Thứ 2, 13/05/2024 12:44:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Quốc phòng 14:35, 25/12/2020 GMT+7

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH BÌNH PHƯỚC (25-12-1945 - 25-12-2020)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương

Thứ 6, 25/12/2020 | 14:35:01 549 lượt xem
BPO - Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 260,433km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia; có tiềm lực lớn về phát triển cây công nghiệp, nông sản, dịch vụ, du lịch và là hành lang quan trọng kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây nguyên, cửa ngõ giao lưu với nước bạn Campuchia; có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của Quân khu 7. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bình Phước đã nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh ra quân huấn luyện (ảnh nhỏ) và tuần tra bảo vệ các mục tiêu trọng điểm dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 - Ảnh: Văn Minh - Quang Thạch

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương

Trên cơ sở nắm vững đặc điểm, tình hình của địa phương, đồng thời nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong tình hình mới, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Phước đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực khắc phục khó khăn, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, qua đó đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,25%, tăng 0,15% so nhiệm kỳ trước; quy mô nền kinh tế đạt 68.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,64 lần so năm 2015.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân đầu người ước đạt 67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), gấp 1,54 lần so năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 20,5%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 43%; dịch vụ chiếm 36,5%... 

Những kết quả đó đã từng bước tạo tiềm lực cho khu vực phòng thủ của tỉnh ngày càng vững mạnh. Cùng với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự - quốc phòng (QS-QP) địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ ổn định trên tuyến biên giới, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác QS-QP, hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, phân công các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện. Từ đó, nhiệm vụ QS-QP địa phương trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Trước hết, Bình Phước đã tập trung làm tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là nhiệm vụ QS-QP của tỉnh. 

Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh ngày càng đi vào nền nếp, bằng nhiều hình thức phong phú, chất lượng được nâng lên từng năm. Từ đó, mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đối phó có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.

Chiến sĩ mới thực hiện nghi thức tuyên thệ

Bình Phước đã đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dự án các khu công nghiệp - dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế đều có tính lưỡng dụng của các dự án. Các căn cứ chiến đấu, công trình trọng điểm trong khu vực phòng thủ tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố đã được chú trọng đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện đã có sự đổi mới về nội dung, hình thức trong từng năm, sát với điều kiện, đặc điểm thực tế của địa phương, tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức về nhiệm vụ QS-QP địa phương.

LLVT địa phương được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, nhờ đó đã phát huy tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền về công tác QS-QP địa phương; đồng thời, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân. Chủ động nắm, dự báo và đánh giá tình hình; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến phòng thủ, cháy nổ, bão lụt, cứu hộ, cứu nạn. 

Đặc biệt trong năm 2020, LLVT tỉnh là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong tham mưu ứng phó kịp thời với dịch Covid-19, ngăn ngừa có hiệu quả và không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. LLVT tỉnh còn tham gia tích cực, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị và làm tốt công tác dân vận, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, biên giới.

Vững toàn diện, mạnh trọng điểm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong nhiệm vụ QS-QP, an ninh trong tình hình mới, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Trước hết, thực hiện đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng. Duy trì thường xuyên các hoạt động phối hợp, giao lưu, hợp tác, kết nghĩa; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả 3 kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền, ngoại giao nhân dân. 

Công tác đối ngoại, đối ngoại quân sự luôn được Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường; việc ký kết kết nghĩa giữa Bộ CHQS tỉnh với các tiểu khu quân sự và ban CHQS các huyện biên giới với các chi khu quân sự thuộc Vương quốc Campuchia được triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả. Qua đó đã tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, hữu nghị, duy trì có nền nếp chế độ trao đổi tình hình cấp tỉnh và cấp huyện, góp phần bảo đảm và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân giới, cắm mốc, quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ về nước.

Thứ hai, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp, bảo đảm đủ khả năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới. Coi trọng công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng theo quy định, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ ở cơ sở. Tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục quốc phòng - an ninh, phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đối với công tác QS-QP địa phương. Cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp phải nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác QS-QP. Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện.

Thứ ba, phải tiếp tục xây dựng LLVT địa phương tinh gọn, đủ sức chiến đấu; xây dựng khu vực phòng thủ vững toàn diện, mạnh trọng điểm trên cơ sở củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân. Nắm và dự báo chính xác tình hình, xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ, ngăn chặn hoạt động của các đối tượng phản động, các phần tử cực đoan, các loại tội phạm xuyên biên giới; xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm quy chế biên giới; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương, đủ khả năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ QS-QP địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có số lượng hợp lý, nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ quân sự địa phương. Xây dựng LLVT địa phương theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

Tiếp tục lãnh đạo xây dựng ban CHQS xã, phường, thị trấn, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ban CHQS cấp xã. Trong quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở, coi trọng nguồn cán bộ từ quân nhân xuất ngũ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QS-QP ở địa phương.

Thứ tư, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. 

Với lịch sử 75 năm truyền thống LLVT và qua gần 24 năm tái lập tỉnh Bình Phước, LLVT tỉnh nhà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó. Tin tưởng rằng, các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng LLVT tỉnh nhà vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với truyền thống “Trung dũng - Kiên cường; Chủ động - Sáng tạo; Đoàn kết - Quyết thắng”. 

Nguyễn Văn Lợi
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh

  • Từ khóa
118249

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu