Thứ 7, 11/05/2024 12:16:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:33, 14/11/2020 GMT+7

Sử dụng điện thoại trong giờ học: Khuyến khích nhưng không “thả nổi”

Thứ 7, 14/11/2020 | 09:33:00 1,852 lượt xem
BPO - Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT về cho phép học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại di động trong giờ học để phục vụ học tập chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2020. Như vậy, khác với Thông tư số 12 trước đây, học sinh không được sử dụng điện thoại thì quy định mới của Bộ GD&ĐT có phần “mở” và linh hoạt hơn. Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng điện thoại thông minh phục vụ học tập là xu hướng tất yếu. Vấn đề được quan tâm là nhà trường sẽ quản lý học sinh sử dụng điện thoại như thế

Trường THPT Nguyễn Khuyến, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng có 3 phòng máy tính với 68 máy được kết nối internet phục vụ tra cứu, học tập của học sinh tại trường bất cứ lúc nào

Lo lắng khó kiểm soát

Tại Trường THPT Phú Riềng, huyện Phú Riềng, việc đổi mới phương pháp dạy học có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành công cụ đắc lực giúp học sinh tra cứu, tìm kiếm thông tin mà trong sách vở không có. Những năm qua, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc trang bị cơ sở hạ tầng về CNTT như: phòng máy tính, lắp đặt hệ thống internet băng thông rộng giúp học sinh dễ tra cứu tài liệu, kết nối học tập. Nhà trường cũng cho học sinh sử dụng điện thoại trong một số hoạt động ngoại khóa và môn học đặc thù như ngoại ngữ khi có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên.

Không thể phủ nhận những tiện ích từ điện thoại thông minh, tuy nhiên vấn đề giáo viên bộ môn rất trăn trở là làm sao các em tự kiểm soát trong quá trình sử dụng thiết bị thông minh. Điều này sẽ tạo áp lực cho giáo viên quản lý các em sử dụng điện thoại trong lớp học cho phù hợp. Nếu trong tiết học, giáo viên quản lý không tốt thì sẽ rất nguy hại.

Cô Phạm Thị Hảo, giáo viên Tin học, Trường THPT Phú Riềng

Ngay sau khi Thông tư số 32 có hiệu lực, đã có nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên và học sinh. Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng vì sử dụng điện thoại di động có kết nối internet giúp các em dễ tra cứu, tìm kiếm thông tin, tạo hứng thú trong học tập. Các em cho rằng, việc dùng điện thoại chủ yếu để tra từ điển, xem các video về thí nghiệm, cách giải bài tập… khi học các môn tự nhiên và ngoại ngữ.

Điểm mới của Thông tư số 32 cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, nhưng cũng quy định cụ thể các điều khoản được sử dụng khi có sự kiểm soát của giáo viên. Từ đó nhà trường cũng sẽ có quy định cụ thể đối với các môn học đặc thù, chỉ cho phép sử dụng trong khoảng thời gian nhất định, chứ hoàn toàn không “thả nổi” để các em sử dụng thoải mái.

Thầy Dương Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Riềng cho rằng: Ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục sẽ hỗ trợ rất nhiều trong dạy và học, học sinh sẽ có nhiều thuận lợi trong tiếp cận kiến thức đa chiều. Tuy nhiên, vấn đề nhà trường quan tâm là quản lý thế nào cho hiệu quả để tránh việc học sinh lạm dụng điện thoại vào các mục đích không phù hợp.

Trường THPT Nguyễn Khuyến, xã Bù Nho trang bị bảng tương tác thông minh, máy chiếu, phòng máy có kết nối internet phục vụ tra cứu, học tập của học sinh 

Cần cái nhìn mở

Ngay sau khi Thông tư số 32 có hiệu lực, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học vì đang chờ văn bản hướng dẫn từ Sở GD&ĐT.

Trường THPT Nguyễn Khuyến ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã thống nhất với phụ huynh cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để đảm bảo công tác quản lý và giúp các em tập trung trong từng tiết học. Thầy Nguyễn Văn Linh, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: Để đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin phục vụ học tập, nhà trường đã được Sở GD&ĐT trang bị 6 bảng tương tác thông minh, 19 máy chiếu, 3 phòng máy tính với 68 máy có kết nối internet phục vụ việc tra cứu, học tập của học sinh tại trường bất cứ lúc nào. Vì vậy, sử dụng điện thoại trong tiết học là không cần thiết.

Trong thời đại kỹ thuật số, sử dụng thiết bị thông minh là nhu cầu tất yếu. Các em truy cập internet nhằm mục đích nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả cao trong học tập. Vấn đề ở chỗ phụ huynh và giáo viên cần giúp học sinh kiểm soát thời gian sử dụng, làm chủ thiết bị để không bị lôi kéo vào các mục tiêu không phù hợp.

Thầy Hồ Hải Thạch, Phó giám đốc Sở GD&ĐT

Bối cảnh xã hội chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục, ngành GD&ĐT đang hướng dẫn và khuyến khích giáo viên, học sinh ứng dụng CNTT trong dạy và học được cụ thể hóa bằng Thông tư số 32 nhằm hướng đến mục đích thay đổi phương pháp học tập, tạo hứng thú đối với học sinh. Tuy nhiên, em Nguyễn Thu Thảo, lớp 12A9, Trường THPT Nguyễn Khuyến đắn đo vì sử dụng thiết bị điện tử có kết nối internet ngay trong lớp phục vụ học tập thì quá tốt nhưng nếu sử dụng vì mục đích giải trí, không tập trung nghe giảng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc học.

Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Phần đông ý kiến cho rằng, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ học tập, nhà trường cần có quy chế rõ ràng để kiểm soát và định hướng học sinh sử dụng đúng mục đích, giúp nâng cao hiệu quả học tập. Nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy học sinh lạm dụng điện thoại dẫn đến xao nhãng việc học.

Có thể thấy, trước khi cho học sinh dùng điện thoại trong lớp, nhà trường, gia đình hãy trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để sử dụng thiết bị một cách thông minh. Làm sao để  smartphone thành công cụ hiệu quả phục vụ cả trong học tập và cuộc sống của các em. Theo một số khảo sát gần đây, kỹ năng về CNTT chiếm 25% “chìa khóa” thành công trong cuộc sống của giới trẻ. Nếu nhà trường và gia đình có sự phối hợp chặt chẽ, giúp các em trong sử dụng điện thoại thì những lợi thế của CNTT sẽ là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học thời đại công nghệ 4.0.                       

Ngân Hà

  • Từ khóa
112371

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu