Thứ 6, 10/05/2024 20:00:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 09:19, 21/12/2023 GMT+7

Chân dung 4 nhà khoa học nhận giải thưởng cao nhất VinFuture

(Vietnam+)
Thứ 5, 21/12/2023 | 09:19:54 2,280 lượt xem
4 nhà khoa học với phát minh sản xuất Năng lượng Xanh bằng pin Mặt Trời đã xuất sắc vượt qua gần 1.400 đề cử đến từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên Thế giới để giành giải thưởng Chính VinFuture.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giải thưởng Chính VinFuture 2023 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 4 nhà khoa học: Giáo sư Martin Andrew Green (Australia), Giáo sư Stanley Whittingham (Mỹ), Giáo sư Rachid Yazami (Morocco), Giáo sư Akira Yoshino (Nhật Bản) với phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho Năng lượng Xanh thông qua việc sản xuất bằng pin Mặt Trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.

Giáo sư Martin Andrew Green

Chân dung Giáo sư Martin Andrew Green. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Martin Andrew Green - nhà khoa học Australia là người tiên phong phát triển công nghệ Bộ phát thụ động và Tiếp điểm phía sau - PERC cho pin Mặt Trời.

Ông đã dành hàng thập kỷ trong hành trình nghiên cứu để giải bài toán về nguồn Năng lượng Xanh, nhằm kiến tạo cho một tương lai bền vững của nhân loại.

Thời điểm ông bắt đầu nghiên cứu về năng lượng Mặt Trời thì đây chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ, cũng như các quốc gia phát triển trên Thế giới. Thế nhưng dần theo thời gian, quan niệm của các quốc gia về nguồn Năng lượng Xanh đã thay đổi. Các dự án liên quan tới lĩnh vực này cũng dần được chấp nhận. Thậm chí giờ đây, người ta đã có thể tạo ra nguồn năng lượng Mặt Trời với sản lượng lớn kèm chi phí thấp.

Riêng pin Mặt Trời PERC do GS. Martin Green cùng nhóm nghiên cứu của ông phát triển đã thúc đẩy hiệu suất chuyển đổi năng lượng từ 15% lên 25%, đồng thời đạt được hiệu quả ở cả những khu vực có điều kiện ánh sáng không thuận lợi.

Kể từ khi được sản xuất đại trà vào năm 2012, pin Mặt Trời PERC đã chiếm tới 60% thị phần thị trường pin mặt trời trên toàn thế giới.

Với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực này, ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, bao gồm Giải Năng lượng Toàn cầu 2018, Giải Nhật Bản 2021, Giải Công nghệ Thiên niên kỷ 2022 và Giải Nữ hoàng Elizabeth về Kỹ thuật 2023.

Khi nhận giải thưởng Chính VinFuture, ông đã đã gửi cảm ơn với không chỉ các nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới - những người đã nỗ lực giúp chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng bền vững hơn.

Giáo sư Stanley Whittingham

Chân dung Giáo sư Stanley Whittingham. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Stanley Whittingham - nhà khoa học người Mỹ gốc Anh là người khởi xướng và khám phá ra nguyên lý hoạt động của pin Lithium-ion.

Ngày nay, pin Lithium được sử dụng trong tất cả những thứ cần pin để vận hành, nhỏ nhất là điện thoại, đồng hồ đeo tay, máy tính… cho đến xe cộ, phương tiện, hay lớn hơn là các công ty sản xuất điện năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió.

Trong hành trình nghiên cứu của mình, vị giáo sư 82 tuổi đã phát minh ra nguyên lý hoạt động của pin Lithium và xác định vai trò của ion Lithium như một chất mang điện tích hiệu quả. Ông cũng là người tiên phong nghiên cứu khái niệm xen kẽ điện cực và đã mô tả tỉ mỉ sự khuếch tán của Lithium vào các mạng tinh thể kim loại khác nhau.

Giáo sư Whittingham cho biết hành trình chế tạo ra pin Lithium của ông bắt đầu từ năm 1972 và ông chỉ mất 2-3 tháng để chế tạo ra được phiên bản mini của loại pin này.

Nhờ công trình khoa học đột phá về pin Lithium, Giáo sư Whittingham đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành năng lượng toàn cầu cũng như đóng một vai trò tiên quyết cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Ba, hay cuộc Cách mạng Kỹ thuật Số.

Tại VinFuture 2023, ông chia sẻ: "Những nỗ lực giúp chúng ta hướng tới hệ sinh thái bền vững hơn, giúp tăng cường sức khỏe cho thế hệ con cháu tương lai. Hy vọng các bạn cùng tôi vượt qua thách thức biến đổi Khí hậu."

Giáo sư Rachid Yazami

 Chân dung Giáo sư Rachid Yazami. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giáo sư Rachid Yazami - nhà khoa học Maroc là người đã khám phá ra sự xen kẽ điện hóa thuận nghịch của các ion Lithium với than chì và nhiệt động lực học của quá trình sạc và xả pin

Vào năm 1979-1980, Giáo sư Yazami đã phát minh ra cực dương than chì Lithium, hiện được sử dụng trong pin Lithium. Đây là một chi tiết không thể thiếu, mở đường cho hoạt động kinh doanh trị giá 15 tỷ USD/năm trên toàn cầu.

Ông được coi là nhà phát minh đại tài, với hơn 70 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ về pin, bao gồm cực dương dựa trên nano-Si- và nano-Ge cho pin Lithium tốc độ sạc cực cao, pin lithium-carbon fluoride cho các ứng dụng không gian và y tế, cực dương lỏng...

Ông cũng là đồng tác giả của hơn 250 bài báo về pin cũng như vật liệu và hệ thống của chúng. Trong suốt chặng đường làm khoa học, ông đã nhận được các giải thưởng khoa học uy tín từ NASA, NATO, IBA, Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản và IEEE, cùng nhiều giải thưởng khác.

Trong lần đến Việt Nam và nhận Giải thưởng VinFuture 2023, Giáo sư Rachid Yazami đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc theo đuổi ngành Năng lượng Xanh, đồng thời nhìn thấy tiềm năng trong việc phát triển xe chạy điện.

Ông chia sẻ: "Công nghệ lithium ion đã được sử dụng lượng lớn vào năm ngoái và ngày càng tăng lên qua các năm. Tương lai nằm ở trong phát triển xe chạy điện và hy vọng lần sau tới Việt Nam tôi sẽ thấy thêm nhiều xe điện hơn và không khí ngày trong lành hơn. Đó là điều tốt đẹp cho tương lai và chúng ta có thể làm được."

Giáo sư Akira Yoshino

 Chân dung Giáo sư Akira Yoshino. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giáo sư Akira Yoshino - nhà khoa học Nhật Bản với công trình tiên phong trong việc sử dụng muội than ở cực âm của pin Lithium-ion

Năm 1981, Giáo sư Akira Yoshino bắt đầu nghiên cứu về pin sạc bằng polyacetylene. Đây là chất polymer điện dẫn được phát hiện bởi Hideki Shirakawa, người sau này được trao Giải Nobel về hóa học vì phát hiện này.

Năm 1983, Giáo sư Yoshino chế tạo thành công một nguyên mẫu pin có thể sạc sử dụng lithium cobalt oxit như cathode và polyacetylene làm cực dương.

Trong nguyên mẫu này, vật liệu cực dương không chứa lithi, và các ion lithi chỉ di chuyển từ cực âm LiCoO2 vào cực dương trong quá trình sạc. Đây chính là tiền thân trực tiếp của pin Lithium-ion hiện đại.

Có thể nói rằng, Giáo sư Akira Yoshino đã cống hiến cả đời mình để chế tạo ra được một loại pin duy nhất, và nó chính thứ mà mọi người vẫn sử dụng mỗi ngày trên điện thoại hay máy tính xách tay.

Với những đóng góp ấy, ông đã được trao Giải Nobel Hóa học năm 2019 cùng với hai vị đồng nghiệp là Giáo sư John B. Goodenough và Giáo sư Stanley Whittingham.

Tại VinFuture 2023, ông nhấn mạnh: "Pin lithium ion đang dần đóng vai trò quan trọng tạo nên xã hội tương lai bền vững. Tôi tin là vậy và đây là công cụ để dẫn dắt ta hướng tới sự phát triển ngày càng bền vững. Đây là điều tôi luôn tin tưởng".

  • Từ khóa
184768

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu