Thứ 2, 13/05/2024 14:28:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Quốc phòng 14:48, 17/12/2020 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH BÌNH PHƯỚC (25-12-1945 - 25-12-2020)

Cha tôi

Thứ 5, 17/12/2020 | 14:48:00 487 lượt xem
BPO - Hôm nay, tôi lại sải bước trên con đường thân quen, nơi gắn bó với tôi suốt cả tuổi thơ. Như thường lệ, hằng tháng, tôi đều đưa gia đình nhỏ của mình về thăm quê nội. Nơi đây có người cha già suốt đời lam lũ, hy sinh gánh vác mọi khó khăn, gian khổ vì con; người mẹ già cả đời tảo tần chăm lo cho chồng, con; một căn nhà nhỏ đầy ắp những kỷ niệm của một thời ấu thơ.

Tác giả trao đổi với ông Huỳnh Thế Thiện

Cha tôi sinh năm 1932 ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, tên khai sinh là Nguyễn Thế Thân. Huỳnh Thế Thiện là tên do đơn vị đặt cho cha tôi khi tham gia kháng chiến. Năm 16 tuổi, cha đã đi theo Tiểu đoàn 307. Khi ấy tiểu đoàn mới thành lập, phạm vi hoạt động rộng lớn đến cả vùng Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp và Cà Mau. Gắn bó với Tiểu đoàn 307 một thời gian ngắn, ông nội động viên cha về tham gia bộ đội địa phương huyện Càng Long. Năm 1950, trong một lần chiến đấu, cha tôi lập được công đánh chìm 1 tàu của Pháp và tiêu diệt 6 tên địch. Đơn vị ghi nhận và tuyên dương, đồng thời tổ chức kết nạp Đảng cho cha tôi vào ban đêm tại rừng Càng Long (lúc đó cha tôi tròn 18 tuổi). 

Năm 1955, cha tôi tập kết ra Bắc tham gia Sư đoàn 34 - sư pháo. Năm 1961, cha tôi trở vào Nam và được tổ chức bố trí về Tỉnh đội Phước Long, sau đó chuyển sang K16 (Bù Đốp). Năm 1966, cha tôi về Đại đội 290. Tháng 5-1968, chủ trương của trên sáp nhập K Đường 10 và K19 thành K29 (Bù Đăng). Đại đội 290 vừa mới thành lập cũng chuyển về hoạt động tại Bù Đăng, do ông Điểu Ong làm Đại đội trưởng, cha tôi làm Chính trị viên. Các trận đánh gần như diễn ra liên tục. Ông Điểu Ong là người chỉ huy gan dạ, mưu trí, hành động luôn vì đồng chí, đồng đội. Đại đội 290 phối hợp đánh 41 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 432 tên (có 41 tên Mỹ), diệt gọn 2 trung đội bảo an, đánh tan 2 đoàn bình định, bắn cháy và phá hủy 14 xe quân sự địch, có 9 xe M113 và 4 xe GMC. Đơn vị cũng phối hợp với Tiểu đoàn 168 đánh địch tiêu diệt 18 tên, làm bị thương 28 tên; thu 15 súng các loại, 1 đại liên, 2 máy PRC 25… Trận đánh cuối cùng làm nên tên tuổi của anh hùng Điểu Ong diễn ra giữa những ngày cuối tháng 6-1969. Do bị thương ở chân nên Đại đội trưởng Điểu Ong lệnh cho cha tôi không được đi mà lui về tuyến sau điều trị. 

Ngày nay, đi trên thành phố trẻ Đồng Xoài, tôi tự hào có tên đồng đội của cha tôi là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Ong. 

Năm 1979, cha tôi tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, sang nước bạn Campuchia. Năm nay cha tôi 88 tuổi với Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Tôi vẫn luôn tự hào về cha mình. Với cuộc đời, kinh nghiệm từ trong chiến tranh và cả công cuộc xây dựng đất nước, cha tôi thường răn dạy: Từ sức dân có thể làm nên tất cả và việc tham lam tài sản của dân là tội ác! Ngày nay, ông vẫn thường xuyên làm gương và khuyên nhủ con cháu học tập Bác Hồ từ những việc làm nhỏ nhất, trong cuộc sống phải  luôn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Anh em tôi mỗi người một nghề phục vụ đất nước, trong đó có tới 3 anh em phục vụ trong ngành bưu chính - viễn thông, người em út đang phục vụ trong ngành công an và sau này là nhiều cháu nữa. Chúng tôi một lòng theo Đảng. Và cứ đến dịp chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) hằng năm, những ký ức của cha tôi lại ùa về như nhắc nhở con cháu hãy gắng sức hơn nữa cho tương lai tươi sáng, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh.  

Quang Thạch 

(Ghi theo lời kể của Phó giám đốc phụ trách 

Sở Thông tin và Truyền thông 

Nguyễn Minh Quang).

  • Từ khóa
113016

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu