Chủ nhật, 28/04/2024 01:14:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 09:43, 14/03/2024 GMT+7

Lợi kép từ kinh tế tuần hoàn

Hiền Lương
Thứ 5, 14/03/2024 | 09:43:07 2,796 lượt xem
BPO - Khái niệm “kinh tế tuần hoàn” ra đời từ những năm 1990, hiện kinh tế tuần hoàn đã được triển khai áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như công nghiệp, nông nghiệp nhằm mục tiêu hạn chế sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường thông qua việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín. Trong chế biến mủ cao su cũng vậy, nước thải, bùn thải đã được xử lý tận dụng tái sản xuất và nuôi trùn quế bón cho cây cao su.

Ở Việt Nam hiện nay có 3 công nghệ sơ chế mủ cao su đang được áp dụng trong thực tế. Đó là công nghệ chế biến mủ li tâm, công nghệ chế biến mủ cốm và công nghệ chế biến mủ tờ. Nước thải ra sau khi chế biến có nồng độ chất bẩn rất cao, phát sinh mùi hôi khá nặng. Vì vậy, việc xử lý nước thải từ nhà máy chế biến mủ cao su là vô cùng cần thiết. Để khắc phục mùi hôi trong chế biến mủ, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải không sử dụng hóa chất, đáp ứng yêu cầu tái sử dụng trong nuôi trùn quế.

Nước thải của xí nghiệp được tái sử dụng để nuôi cá

Trung bình mỗi ngày Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 phải sử dụng khoảng 800m3 nước phục vụ sản xuất, chống cháy, tưới cây xanh… Để tận dụng nguồn nước thải đã qua sử dụng, tái tuần hoàn trong quá trình sản xuất, ông Đoàn Quang Trọng, Giám đốc xí nghiệp và một số thành viên đã nghiên cứu thành công đề tài xử lý nước thải không sử dụng hóa chất, đáp ứng yêu cầu tái sử dụng trong nuôi trùn quế.

Theo nhiều kết quả phân tích thì thành phần nước thải cao su rất đa dạng và phức tạp, bao gồm protein, chất khoáng, carbonhydrates… và các phụ gia thêm vào để tăng hiệu quả cho quá trình chế biến mủ. Qua tham khảo tính chất, thành phần từ các nguồn khác nhau và từ kết quả phân tích nồng độ ô nhiễm của nước thải chế biến mủ cao su từ quá trình sản xuất thực tế tại nhà máy, nhóm thực hiện đề tài đã cải tạo và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải dây chuyền mủ khối. Đồng thời đầu tư xây mới 24 bể gạn trên cơ sở tính toán thiết kế dựa vào hệ thống hiện hữu, không thay đổi khuôn viên, mặt bằng của khu vực xử lý nước thải, từ đó tiết kiệm được tối đa chi phí, đặc biệt là chi phí hóa chất. Ông Trọng cho biết, hiện nay xí nghiệp không sử dụng hóa chất mà chỉ sục khí liên tục để nuôi vi sinh vật có ích làm phân trùn quế.  

Chị Nguyễn Thị Ngân, tổ xử lý nước thải, xưởng chế biến, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 chia sẻ: Hiện nay, nước thải của xí nghiệp đạt chuẩn theo các thông số của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nên khi thải ra đều được tái sử dụng vào sản xuất. Nước thải sau xả thải quan trắc được đưa vào hồ dự phòng, tại đây có 2 bơm đưa nước thải về phục vụ sản xuất cho các công đoạn vệ sinh và tưới cây xanh, từ đó giảm khai thác nước mặt cũng như giảm xả thải. Còn bùn sinh học trong quá trình xử lý, tách ra từ hệ thống xử lý nước thải của dây chuyền chế biến mủ được xí nghiệp dùng để nuôi trùn quế. 

Chị Nguyễn Thị Ngân (Tổ xử lý nước thải), lấy mậu nước xét nghiệm

Nhằm cơ giới hóa quy trình nuôi trùn quế, xí nghiệp đã thiết kế một máy cơ giới có khả năng vận chuyển 9m3 bùn chạy dọc trên hồ nuôi trùn quế và có cơ cấu rải đều bùn trên bề mặt hồ. Đồng thời trên xe vận chuyển lắp đặt một thiết bị có chức năng gom bùn từ hồ nuôi trùn chuyển lên xe để vận chuyển và đổ phân vi sinh đến vị trí tập kết. Trung bình 1 năm, xí nghiệp sản xuất khoảng 700 tấn phân trùn quế cung cấp cho các nông trường bón cho cây cao su. Anh Cao Thanh Tình, trợ lý kỹ thuật, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 cho biết: Qua quá trình xử lý của con trùn quế thì chất lượng phân bón được nâng lên, đặc biệt là các chỉ tiêu Nitơ, Photpho… 

Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 được biết đến là một trong những “cái nôi” của nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong ngành cao su. Trung bình mỗi năm, xí nghiệp có từ 5-10 đề tài thiết thực, được ứng dụng trong thực tiễn, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị. Những sáng kiến này đều có ưu điểm, tiến bộ vượt trội, được thí điểm tại đơn vị và sau đó áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường, nhân công lao động. Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài nghiên cứu xử lý nước thải không sử dụng hóa chất, đáp ứng yêu cầu tái sử dụng trong nuôi trùn quế đã giúp công ty giảm giá thành, bảo vệ môi trường, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. PGS.TS Ngô Đăng Lưu, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Đây là một đề tài rất hay, rất hiệu quả. Trong thời gian tới, xí nghiệp tiếp tục nghiên cứu để tận dụng tối đa nguồn năng lượng của nước thải để phát điện, góp phần bổ sung vào nguồn năng lượng sạch của quốc gia”.

Bùn thải được tận dụng để nuôi trùn quế làm phân bón cho cây cao su

Nước ta đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường, tài nguyên đất ở nhiều vùng bị thoái hóa nghiêm trọng, hiện tượng khan hiếm nước vào mùa khô xảy ra ở nhiều nơi, ô nhiễm nguồn nước mặt do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xảy ra ở hầu hết các đô thị trong cả nước… Vì vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài xử lý nước thải không sử dụng hóa chất, đáp ứng yêu cầu tái sử dụng trong nuôi trùn quế không chỉ được ứng dụng trong công ty mà có thể được xem xét để ứng dụng cho các nhà máy chế biến mủ cao su và các ngành nghề khác.

  • Từ khóa
191532

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu