Thứ 2, 20/05/2024 08:38:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 10:12, 20/09/2017 GMT+7

Hội nghị Viên

Thứ 4, 20/09/2017 | 10:12:00 1,121 lượt xem
BP - Cuối năm 1813, trong một trận quyết chiến giữa Pháp và khối đồng minh chống Pháp lần thứ 6 tại Leipzich (Đức), hoàng đế Napoleon Bonaparte (Napoleon I) đã bị thất bại thảm hại và phải thoái vị vào tháng 4-1814. Đến tháng 5-1814, các nước thắng trận đày Napoleon I ra đảo Elba giữa Địa Trung Hải.

Đầu tháng 10-1814, các nước thắng trận đến Viên, thủ đô của Áo để họp bàn phân chia lại châu Âu và các thuộc địa, lịch sử gọi là hội nghị Viên. Đồng thời vực dậy các vương triều cũ đã bị Napoleon I xóa sổ. Tuy nhiên, đầu tháng 3-1815, Napoleon I bất ngờ dẫn theo 1.000 người trốn khỏi nơi giam cầm và trở về Pháp. Tin Napoleon I vượt ngục tiến về tiếm quyền tại Pari đã làm rung chuyển châu Âu. Bởi các nước lo sợ Pháp sẽ khởi động lại các chiến dịch quân sự thôn tính các quốc gia khác. Và việc này sẽ phá tan giấc mơ phân chia lại châu Âu, thuộc địa của các nước thắng trận năm trước. Do đó, các nước châu Âu đang dự họp tại hội nghị Viên đã vội vàng ký “Nghị quyết cuối cùng” để trở về đối phó tình hình.

Tại hội nghị Viên, Anh, Áo, Phổ và Nga là những nước lớn đứng ra điều khiển hội nghị. Pháp là nước bại trận phải chấp thuận mọi ý kiến của 4 nước này khi họ đã thống nhất đưa ra. Tuy nhiên, vì lợi ích của dân tộc, quốc gia nên 4 nước đều muốn giành phần hơn. Vì vậy họ đã bất chấp các nghi thức ngoại giao để đạt được mục đích cuối cùng. Nước Nga muốn làm chủ châu Âu, trong khi Áo lại tranh với Phổ để làm vua vùng miền Trung châu Âu. Đức muốn tranh quyền với Anh để khống chế các vùng biển và mở rộng lãnh thổ quốc gia... Lợi dụng mâu thuẫn giữa 4 nước, Pháp vạch kế hoạch li gián các cường quốc để tranh thủ những điều kiện có lợi nhất cho mình. Pháp đứng về phía Anh, lôi kéo thêm Áo thành lập liên minh quân sự bí mật để chống lại Nga - Phổ và xâu xé Ba Lan. Anh là nước hoạt động tích cực nhất phía sau màn hội nghị. Trong khi các nước đang tranh giành quyền lợi ở châu Âu trong phòng họp, thì bên ngoài người Anh đã chiếm toàn bộ Địa Trung Hải, đảo Helgoand (Đan Mạch), giành Sri Lanca từ Hà Lan, chiếm mũi Hảo Vọng, Tobago, Guayana... khống chế các tuyến đường biển chiến lược.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hội nghị Viên đã để lại một vết nhơ trong lịch sử phát triển của thế giới. Bởi hội nghị này đã lập lại trật tự phong kiến cũ và vẽ lại bản đồ chính trị châu Âu vốn đã bị Napoleon I đánh đổ. Hội nghị đã đưa các dân tộc vừa được giải phóng khỏi ách phong kiến trở lại sự áp bức cũ của các nước chiến thắng. Engels nhận định: Sau khi quái vật đảo Corsika (Napoleon I) bị giam cầm, vua chúa các nước lớn nhỏ lập tức họp nhau ở Viên để ăn chia, đòi tiền thưởng... Các dân tộc bị đem ra mua bán, chia cắt, sát nhập theo ý đồ phục vụ lợi ích của bọn thống trị... 

T.Phong
(Trích nguồn 102 sự kiện nổi tiếng thế giới)

  • Từ khóa
66530

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu