Thứ 2, 20/05/2024 08:20:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:06, 11/03/2020 GMT+7

Thống Nhất “khát” nước

Quang Minh
Thứ 4, 11/03/2020 | 06:06:00 500 lượt xem
BPO - Dọc 2 bên đường từ ngã ba Sao Bọng vào UBND xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, những bụi chuối vì thiếu nước đã chết gục, gãy ngang thân. Những vạt điều ghép 4-5 năm tuổi bị cháy nắng, lá tầng trên cùng khô trắng quăn queo. Một số vườn cà phê đang ngả màu vàng úa, chết dần. Nắng nóng kéo dài, cả cây trồng, vật nuôi và người dân xã Thống Nhất đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, kinh tế thiệt hại từng ngày.

Trên địa bàn xã Thống Nhất có 8 hồ nước, bưng bàu và nhiều suối luồn lách khắp các thôn. Thế nhưng, với 12.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 7.454 ha điều, 918 ha cà phê, 57 ha tiêu... và nắng nóng kéo dài, nguồn nước ở Thống Nhất đã và đang cạn rất nhanh.

Thiệt hại kinh tế

Từ giữa tháng 1-2020 đến nay, nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn xã Thống Nhất cạn dần. Giếng, ao không còn nước khiến nhiều gia đình gặp khó khăn. Ông Lê Xuân Phiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 10 khẳng định: “Thôn 10 khô hạn và khó khăn nhất xã. Nhà tôi có 3 giếng đào và 2 giếng khoan cũng không đủ nước dùng. 3 giếng đào cái nào cũng sâu hơn 25m nhưng cạn trơ đáy. 1 giếng khoan sâu 90m, đầu mùa khô đã không còn tí nước nào. Tháng 1-2020, tôi khoan thêm 1 giếng sâu 149m, nhưng mỗi ngày chỉ bơm được vài phút là hết nước. Muốn có nước dùng thì cách vài tiếng đồng hồ lại phải bơm, mỗi lần bơm cũng chỉ được 200-300 lít”. Nói về tiền khoan giếng, ông Phiên cho biết: “Năm 2007, tôi khoan giếng hết 18 triệu đồng. Giếng mới khoan (tháng 1-2020), nếu có nước thì gia đình phải trả 45 triệu đồng. Tuy nhiên, vì bơm mãi nước không lên nên chủ giàn khoan chỉ xin hỗ trợ 5 triệu đồng tiền dầu. Dù rất tốn kém nhưng tôi đã chuẩn bị 50 triệu đồng để khoan tiếp 1 giếng nữa. 2 giếng kia khoan phía trước sân, cái này sẽ khoan ở sau nhà”.  

Ông Nông Văn Tư (thứ hai từ trái qua) ở thôn 4 cùng lãnh đạo xã Thống Nhất (Bù Đăng) kiểm tra nước giếng của gia đình

Dẫn khách ra sau vườn thăm 500 cây ca cao xen trong 1 ha điều và 200 trụ tiêu, vừa đi ông Phiên vừa cúi nhặt những trái ca cao và lóng tiêu rụng dưới đất xuýt xoa: “Thiếu nước, thiệt hại kinh tế là rất lớn”. Quả thật, vì thiếu nước nên các trụ tiêu của gia đình ông đang ngả dần sang màu vàng úa. Nhiều dây tiêu đang rụng lóng, chết dần mà ông nói vui là “tiêu đang tháo khớp”. Những cây ca cao trồng dưới tán điều cũng đã trút nhiều lá. Thiếu nước, những trái ca cao non bị khô dính trên thân cây, trái đang sinh trưởng to bằng nắm tay thì héo rụng xuống đất. Ông Phiên nói: “Ca cao có đủ nước tưới thì ra bông, đậu trái và cho thu hoạch quanh năm. Mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 1 tấn hạt khô, trị giá khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, từ tháng 1-2020 đến nay, nắng hạn, cây không ra bông, đậu trái nữa. Chỉ riêng ca cao đã thất thu 2 tháng, thiệt hại khoảng 12 triệu đồng”.

Trong sóc có khoảng 60 con bò. Mùa khô cỏ chết cháy nên bò không có thức ăn. Nước suối cũng khô cạn nên sự sống của đàn bò đang bị đe dọa. Sóc cũng có một vườn rau xanh để bà con ăn chung, nhưng vì không có nước nên giờ vườn đất đành bỏ không.

Anh Điểu Nhôn, Trưởng sóc Ông La, thôn 10, xã Thống Nhất

Hơn 1 tuần qua, giếng đào sâu 24m của gia đình ông Nông Văn Tư, Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Thống Nhất đã cạn kiệt, khiến ông phải tính toán rất kỹ các phương án để có nước. Ông Tư chia sẻ: “Dù giếng đã cạn nhưng tôi không dám đào thêm vì sợ đất lở. Hơn nữa, nếu có đào thì thợ sẽ lấy tiền công rất cao, khoảng 1 triệu đồng/m. Để có nước sinh hoạt, tôi phải hạ máy bơm xuống tận đáy giếng, vét bùn, sau đó để nước trong mới bơm lên bồn chứa. Mỗi lần bơm vét một ít, giếng sẽ sâu hơn và có nước dùng sinh hoạt”. Để có nước tưới 1,4 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, ông Tư phải mua thêm 2 máy bơm. 1 máy công suất 5kW đặt dưới ao cách nhà 300m bơm tăng bo từ ao lên bể chứa khoảng 40m3. 1 máy bơm 2,5kW đặt tại bể chứa để bơm tưới cà phê. Đang là cao điểm mùa khô nên ông Tư tiết kiệm nguồn nước để tưới cà. Đoạn đường trước nhà rất bụi nhưng giờ ông cũng không còn tưới như trước mà dành nước tưới cây.

mua nước ăn và ra suối tắm, giặt

Từ ngã tư Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi vào thôn 4 khoảng vài trăm mét, có 14 hộ, 74 người dân tộc S’tiêng. Đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Tất cả hộ dân đều không có giếng nên nước ăn và sinh hoạt thiếu trầm trọng. Gia đình ông Điểu Un (50 tuổi) có 10 người (hai vợ chồng và 8 người con). Sau nhà ông có bồn inox 1.000 lít được cấp từ chương trình giảm nghèo để hứng nước mưa. Nhưng vì không có nước, bồn đổ lăn lóc, méo mó. Hằng ngày, Thị Trang (con gái lớn của ông Un) phải ra quán tạp hóa đầu đường xin nước giếng khoan về, chủ yếu rửa chén. Mỗi lần xin 4 can, mỗi can 20 lít. Nước uống và nấu cơm phải mua 2 bình/ngày, mỗi bình 10 ngàn đồng. Chiều mỗi ngày, cả nhà 10 người chở nhau ra suối cách nhà 3km tắm, giặt. Những hộ xung quanh cũng chung thực trạng này.

Hằng ngày, Thị Trang (thôn 4, xã Thống Nhất) phải đi xin nước của gia đình có giếng khoan về rửa chén

Sóc Ông Lôi, thôn 10 có 37 hộ. Trước đó, sóc được đầu tư 1 giếng nước tập trung nhưng vì đã lâu, máy hư, giếng cạn khô nên không thể sử dụng. Để có nước dùng, đa số người dân xuống suối tắm giặt và gùi nước về ăn. Người đựng nước trong ống lồ ô, mỗi gùi 7-10 ống đựng được khoảng 15-20 lít nước. Người buộc dây vào can nhựa để xách hoặc cõng nước. Đã nhiều ngày không mưa, suối cũng cạn dần. Mới đây, anh Điểu Tàu (SN1988), là thợ khoan giếng được ông chủ hỗ trợ khoan cho gia đình 1 giếng sâu 140m. Anh Tàu chỉ đầu tư tiền dầu hết vài triệu đồng. Để chia sẻ khó khăn với bà con, anh Tàu nối một ống phụ để ai có nhu cầu thì bơm nước về sinh hoạt. Dù giữa trưa nắng nhưng một số phụ nữ vẫn chờ hàng xóm bơm xong để kéo ống dây bơm cho gia đình.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã chỉ đạo các thôn khảo sát hộ có nhu cầu hỗ trợ để giảm nghèo bền vững thì nhiều hộ đăng ký hỗ trợ giếng khoan. Hầu hết các sóc đồng bào trên địa bàn xã được xây dựng công trình nước sạch tập trung nhưng đa số đã hư hỏng. Xã đã đề nghị cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa, tránh lãng phí. Nếu các hồ, đập trên địa bàn xã được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thì sẽ giải quyết được bài toán về nước sản xuất cho nhân dân. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 2 thủy điện đang trong quá trình xây dựng, gồm thủy điện Thống Nhất tại thôn 10 và thủy điện Trường Sơn tại thôn 5. Thời gian tới, hồ của các thủy điện này trữ nước sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống nhân dân vùng phụ cận.

Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Trần Quốc Tuấn

  • Từ khóa
94688

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu