Thứ 4, 08/05/2024 19:06:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:00, 16/11/2021 GMT+7

Quyết liệt chỉnh đốn Đảng

Nhật Minh
Thứ 3, 16/11/2021 | 05:00:18 1,753 lượt xem
BPO - Ngày 25-10-2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Một trong những điểm bổ sung trong quy định mới là, đảng viên không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Ngay sau khi ban hành, quy định mới đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn thể đảng viên và nhân dân trong cả nước. Vì quy định mới không những kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp mà còn bổ sung những nội dung mới cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đã lợi dụng vấn đề này để “bẻ cong” sự thật, “lái” dư luận theo ý đồ đen tối của chúng. Các đối tượng này suy diễn rằng, với việc ban hành Quy định số 37-QĐ/TW là “Đảng đứng trên pháp luật”. Và chúng cho rằng, “những điều ấy pháp luật đã cấm rồi, đảng viên cũng là công dân, thêm điều cấm là Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật”.

Theo Luật Quốc tịch hiện hành, Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tại khoản 1, Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có quy định: “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên, hiện một số quốc gia cho phép người nước ngoài nộp phí để được nhập quốc tịch. Lợi dụng vấn đề này, một số công dân Việt Nam là người có điều kiện, trong đó có cả đảng viên, thậm chí là đại biểu Quốc hội đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. 

Cụ thể là ngày 17-7-2016, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng tiến hành bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, do bà Hường có thêm quốc tịch Malta. Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Mới đây, vào ngày 3-11, Quốc hội khóa XIV đã bỏ phiếu kín tán thành bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, vì có hộ chiếu Cộng hòa Síp.

Như vậy, với nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, các cá nhân vi phạm pháp luật đã bị xử lý theo quy định. Nhưng đối với những người vi phạm là đảng viên thì cũng phải bị xử lý theo Điều lệ, quy định của Đảng. Trong khi đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và khóa XIII đã ban hành quy định về những điều đảng viên không được làm. Hơn thế nữa, tại lễ kết nạp, mọi đảng viên đều đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Do đó, việc đảng viên vi phạm quy định của Đảng và phải bị kỷ luật là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, quy định đảng viên không được nhập tịch nước ngoài còn là chế tài ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với đảng viên tham nhũng có ý đồ tẩu tán tài sản ra nước ngoài. 

Vì vậy, những luận điệu nêu trên thực chất là thủ đoạn của các thế lực đen tối hòng hạ thấp mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Âm mưu của chúng trong việc này là nhằm tạo ra diễn biến về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, với mục tiêu là làm giảm niềm tin đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Và cuối cùng là làm suy giảm niềm tin, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu