Thứ 2, 20/05/2024 09:47:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Quốc phòng 08:59, 25/08/2021 GMT+7

QUYẾT TÂM CHIẾN THẮNG DỊCH BỆNH COVID-19

Những hy sinh thầm lặng...

Hồng Ánh
Thứ 4, 25/08/2021 | 08:59:43 1,224 lượt xem
BPO - Đã gần 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện trên đất nước, cũng là bấy nhiêu thời gian gần như 100% cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh chưa một lần được gặp lại gia đình, người thân, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ có cha mẹ, vợ con ở miền Trung và miền Bắc. Cũng từ đó có rất nhiều câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng nơi tuyến đầu...

“Có một nghề được gọi là lương cao”

Được đi, chứng kiến, nghe những chia sẻ, câu chuyện về sự hy sinh của người lính và hậu phương của các anh khiến chúng tôi càng thấm thía hơn với những ca từ trong bài hát “Có một nghề được gọi là lương cao” do Đại úy Vũ Văn Quốc, Sư đoàn 3, Quân khu 1 sáng tác gần đây: ...Có một nghề được gọi là lương cao/Bởi chiến tranh khói lửa đã không còn/Có một nghề được gọi là lương cao/Trong thời bình nghề lính rất cao sang/Có phải lính thời nay chẳng sương gió/Không có đớn đau, không phải hy sinh!/Tổ quốc ơi chúng tôi luôn thầm lặng/Hiến thanh xuân cho đất nước yên bình...

Thiếu tá Trần Hoàng Vũ (bìa trái) cùng đồng đội thực hiện nghi thức chào cột mốc trong chuyến tuần tra, bảo vệ đường biên

Mới tuần trước, khi đang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên biên giới, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Anh Tuấn, Chốt trưởng chốt số 4, Đồn biên phòng Lộc Thành nhận được hung tin bố vợ ở quê nhà Nghệ An vừa qua đời. Đau buồn nhưng anh đành nén lại để cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. “Năm 2006, mình kết hôn. Hơn 15 năm làm con của bố mẹ với biết bao tình cảm, kính trọng và yêu thương. Khi bố ốm nặng vì nhiệm vụ nên mình không thể về thăm nom, chăm sóc được và giờ khi bố ra đi cũng không thể về chịu tang. Dù đau buồn nhiều nhưng mình phải mạnh mẽ, thường xuyên gọi điện động viên, vực dậy tinh thần vợ con, động viên người thân ở nhà” - anh Tuấn nghẹn ngào.

Hay như câu chuyện của Đại úy Bùi Văn Tuấn, Chốt trưởng chốt số 5, Đồn biên phòng Phước Thiện. Năm 2018, vợ chồng anh Tuấn vui mừng đón thêm thành viên thứ 2 của gia đình chào đời khỏe mạnh. Nhưng niềm vui đó không kéo dài được bao lâu. Sau 20 ngày, bé có biểu hiện co giật, gia đình đã đưa đi khám nhiều nơi và được kết luận bé bị động kinh biến chứng dẫn đến bại não bên phải. Đến nay gần 3 tuổi, bé vẫn chỉ nằm một chỗ, không phản ứng khi gọi.

Đại tá Nguyễn Văn Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới

Vợ chồng anh Tuấn đang ở trong căn nhà trả góp tại thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp. Dù từ đơn vị về đến nhà riêng chỉ khoảng 25km thế nhưng đã hơn 6 tháng nay, anh chưa thể về thăm vợ, chăm con. Vợ anh là giáo viên mầm non nhưng vì con ốm yếu, không có chồng bên cạnh phụ giúp nên thường xuyên phải nghỉ làm không lương... “Bệnh động kinh và bại não không nằm trong danh mục bảo hiểm hỗ trợ nên mỗi tháng chi phí khám và mua thuốc khoảng 3-4 triệu đồng. Khi chưa có dịch, cách đôi ba tuần đơn vị cũng tạo điều kiện cho tôi tranh thủ về nhà giúp vợ chăm sóc và đưa con đi điều trị. Nhưng từ khi có dịch, những việc này đều do vợ lo toan. Thương vợ, thương con nên tôi càng phải cố gắng ngày đêm tuần tra để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ biên giới, sớm đẩy lùi đại dịch” - Đại úy Bùi Văn Tuấn nhấn mạnh.

Hậu phương vững chắc

Còn với câu chuyện gia đình của Thiếu tá Trần Hoàng Vũ, Chốt trưởng chốt số 3, Đồn biên phòng Lộc Tấn khiến chúng tôi vừa xúc động vừa cảm phục. Anh kể, vì hoàn cảnh còn khó khăn nên vợ chồng đang ở cùng nhà với bố mẹ vợ ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Hơn 9 năm vợ chồng bên nhau, số lần anh Vũ được về nhà cùng ăn bữa cơm, chăm sóc con cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dịch bệnh xuất hiện, vì nhiệm vụ nên việc về thăm gia đình, vợ con càng trở nên xa xỉ hơn.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Anh Tuấn (bìa trái) ghi chép tổng hợp tình hình sau ca gác

Anh Vũ và vợ có với nhau hai người con, một bé 2 tuổi rưỡi và một bé chỉ mới 9 tháng tuổi. Tháng 4-2021, Bình Dương bắt đầu xuất hiện những ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Vợ anh Vũ là chị Đinh Thị Mai, bác sĩ đang công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát (Bình Dương) đã quyết định cai sữa sớm, gửi hai con cho bố mẹ trông nom rồi xung phong vào tâm dịch, khi đó cháu nhỏ mới tròn 5 tháng tuổi. Vợ chồng ở cùng chiến tuyến căng mình chiến đấu với “giặc dịch”.

Bộ đội không chỉ là nghề nghiệp mà đó là lý tưởng, là niềm tin, trách nhiệm cao cả. Do vậy, dù vất vả, thiệt thòi, các cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn nỗ lực để vượt qua, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Phương,
Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh nhấn mạnh

“Cuối tháng 7 vừa qua, tôi nhận được tin vợ nhiễm bệnh. Dù rất thương và lo lắng nhưng vì nhiệm vụ nên tôi chỉ có thể thường xuyên gọi điện động viên vợ mạnh mẽ để chiến thắng Covid-19. Còn các con thì từ lâu đã không nhận ra ba...” - nói đến đây giọng anh Vũ nghẹn lại, gạt vội giọt nước mắt đang chảy dài trên mặt với làn da sạm đen vì tiết trời biên giới.

Chia sẻ qua điện thoại, chị Mai với giọng nói đầy kiên định: “Sau 2 tuần điều trị thì mình đã khỏi bệnh và lại tiếp tục cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch Covid-19. Mình ở nhà chỉ mới bắt đầu vào cuộc chiến với “giặc dịch”, nhưng anh ở biên giới phải ngủ lán trại, thức đêm đã gần hai năm nay. Dù nhiều lúc cũng tủi thân nhưng mình phải mạnh mẽ để anh yên tâm công tác vì khi yêu, mình yêu luôn cả công việc của anh. Mình tự hào khi được làm dâu Bộ đội Cụ Hồ”.

Và còn nhiều nữa những cặp đôi phải 2, 3 lần hoãn cưới; rất nhiều trường hợp vợ con ốm đau, sinh con, các chiến sĩ, cán bộ không thể về chăm sóc... Thế nhưng khi được hỏi, họ vẫn một mực khẳng định nhiều đồng đội còn vất vả hơn mình nhiều nên càng phải góp sức chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

  • Từ khóa
128896

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu