) để thành lập ra Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court), viết tắt là ICC. Văn kiện đã được các đoàn đại biểu đồng ý thông qua bằng bỏ phiếu, trong đó có 120 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống và 21 quốc gia không tham gia bỏ phiếu. Đây là sự kiện có ý nghĩa đúng vào lúc cả nhân loại kỷ niệm 50 năm ngày thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10-12-1948). Theo đó, ICC là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

Tuy nhiên, nếu không có sự kiện xảy ra vào ngày 11-6-2020, thì chắc chẳng có mấy ai quan tâm đến vị trí, vai trò và chức năng của tòa án này. Đó là ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh cho phép trừng phạt các thành viên Tòa án hình sự quốc tế, vì liên quan tới cuộc điều tra về vai trò của các lực lượng Mỹ trong các tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany tuyên bố: “Hành động của Tòa án Hình sự quốc tế đã tấn công vào quyền lợi của người dân Mỹ và đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng tôi… Chúng tôi có lý do để tin rằng tình trạng tham nhũng và các hành vi sai trái đang diễn ra ở văn phòng công tố thuộc ICC. Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của cuộc điều tra của họ đối với quân nhân Mỹ”.

Còn các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, ICC đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia Mỹ, đồng thời cáo buộc Nga đã thao túng cơ quan này nhằm phục vụ lợi ích của mình. Và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cũng khẳng định ông “đã nhận được nhiều nguồn tin đáng tin cậy làm gia tăng những lo ngại nghiêm trọng về các hành vi tham nhũng và sai trái suốt thời gian dài của ICC”. Bộ trưởng Barr cũng cho rằng, ICC đang bị Nga thao túng. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết và bằng chứng nào.

Theo sắc lệnh này, Tổng thống Trump cho phép Ngoại trưởng Mỹ là Mike Pompeo tham vấn với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong việc phong tỏa tài sản ở Mỹ của các thành viên ICC liên quan tới cuộc điều tra nói trên. Sắc lệnh này cũng cho phép Ngoại trưởng Mỹ cấm những cá nhân này và gia đình của họ nhập cảnh vào Mỹ. Theo hãng tin Reuters, các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản ở Mỹ của những người hỗ trợ ICC điều tra, đồng thời Mỹ cấm họ và gia đình họ nhập cảnh vào quốc gia này.

Và trong tuyên bố đáp trả, ICC đã so sánh sắc lệnh của ông Trump như một hành động dọa nạt và ép buộc, đồng thời khẳng định đây là “một nỗ lực can thiệp quy tắc pháp luật không thể chấp nhận được”. ICC cũng cho biết thêm, tổ chức này sẽ đứng về phía nhân viên và quan chức của mình, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là bước đi mới nhất trong chiến dịch công kích “chưa từng có” nhằm vào tổ chức quốc tế này.

Nguyên nhân dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành sắc lệnh nêu trên là do lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan bị điều tra về cáo buộc là tội phạm chiến tranh và vi phạm tội ác chống lại loài người từ năm 2003. Cụ thể, ICC điều tra về cáo buộc tra tấn tù nhân tại các nhà tù bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Đông Âu; các hành vi tội ác của lực lượng Mỹ, binh sĩ Afghanistan và Taliban…

Và chỉ 2 ngày sau khi sắc lệnh của Tổng thống Mỹ được ban hành, ngày 13-6-2020, Vương quốc Anh đã ra tuyên bố thể hiện sự ủng hộ với ICC và nhấn mạnh rằng, cơ quan tư pháp này phải được tạo điều kiện hoạt động vô tư không thiên vị và không sợ bị trừng phạt khi điều tra các hành động phạm tội quốc tế. Trong tuyên bố ngày 13-6-2020, Ngoại trưởng Anh Dominic Raad khẳng định: Các quan chức ICC nên được tạo điều kiện để thực hiện hoạt động của mình một cách độc lập, vô tư và không sợ bị trừng phạt. Đồng thời, Anh ủng hộ mạnh mẽ hoạt động của ICC trong việc không để các tội phạm quốc tế nguy hiểm né bị trừng trị. Và đây là lần hiếm hoi Anh - đồng minh chủ chốt của Mỹ - lên tiếng phản đối hành động của đồng minh.

Cũng trong ngày 13-6-2020, Cộng hòa Liên bang Đức đã lên tiếng phản đối Mỹ gây áp lực với ICC. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, nước Đức là một trong những quốc gia ủng hộ ICC mạnh nhất. Nước Đức tin tưởng hoàn toàn vào hoạt động của ICC và đánh giá cao vai trò không thể thiếu của ICC trong việc bài trừ tội ác quốc tế. Và trước khi Anh, Đức lên tiếng, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Pháp cũng thể hiện sự không đồng ý với quyết định của Mỹ. Ngày 12-6-2020, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hành động của chính phủ ông Trump là sự tấn công vào Đạo luật Rome vốn là nền tảng thành lập ICC, là sự thách thức chủ nghĩa đa phương và hoạt động tự do của ngành tư pháp.

Và trong ngày 13-6-2020, Thụy Sĩ đã lên tiếng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ với ICC. Thụy Sĩ tuyên bố ủng hộ ICC điều tra độc lập “các tội ác nghiêm trọng nhất để đóng góp cho an ninh, ổn định quốc tế”. Thụy Sĩ cho rằng, bản chất hoạt động của ICC là chỉ tiến hành điều tra nhắm vào một cá nhân một nước nào đó trong trường hợp hệ thống tư pháp của nước đó không có ý định hoặc không có khả năng thực hiện điều tra. Vì thế, nếu không muốn ICC vào cuộc thì Mỹ nên thực hiện đầy đủ bổn phận tư pháp của mình, cụ thể là phải điều tra và truy tố các binh sĩ Mỹ liên quan đến các cáo buộc tội ác ở Afghanistan.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) - ông JosepBorrell cũng cho rằng, các nước cần tôn trọng ICC vì tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc bảo toàn và thực thi luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc là ông Rupert Colville cho rằng, “sự độc lập và khả năng hoạt động không bị can thiệp của ICC phải được bảo đảm, để tòa có thể quyết định các vấn đề mà không bị bất kỳ ảnh hưởng, thuyết phục, áp lực, đe dọa hay can thiệp không thích hợp nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ bất kỳ đâu và với bất kỳ lý do nào”.

Quyết định trừng phạt của Mỹ đối với ICC cho thấy sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của nước này. Và đây cũng là lý do mà Mỹ từ chối gia nhập ICC. Hơn thế nữa, Mỹ là quốc gia “xuất khẩu chiến tranh” và từng gây ra biết bao vụ thảm sát trên thế giới. Với người dân Việt Nam thì không một ai quên ngày 16-3-1968 đại đội “Charlie” thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn số 11 của quân đội Mỹ kéo đến làng Sơn Mỹ, xã Sơn Mỹ, huyện Tịnh Khê, tỉnh Quảng Ngãi và ra tay sát hại 504 thường dân. Vì thế, việc Mỹ trừng phạt ICC cũng là điều dễ hiểu.

  • Từ khóa
118976

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu