Thứ 6, 10/05/2024 01:48:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Quốc phòng 14:36, 26/09/2023 GMT+7

Bàn về chức năng lao động sản xuất của quân đội

Thứ 3, 26/09/2023 | 14:36:09 3,784 lượt xem

Bùi Viết Hùng

BPO - Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Từ khi thành lập đến nay, quân đội không chỉ thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, mà còn tích cực thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Giai đoạn hiện nay, yêu cầu mới đối với quân đội càng phải phát huy tốt hơn nữa chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Tuy nhiên hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang chống phá, xuyên tạc, phủ nhận chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Vì vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cần có những luận điểm khách quan, khoa học.

Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch

Các quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện nhiều trên một số diễn đàn, trang mạng, phương tiện truyền thông như BBC, RFA, VOA… cho rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ nên thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu”, không cần thực hiện và không nên có chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Mục đích của các quan điểm nêu trên nhằm phủ nhận truyền thống vẻ vang của quân đội ta trên mặt trận lao động sản xuất; làm cho không ít người, kể cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nảy sinh tư tưởng dao động, hoài nghi cho rằng quốc phòng, quân đội hiện nay đã có ngân sách lo nên không cần thiết phải lao động sản xuất. Một số người còn bất mãn, có ý đồ và hành động vi phạm pháp luật, chống phá, ngăn cản các đơn vị quân đội thực hiện chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch thường lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về việc sử dụng thuật ngữ “quân đội làm kinh tế” để nói xấu quân đội, cho rằng “quân đội làm kinh tế” để phục vụ lợi ích của một số người…

Thực hành kiểm tra bắn súng cối 82mm của khẩu đội cối 82 Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh năm 2023

Trước hết, khẳng định các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội nhân dân Việt Nam là không thể chấp nhận và đáng bị vạch trần, lên án. Bởi lẽ, chức năng “đội quân lao động sản xuất” của quân đội ta đã được khẳng định bằng những luận điểm khoa học.

Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Không có gì phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”. Kinh tế quyết định nguồn gốc, bản chất, mục đích của chiến tranh, quốc phòng, quân đội; quyết định đến số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và vũ khí, trang bị kỹ thuật của chiến tranh, quốc phòng, quân đội, qua đó quyết định đến cơ cấu, tổ chức, biên chế, chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. Một nền kinh tế phát triển (lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, có sức cơ động và sức sống cao) là điều kiện vật chất để xây dựng nền quốc phòng mạnh và ngược lại. Vì vậy, quân đội không thể bị động chờ ngân sách nhà nước, mà cần phải tích cực tham gia phát triển kinh tế để tạo thế chủ động xây dựng tiềm lực kinh tế, trực tiếp là xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự - cơ sở vật chất của sức mạnh quân sự quốc gia.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta, vấn đề quân đội lao động sản xuất luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng và phát huy hiệu quả vào công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Thể hiện tiêu biểu nhất đó là chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, nội dung căn bản, cốt lõi là gửi quân dự bị ở nông thôn, lao động sản xuất tại địa phương, khi đất nước cần thì huy động họ trở thành binh lính thường trực bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” vừa bảo đảm cho triều đình luôn duy trì một lực lượng cân đối giữa xây dựng kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; giữa sản xuất và chiến đấu, hậu phương và tiền tuyến, bảo đảm quân thường trực số lượng đủ mức cần thiết, sẵn sàng chiến đấu cao và quân dự bị đông đảo, dễ dàng huy động khi có chiến tranh (như ở triều Trần khi đánh quân Mông Nguyên đã huy động quân số lên đến 20 vạn). Ngày nay, chúng ta thấy việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng, xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ là sự kế thừa chính sách “ngụ binh ư nông” của dân tộc ta.

Đại biểu tham quan các sản phẩm tăng gia sản xuất của lực lượng vũ trang huyện Hớn Quản trưng bày tại Tết quân - dân năm 2023

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền thống của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được Người thể hiện qua rất nhiều bài nói, bài viết và việc làm thực tế sinh động. Tại hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội”. Nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của quân đội, Người nhấn mạnh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội”. Trong lãnh đạo kháng chiến kiến quốc cũng như trong cuộc sống hằng ngày, cùng ăn, cùng ở với các chiến sĩ quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, kiên quyết chống tham ô, lãng phí.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chức năng “đội quân lao động sản xuất” được thể hiện qua chỉ thị, nghị quyết của Đảng... Đặc biệt Nghị quyết số 79-NQ/ĐUQSTW ngày 27-8-1992 xác định quân đội có 3 chức năng: Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Chức năng đội quân lao động sản xuất còn chính là sự cụ thể hóa Điều 68, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013): “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”; về phạm vi quản lý nhà nước, ngày 31-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng...

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Quân đội ta, ngoài mục tiêu đó không có mục tiêu nào khác, tham gia lao động sản xuất cũng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên.

Vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất

Gần 80 năm qua cho thấy, quân đội ta vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều khó khăn, trước hết là ăn, mặc, vũ khí trang bị…, nếu không có các đơn vị quân đội tổ chức lao động sản xuất, chế tạo vũ khí, khí tài, đạn dược và gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, trực tiếp tham gia xây dựng những công trình trọng điểm của đất nước, như: Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Đại thủy nông Bắc Hưng Hải...; nếu các đơn vị quân đội không tham gia lao động sản xuất, không có các căn cứ hậu cần tại chỗ, không bạt đèo, xẻ núi, xây dựng hệ thống đường bộ, đường sông, đường ống, đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam thì liệu rằng có chiến thắng của ngày 30-4 lịch sử? Đất nước hoàn toàn thống nhất, quân đội ta lại tiên phong trên các mặt trận xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, hội nhập và giao lưu quốc tế.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Bình Phước cùng các đại biểu tham quan khu tăng gia sản xuất tập trung của điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp năm 2023

Từ năm 2010 đến nay, các khu kinh tế - quốc phòng xây dựng mới 1.300 điểm dân cư tập trung với hơn 98.000 hộ dân; khắc phục cơ bản tình trạng một số xã “trắng dân”, thưa dân chưa thành lập được đơn vị hành chính. Nhiều doanh nghiệp quân đội sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, khai khoáng, ngân hàng..., đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, các đơn vị trong toàn quân đã tích cực, chủ động tăng gia sản xuất, tự túc được 80-90% định lượng rau, củ, quả; 35-70% định lượng thịt, cá các loại… góp phần nâng cao đời sống bộ đội.


Các đơn vị cũng tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức bộ đội. Đối với đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng, được tận dụng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế đảm bảo thực hiện đúng quy định, lộ trình và kịp thời chấn chỉnh những sai sót, chưa chặt chẽ của một số cơ quan, đơn vị bằng những biện pháp quản lý nhà nước. Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và doanh nghiệp quân đội nghiêm túc, kiên quyết sửa chữa, khắc phục kịp thời, triệt để. Chính vì vậy, không thể vì những sự việc đơn lẻ về một số sai sót trong quản lý đất quốc phòng thời gian qua mà quy chụp hiệu quả sử dụng đối với tất cả đất quốc phòng hiện nay, càng không thể đánh đồng sang việc thực hiện chức năng cơ bản “đội quân lao động sản xuất” như ý đồ của các đối tượng có quan điểm sai trái, thù địch.

  • Từ khóa
178227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu